Chuyên gia giao thông cho rằng xe buýt vẫn chiếm chủ đạo ở Hà Nội trong 2 thập kỉ tới. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 20/6/2019, tại Hội thảo Phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng an toàn, thân thiện, bền vững, chuyên gia giao thông đô thị, GS TS Từ Sỹ Sùa nhận định trong vòng 20 năm tới, xe buýt vẫn chiếm chủ đạo ở Hà Nội.
Trên thực tế, vận tải hành khách công công ở Hà Nội cũng mới chỉ có xe buýt, buýt nhanh BRT. Trong khi đó, taxi vẫn chưa chính thức được coi là phương tiện công cộng.
Ngoài ra, với vận tải hành khách khối lượng lớn, các tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) vẫn chưa đi vào hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho biết, trên thực tế, tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng ở Hà Nội mới chỉ chiếm từ 8-10%.
"Mục tiêu tỉ lệ vận tải công cộng từ 20-25% vào năm 2020 là khó khả thi", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Vận tải công cộng chiếm 16,1%? (Ảnh: Di Linh).
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lí và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), trong 6 tháng đầu năm 2019, hệ thống vận tải hành khách công cộng đã vận chuyển được 447,6 triệu lượt hành khách (tăng 11,9% so với cùng kì 2018).
Trong đó xe buýt đạt 230,6 triệu lượt hành khách (tăng 2% so với thực hiện cùng kì, buýt trợ giá đạt 204,1 triệu lượt hành khách, tăng 1,2% so với thực hiện cùng kì 2018).
Xe taxi đạt 55 triệu lượt hành khách; xe hợp đồng đạt 80 triệu lượt hành khách; xe tuyến cố định đạt 32 triệu lượt hành khách; các loại hình vận tải khác (đường thủy nội địa, xe ôm, xe điện, xe máy công nghệ,...) đạt 50 triệu lượt hành khách.
"Vận tải hành khách công cộng đáp ứng 16,1% nhu cầu đi lại", ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.
Hà Nội đang tiếp tục mở mới tuyến buýt và thay thế phương tiện. (Ảnh: Di Linh).
Theo Giám đốc Trung tâm quản lí và điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải, hiện mạng lưới xe buýt ở Thủ đô Hà Nội đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%.
Có 446/584 số xã, phường thị trấn đạt 76,4%; 62/71 bệnh viên đạt 87%; 190/283 các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt 67%; 27/27 các khu công nghiệp đạt 100%; 30/30 các khu đô thị đạt 100%, kết nối với 7/9 tỉnh thành lân cận.
Hiện tại, Hà Nội cũng có mạng lưới gồm 123 tuyến buýt (100 tuyến buýt có trợ giá; 9 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).
Mức độ bao phủ tuyến xe buýt chưa đồng đều, các tuyến vẫn tập trung chủ yếu trong phạm vi vành đai 3 (64%), ngoài vành đai 3 (31%).
Về khả năng tiếp cận, ông Hải cho biết, mức độ tiếp cận xe buýt giữa khu vực nội thành và ngoại thành có sự chênh lệch lớn.
Cụ thể, mức độ tiếp cận trong bán kính 500m khu vực nội thành khoảng 90%; khu vực ngoại thành chỉ đạt khoảng 20%.
Đường sắt đô thị chưa khai thác, chủ đạo vẫn là xe buýt. (Ảnh: Di Linh).
Theo tìm hiểu, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội mở 2 tuyến mới (tuyến số 68: Hà Đông - Nội Bài, tuyến 214: Yên Nghĩa - Hà Nam).
Hà Nội cũng điều chỉnh hợp lí hóa lộ trình và mở rộng vùng phục vụ 5 tuyến (09, 56, 59, 101, 103); điều chỉnh tăng tần suất giờ cao điểm cho tuyến BRT01, điều chỉnh hợp lý hóa biểu đồ 17 tuyến (05, 10, 15, 17, 19, 21B, 46, 51, 54, 61, 62, 74, 96, 103, 111, 112, CNG01).
Về hạ tầng, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hà Nội lắp mới 289 điểm dừng; di chuyển, thu hồi 8 nhà chờ, 95 điểm dừng, thực hiện 1.590 lượt duy tu hạ tầng.
Khảo sát, đề xuất phương án đầu tư 307 nhà chờ xe buýt trên địa bàn 17 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây tại các vị trí điểm dừng có đủ điều kiện lắp đặt nhà chờ.
Ngoài ra, Hà Nội cũng thực hiện đầu tư, thay mới 60 xe buýt đối với 06 tuyến (tuyến số 08B, 10A, 48, 54, 68, 94).
Đến hết tháng 6/2019, số xe buýt toàn mạng lưới là 1.928 xe (buýt trợ giá là 1.609 xe). Đoàn xe hiện có 50 xe sử dụng năng lượng sạch khí CNG và 282 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên.
87,4% số xe có thời gian hoạt động dưới 10 năm, hầu hết các xe đều trang bị các tiện ích phục vụ hành khách như hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED, wifi, camera, ghế ưu tiên cho người già, trẻ em, người khuyết tật,...
Phương tiện cá nhân chiếm hơn 80% vận tải ở Hà Nội. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 9/9/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kí ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND về việc Thực hiện các giải pháp cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020.
Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến buýt thường với tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến BRT tại điểm đầu cuối và dọc hành lang đường sắt 2A và BRT.
Tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến đường sắt số 2A Cát Linh - Hà Đông và tuyến BRT.
Nghiên cứu, tổ chức hợp lí hóa mạng lưới tuyến xe buýt để tăng tính kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông).
Nghiên cứu tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ để phù hợp với những đường phố hẹp để tăng khả năng tiếp cận của xe buýt. Phát triển các tuyến buýt kế cận để giảm phương tiện cá nhân, giảm áp lực cho giao thông Thành phố.
Triển khai đề án phát triển xe đạp công cộng để tăng thêm sự lựa chọn cho người dân khi sử dụng dịch vụ vận tải công cộng.
Đô thị 15:00 | 24/06/2020
Đô thị 14:47 | 23/06/2020
Đô thị 17:32 | 18/06/2020
Đô thị 16:13 | 17/06/2020
Đô thị 11:09 | 12/05/2020
Đô thị 11:18 | 07/05/2020
Đô thị 07:00 | 20/03/2020
Đô thị 07:39 | 03/10/2019