Cần Thơ: Phố đi bộ Ninh Kiều sẽ đi vào hoạt động từ 30/4

Tuyến phố đi bộ của TP Cần Thơ kéo dài từ đoạn ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Nguyễn An Ninh đến ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Ngô Gia Tự, khu vực công viên bến Ninh Kiều.

 Một góc Bến Ninh Kiều. (Ảnh: Cổng thông tin Du lịch Cần Thơ).

Theo Cổng thông tin TP Cần Thơ, ngày 4/4, UBND quận Ninh Kiều đã ban hành kế hoạch tổ chức tuyến phố đi bộ vào dịp lễ 30/4.

Tuyến phố đi bộ được thực hiện từ đoạn ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Nguyễn An Ninh đến ngã ba giao nhau của đường Hai Bà Trưng và Ngô Gia Tự, khu vực công viên bến Ninh Kiều.

Phố được chia làm 3 khu vực như sau: Khu thứ nhất sẽ chuyên về hoạt động ẩm thực, mua sắm,…(đoạn từ đầu đường Nguyễn An Ninh giao với đường Hai Bà Trưng đến đường Ngô Quyền giao với đường Hai Bà Trưng và biểu diễn Đờn ca tài tử phía trên công viên Ninh Kiều của đoạn này).

Khu thứ hai gồm các hoạt động truyền thống như dâng dương, lễ báo công dâng Bác nhân các ngày lễ, kỷ niệm,... (Khu vực tượng đài Bác Hồ).

Khu thứ ba là khu hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt náo, trò chơi dân gian, ảo thuật,... (đoạn từ đầu đường Thủ Khoa Huân đến nhà hàng Hoa Cao và phía trên công viên đoạn từ nhà hàng Hoa Cau đến cầu Đi Bộ).

Phố đi bộ dự kiến sẽ được ra mắt vào dịp lễ 30/4. Các hoạt động trên tuyến phố đi bộ diễn ra vào tối thứ 7 hàng tuần. Tùy theo tình hình thực tế có thể tăng lên hai ngày trong tuần là thứ 7 và chủ nhật.

Sau thời gian thí điểm, UBND quận Ninh Kiều sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động của tuyến phố đi bộ, căn cứ tình hình thực tiễn, nhu cầu của du khách và nhân dân sẽ có phương án đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, các loại hình dịch vụ,… và tổ chức thêm một số buổi trong tuần hoặc tổ chức hàng đêm để phục vụ du khách.

Trong thời gian hoạt động của phố đi bộ, các lực lượng chức năng sẽ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông và tổ chức bãi giữ xe tại các tuyến đường: Võ Văn Tần – Nguyễn Thái Học; Châu Văn Liêm – Nguyễn An Ninh (cổng chính), tuyến đường Ngô Gia Tự, Phạm Hồng Thái, Phan Đình Phùng,… (cổng phụ).

Song song với tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng có tuyến đường Phan Đình Phùng, Hòa Bình là đường lưu thông hai chiều, nối liền hai tuyến đường này là đường Ngô Gia Tự, Trần Quốc Toản, Thủ Khoa Huân, Tân Trào, Nguyễn Thái Học - Võ Văn Tần, Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh - Châu Văn Liêm đều đáp ứng lưu thông cho xe 2 bánh, 4 bánh.

Việc thực hiện tuyến phố đi bộ không chỉ tạo điểm nhấn hấp dẫn thu hút khách du lịch mà còn là động lực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thành phố, đồng thời thu hút nhà đầu tư cho TP Cần Thơ.

Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến TP Cần Thơ sẽ khởi công loạt dự án hạ tầng mới như: Đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ hơn 3.837 tỷ đồng; mở rộng đường tỉnh 923 hơn 576 tỷ đồng; cầu Cờ Ðỏ; cầu Tây Ðô; dự án trục đường hẻm 91 (đoạn Long Tuyền - đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ) 312 tỷ đồng...

Cùng với đó, có các dự án do Ban Quản lý Dự án Ðầu tư xây dựng thành phố là chủ đầu tư như: Cầu Kênh Ngang trên đường tỉnh 922; mở rộng đường tỉnh 917; đường tỉnh 918 giai đoạn 2; đường tỉnh 921 đoạn tuyến thẳng (điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt - điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Châu Ðốc)…

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.