Chuyên gia đánh giá, trong 20 năm tới, xe buýt vẫn là chủ lực trong vận tải công cộng ở Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế, loại hình này có rất nhiều bất cập. (Ảnh: Di Linh).
Theo thông tin từ Trung tâm quản lí và điều hành giao thông đô thị (Tramoc, Sở GTVT Hà Nội), tốc độ bình quân của xe buýt Hà Nội ở mức trung bình khoảng 23,8km/h xấp xỉ vận tốc chạy xe theo kế hoạch.
Các tuyến buýt nội thành, tốc độ bình quân thấp, chỉ khoảng 16,7 km/h, đạt 86,5% so với kế hoạch. Đáng chú ý, có tuyến chỉ đạt 13km/h như tuyến số 14,24.
Các tuyến ngoại thành, tốc độ bình quân cao hơn (24,3km/h, đạt 90% so với kế hoạch).
"Ngoài 27 điểm ùn tắc chưa được xử lí, qua quá trình điều hành thực tế trên tuyến, số điểm ùn tắc ảnh hưởng đến hoạt động của xe buýt lên tới 40 điểm", Trung tâm quản lí và điều hành giao thông đô thị cho hay.
Đáng chú ý, theo đơn vị này, tính đúng giờ các lượt xe buýt khó được đảm bảo theo biểu đồ vận hành do tình trạng ùn tắc giao thông.
Cụ thể, theo số liệu khảo sát đối với 44.316 lượt xe của 121 tuyến và nhánh tuyến, thời gian chuyến đi thực tế so với kế hoạch kéo dài dưới 5 phút: 48%; từ 5-10 phút: 18%; từ 10-15 phút: 14%; từ 15-20 phút: 9%; trên 20 phút: 11%.
Đồng thời có 541 lượt bỏ (0,02%) và 123.187 lượt (4,5%) phải điều chỉnh lộ trình.
Xe buýt ở Hà Nội chưa chiếm ưu thế so với các phương tiện khác. (Ản: Di Linh).
Về vấn đề thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, Tramoc cho biết trong thời gian qua được cải thiện đáng kể nhưng chưa đồng đều cả về thái độ phục vụ, mức độ chăm sóc khác hàng.
"Bên cạnh những hành động đẹp của lái xe và nhân viên phục vụ trên các tuyến buýt, hiện tượng thiếu văn minh, lịch sự đối với hành khách của lái xe và nhân viên phục vẫn còn xuất hiện trên một số xe làm giảm sức hấp dẫn của xe buýt", Tramoc cho hay.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, có 6.559 lượt thông tin phản ánh về thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, chiếm 15%.
Ngoài ra tình trạng lái xe buýt ra vào điểm thiếu quan sát, xe buýt lấn làn còn xuất hiện trên một số xe gây bức xúc cho người tham gia giao thông và an toàn cho hành khách trên xe.
Thêm một "điểm trừ" của xe buýt là hệ thống vé gồm có vé lượt, tem vé tháng chưa có hệ thống vé điện tử dùng chung.
Cơ cấu giá vé lượt hiện chưa phù hợp với chuyến đi của hành khách, giá vé lượt hiện chỉ có 3 mức (dưới 25km; từ 25km đến 30km và trên 30km trở lên).
Trong khi đó, cự li đi lại của hành khách trong nội đô dao động từ 5-10 km vẫn phải trả mức vé với cự li đi lại dưới 25km, chưa thực sự thu hút đối với hành khách.
Ngoài ra, số tuyến buýt có cự li trên 40km (có 14 tuyến và nhánh tuyến, tăng 12 tuyến so với thời điểm 2015), tuy nhiên giá vé lượt bằng tuyến có cự li từ 30km trở lên.
Hạ tầng cho xe buýt như làn riêng, làn ưu tiên còn thiếu. (Ảnh: Di Linh).
