Triều Tiên có thể sắp thử hạt nhân lớn chưa từng có | |
Triều Tiên thử tên lửa mới nhưng thất bại |
Theo New York Times, tất cả các yếu tố của một khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, như tham vọng mở rộng kho vũ khí của Bình Nhưỡng, lời đe dọa tấn công từ Mỹ đều xuất hiện rõ nét vào cuối tuần qua.
Cuộc diễu hành quy mô lớn ở quảng trường trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng hôm 15/4 với sự hiện diện của tên lửa trên bệ phóng di động có thể là cách Triều Tiên phát thông điệp rằng, họ không thể dừng chương trình vũ khí hạt nhân. Không dừng lại ở đó, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng thử tên lửa vào ngày hôm sau, dù vụ phóng thất bại.
"Khủng hoảng tên lửa Cuba quay chậm"
Chuyên gia Robert Litwak thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson ví những diễn biến vừa qua cho thấy "“cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba" đang lặp lại ở Triều Tiên.
Trong lịch sử, cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã đối đầu với cựu lãnh đạo Liên Xô và Chủ tịch Fidel Castro trong 13 ngày diễn ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên đã kéo dài gần 1/4 thế kỷ. Dù chỉ diễn ra trong 13 ngày, khủng hoảng tên lửa Cuba từng đẩy Mỹ và Liên Xô tới bờ vực chiến tranh hạt nhân. Với tham vọng của nhà lãnh đạo Triều Tiên và sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí hủy diệt, nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm là rất cao.
Theo chuyên gia Robert, diễn biến trên bán đảo Triều Tiên hiện nay hoàn toàn có thể tăng tốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và trợ lý khẳng định Washington sẽ không thể làm ngơ khi Triều Tiên đang dần tiến gần tới mục tiêu.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm. Ảnh công bố năm 2015. Ảnh: KCNA/Reuters |
Ngoại trưởng Rex W. Tillerson nhiều lần cho hay, “chính sách kiên nhẫn chiến lược của Mỹ đã kết thúc” và sẽ cứng rắn hơn trong khi Triều Tiên đang theo đuổi hai mục tiêu lớn là thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và phát triển loại bom hydro có sức nổ gấp hàng nghìn lần so với quả bom hạt nhân mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) thời Thế chiến II.
Cho tới nay, Tổng thống Trump vẫn thận trọng trong vấn đề quân sự như những người tiền nhiệm. Nhiều cuộc họp tại Phòng Tình huống đi tới kết luận rằng Mỹ có thể cứng rắn hơn, nhưng Washington nên dừng lại trước khi một cuộc đối đầu quân sự với Bình Nhưỡng xảy ra và có thể kéo theo xung đột như cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên cách đây gần 64 năm.
Tuy nhiên thực tế, tình hình bán đảo Triều Tiên chưa thể yên ổn và tiềm tàng nhiều mối nguy. Tổng thống Trump luôn nhấn mạnh sẽ không để Triều Tiên đe dọa an ninh Mỹ, trong khi nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên luôn coi chương trình hạt nhân là vấn đề sống còn của quốc gia này.
Tổng thống Mỹ cũng ngầm thừa nhận việc khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân là điều khó, bởi trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về vấn đề Triều Tiên, ông Trump nhận ra Bắc Kinh không thể kiềm chế được người hàng xóm. "Sau 10 phút lắng nghe, tôi nhận ra việc này không dễ giải quyết như tôi nghĩ”, ông Trump nói sau cuộc gặp.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, trung tướng H. R. McMaster, hôm 16/4 lên tiếng về cách Mỹ đối phó với Triều Tiên. Trên đài ABC, ông McMaster cho hay, tổng thống Mỹ không loại trừ bất cứ khả năng nào khi đối phó với chính quyền Triều Tiên và giờ là lúc Washington "cần hành động nhưng không đối đầu quân sự nhằm tránh những điều tồi tệ nhất”.
Việc Triều Tiên không tiến hành thử hạt nhân cuối tuần dịp kỷ niệm ngày sinh của người lập quốc Kim Nhật Thành (đồng thời là nhà sáng lập chương trình hạt nhân cho quốc gia này) có thể cho thấy ông Tập đã gây tác động tới Triều Tiên. Bắc Kinh đang đứng trước áp lực từ Washington về việc cần cắt đứt liên kết tài chính và cung cấp năng lượng cho Bình Nhưỡng.
Triều Tiên không muốn mắc sai lầm
Các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên diễu hành qua quảng trường trong lễ diễu binh hôm 15/4. Ảnh: Getty |
Triều Tiên đang cố gắng tạo ra cảm giác rằng đã quá muộn để có thể ngăn nước này tiếp tục chương trình hạt nhân. Đây là lý do vì sao ông Kim đã đứng hàng giờ tham dự buổi diễu hành với rất nhiều tên lửa hôm 15/4, theo NYT.
Một trong những “ngôi sao” của loạt tên lửa mà Triều Tiên sở hữu là Pukguksong-2 hay còn gọi là KN-15. Đây là loại tên lửa tầm thấp sử dụng nhiên liệu rắn. Nó có thể được phóng chỉ trong vài phút thay vì mất vài giờ chuẩn bị như các thế hệ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.
Điều này đồng nghĩa với việc KN-15 có thể tránh bị tiêu diệt khi Mỹ cho phóng tên lửa từ một căn cứ ở Nhật Bản hay từ nhóm tàu sân bay mà Tổng thống Trump mới điều động tới gần bán đảo Triều Tiên. Tên lửa KN-15 được thử nghiệm thành công hồi tháng 2 và lần đầu ra mắt công chúng vào buổi diễu hành hôm 15/4.
“Việc phô trương lớn cho thấy Triều Tiên đang thực hiện điều này (phát triển chương trình hạt nhân) một cách nghiêm túc”, Jeffrey Lewis, một chuyên gia về Triều tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California (Mỹ), nhận định.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có thể ông Kim đang nghĩ tới chuyện đàm phán, giống những gì nhà lãnh đạo Libya, Đại tá Muammar el-Gaddafi, đã làm vào năm 2013 khi chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy lời hứa hội nhập kinh tế và hòa hợp với phương Tây.
Thế nhưng, điều đó không bao giờ xảy ra khi Mỹ cùng các đồng minh châu Âu và Arab vẫn buộc Gaddafi từ chức và bắn chết ông này. Người Triều Tiên biết điều đó và dường như ông Kim không muốn mắc sai lầm tương tự.
Pháp luật 23:00 | 21/10/2018
Pháp luật 00:24 | 11/10/2018
Pháp luật 12:03 | 10/10/2018
Pháp luật 09:11 | 10/10/2018
Pháp luật 05:07 | 10/10/2018
Pháp luật 02:44 | 10/10/2018
Thời sự 13:00 | 09/10/2018
Pháp luật 12:15 | 09/10/2018