Lệnh cấm do Cơ quan hàng không liên bang Mỹ - FAA đưa ra, sau khi Iran trút 13 tên lửa vào hai căn cứ quân sự do Mỹ đứng đầu ở Iraq, dấu hiệu cho thấy các hoạt động quân sự và căng thẳng chính trị gia tăng ở Trung Đông.
FAA cho biết họ sẽ cấm các máy bay Mỹ hoạt động trên không phận lãnh thổ Iraq, Iran, Vịnh Oman và vùng biển giữa Iran và Ả Rập Saudi.
Trước đó, tin từ quân đội Mỹ cho biết, rạng sáng 8/1, Tehran đã bắn 13 tên lửa đạn đạo từ lãnh thổ Iran tới ít nhất hai căn cứ quân sự của Iraq, tại đây đang tiếp đón các nhân viên liên minh do Mỹ đứng đầu.
Trong một tuyên bố, FAA cho biết việc ban hành lệnh cấm bay do “sự gia tăng hoạt động quân sự và căng thẳng chính trị ở khu vực Trung Đông, làm gia tăng rủi ro vô ý cho các hãng bay dân dụng của Mỹ”.
Trong khi đó, một số hãng hàng không không phải của Mỹ vẫn duy trì các chuyến bay trên không phận Iraq và Iran trong thời gian này, theo FlightRadar24. Dù không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh cấm của FAA, một số hãng hàng không nước ngoài và các cơ quan quản lí hàng không các quốc gia vẫn đang xem xét cẩn thận khuyến cáo của Mỹ.
FAA đã đưa ra lệnh cấm với các máy bay Mỹ bay dưới khoảng 8.000 m qua Iraq và không phận Iran phía trên vùng Vịnh và Vịnh Oman, kể từ khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái tầm cao của Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái.
Singapore Airlines cũng cho biết tất cả chuyến bay của họ sẽ được chuyển hướng khỏi không phận Iran, sau cuộc tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq.
Vietnam Airlines của Việt Nam cũng thông báo chuyển hướng các chuyến bay qua châu Âu khỏi vùng trời Trung Đông.
Bóng ma từ tai nạn của MH17 của Malaysia Airlines khiến hàng không các nước cân nhắc hạn chế hoạt động bay qua khu vực xung đột. Năm 2014, chuyến bay mang mã số MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ bởi một tên lửa qua Ukraine, đã giết chết toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn.
Cơ quan hàng không toàn cầu – IATA, hôm 7/1 cho biết một liên kết giữa các hãng hàng không quốc tế đã được khởi động để “hỗ trợ sự liên lạc và phối hợp” giữa các hãng bay và các quốc gia, do căng thẳng ở Trung Đông bùng nổ. Cái chết của tư lệnh cấp cao Qassem Suleimani có thể mở ra một chương mới đầy khủng khiếp ở khu vực chảo lửa Trung Đông.
Cơ quan đại diện các hãng hàng không của Liên Hợp Quốc đã tiến hành theo dõi không phận chiến lược đối với Iran và Iraq. Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế khuyến cáo các hãng bay thương mại ở hai nước này cần tuân thủ nghĩa vụ công bố rủi ro tiềm tàng từ xung đột với các hãng bay dân dụng trong nước.
Hôm 7/1, Đức cũng đưa ra cảnh báo, liên quan đến mật độ các chuyến bay dày đặc qua không phận Iraq, theo thông tin trên OPSGROUP.
Reuters cho biết một nhóm điều phối do IATA và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) điều hành cũng được kích hoạt, đây được coi là pháp mang tính chất “phòng ngừa tiêu chuẩn”. Nhóm này sẽ kết nối các hãng hàng không, cơ quan quản lí và nhà cung cấp dịch vụ, để thúc đẩy chia sẻ các rủi ro nhanh nhất có thể.
Một nguồn tin thân cận cho biết: “Mọi cơ quan đề thúc giục sự kiềm chế giữa các bên”. Vùng trời kiểm soát bởi Iran và Iraq vẫn được coi là khu vực chiến lược cho hàng không thương mại ở Trung Đông. Một khi phải đóng cửa không phận này, các hãng sẽ phải điều tiết lại các tuyến bay và không tránh khỏi việc tắc nghẽn, chi phí gia tăng đột biến, nguồn tin trên nói thêm.