Theo chuyên gia giao thông đô thị, GS TS Từ Sỹ Sùa, xe buýt cần ưu tiên chất lượng dịch vụ (chất lượng phương tiện, người lái, phục vụ, đúng giờ...) để thu hút hành khách.Về các yếu tố ảnh hưởng chất lượng xe buýt, Tramoc cho biết hạ tầng phục vụ cho xe buýt được đầu tư, phát triển tuy nhiên còn thiếu.
Cụ thể, trong quá trình mở mới các tuyến buýt, việc bố trí các điểm dừng còn có chỗ chưa hợp lí dẫn tới tình trạng đơn thư đề nghị bổ sung hoặc di chuyển (trong 6 tháng thực hiện di chuyển 51 điểm dừng theo kiến nghị).
Bên cạnh đó, việc tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, phát triển các điểm trung chuyển chưa được theo yêu cầu.
"Theo Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng năm 2018 sẽ đầu tư mới 2 điểm trung chuyển và 4 làn đường ưu tiên cho xe buýt; năm 2019 với 1 điểm trung chuyển và 2 làn đường dành riêng tuy nhiên hiện chưa triển khai được", Tramoc thông tin.
Đáng chú ý, hiện toàn thành phố Hà Nội hiện có 102 điểm đầu cuối dành cho xe buýt có 57 vị trí (54%) điểm đầu cuối xe buýt hiện nay là các vị trí đỗ tạm lề đường, bãi đất trống không có quy hoạch.
Nhiều vị trí dừng đỗ không được đảm bảo ổn định, bị di chuyển, thu hồi vì nhiều lí do ảnh hưởng gây đến dịch vụ và khả năng tiếp cận, thu hút hành khách.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 3 nhà chờ, 39 điểm dừng phải di chuyển do tổ chức giao thông phục vụ thi công các công trình của Thành phố.
Ùn tắc giao thông khiến nhiều người không lựa chọn xe buýt. (Ảnh: Di Linh).
Theo Tramoc, mặc dù giao thông trên địa bàn TP được cải thiện nhưng diễn biến phức tạp, số điểm ùn tắc trong 6 tháng đầu năm 2019 được xử lí giảm từ 33 xuống còn 27 điểm.
Tuy nhiên, tình trạng trạng ùn tắc trên các trục giao thông chính của TP, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm thường xuyên diễn ra ảnh hưởng trực tiếp việc vận hành của xe buýt.
Ngoài ra, dịch vụ xe buýt thường xuyên bị xáo trộn do phân luồng tổ chức giao thông phục vụ thi công các công trình trên địa bàn TP.
"Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 đã thực hiện 40 lượt điều chỉnh đối với 29 tuyến buýt do phân luồng tổ chức giao thông (tăng 14,3% so với thực hiện cùng kỳ 2018); thực hiện di chuyển đối với 3 nhà chờ và 39 điểm dừng, thu hồi 3 nhà chờ và 5 điểm dừng xe buýt", Tramoc cho biết thêm.
"Hà Nội thường xuyên tắc đường, xe máy có thể luồn lách để đi nhưng xe buýt thì không. Đây là lí do tôi vẫn chọn xe máy", anh Nguyễn Hoàng Quân (26 tuổi, Hà Đông), nói.
Theo Tramoc, một vấn đề khách ảnh hưởng xe buýt là tổ chức giao thông cho người đi bộ chưa được chú trọng.
Cụ thể là việc chưa có ưu tiên bố trí vỉa hè, cầu vượt, vạch sơn kẻ cho người đi bộ trên các đoạn tuyến có bố trí nhà ga, điểm trung chuyển, điểm dừng xe buýt... để tăng tính tiếp cận của người dân với phương tiện vận tải công cộng.
Đô thị 15:00 | 24/06/2020
Đô thị 14:47 | 23/06/2020
Đô thị 17:32 | 18/06/2020
Đô thị 16:13 | 17/06/2020
Đô thị 11:09 | 12/05/2020
Đô thị 11:18 | 07/05/2020
Đô thị 07:00 | 20/03/2020
Đô thị 07:39 | 03/10/2019