Ngày 1/6, Trung tá Đỗ Văn Chuẩn, Đội trưởng Đội TTKS số 1 Phòng CSGT Đường thủy (PC 68) Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị này đang lập hồ sơ, xử lý nhiều phương tiện khai thác cát trái phép mà đơn vị đã trực tiếp phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua. Trong đó có 4 “tàu khủng” đã bị Đội vây bắt vào rạng sáng 30/5.
Trước đó, khoảng thời gian cuối tháng 5, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân về việc xuất hiện một số phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn chảy qua xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
Rạng sáng 30/5, Đội TTKS số 1, thuộc Phòng PC 68 Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 4 tàu "cát tặc" (Ảnh: Thủy Long) |
Sau khi xác minh và nhận thấy phản ánh nói trên là có cơ sở, ngày 29/5, chúng tôi đã thông tin tới Đội TTKS số 1 để đơn vị này có phương án xử lý.
Lúc này, Trung tá Đỗ Văn Chuẩn cho biết, đơn vị của ông cũng nắm được tình hình và đã có kế hoạch bắt giữ các trường hợp khai thác cát trái phép.
Ngay trong đêm 29, rạng sáng 30/5, ông Chuẩn trực tiếp chỉ huy tổ công tác gồm 8 cán bộ, chiến sỹ của Đội TTKS số 1 tiến hành vây bắt “cát tặc”.
Tổ công tác đã lên một chiếc tàu chở hàng di chuyển từ hướng huyện Phúc Thọ lên huyện Ba Vì.
“Để giữ bí mật, chúng tôi phải thuê một chiếc tàu hàng di chuyển trên sông. Tôi yêu cầu các anh em ngồi ở phía trong khoang tàu để các đối tượng khai thác cát trái phép không phát hiện,” ông Chuẩn nói.
Khoảng 3h30 phút, khi chiếc tàu chở theo cảnh sát di chuyển tới xã Tản Hồng, huyện Ba Vì thì phát hiện 4 chiếc tàu hút (loại khoảng 300 – 400m3) đang đỗ sát nhau, nổ máy rầm rầm khai thác cát giữa sông.
Hiện Đội TTKS số 1 đang tạm giữ khoảng 60 phương tiện khai thác cát trái phép để xử lý theo quy định (Ảnh: Thủy Long) |
Dưới sự chỉ huy của Trung tá Đỗ Văn Chuẩn, chiếc tàu hàng di chuyển dần về hướng nhóm tàu “cát tặc”. Nhóm “cát tặc” này cứ ngỡ là một chiếc tàu chở hàng thông thường đang di chuyển tới để mua cát nên không mảy may nghi ngờ.
Tuy nhiên, khi tàu hàng vừa áp sát 4 chiếc tàu hút, từ trong khoang tàu, 8 cảnh sát bất ngờ xuất hiện khiến nhóm “cát tặc” không kịp trở tay.
“4 tàu hút cát này đỗ gần nhau. Tổ công tác có 8 đồng chí thì cứ 2 người ập vào một tàu hút cát để bắt giữ,” ông Chuẩn nói.
Sau khi kiểm tra và lập biên bản, lực lượng chức năng đã di chuyển 4 chiếc tàu hút cát trái phép nói trên về khu neo đậu tàu thuyền vi phạm để phục vụ cho việc xử lý theo quy định.
Ông Đỗ Văn Chuẩn cho biết, Đội TTKS số 1 vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên sông, bất kể ngày hay đêm.
Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Công an TP Hà Nội, trực tiếp là Phòng PC 68, Đội TTKS số 1 đã trực tiếp bắt giữ và phối hợp bắt giữ rất nhiều phương tiện khai thác cát trái phép. Chính vì vậy, tình trạng khai thác cát trái phép đã giảm đi rõ rệt.
Tuy nhiên, Đội TTKS số 1 có lực lượng mỏng, lại quản lý tuyến sông rất dài. Đáng chú ý, các tuyến sông mà đơn vị này quản lý hầu hết đều giáp ranh với tỉnh khác.
Chính vì thế, một số phương tiện đã lợi dụng địa bàn giáp ranh, lợi dụng thời gian đêm tối khi lực lượng cảnh sát không có mặt để khai thác cát trái phép.
Khoảng thời gian cuối tháng 5, trong khi hầu hết các địa phương khác trên sông Đà, sông Hồng, đoạn chảy qua địa bàn Hà Nội đều không xuất hiện “cát tặc”. Tuy nhiên, tại địa bàn xã Tản Hồng vẫn xuất hiện một số tàu thuyền lén lút khai thác cát trái phép.
Theo ông Đỗ Văn Chuẩn, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do xã Tản Hồng giáp ranh với phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, Phú Thọ. Dòng sông bên phía phường Bạch Hạc có một mỏ cát được cấp phép hoạt động. Chính vì thế, một số người đã lợi dụng mỏ cát giáp ranh này để đưa tàu thuyền ra giữa sông khai thác trái phép.
Cận cảnh một số tàu "cát tặc" bị bắt giữ (Ảnh: Thủy Long) |
Cũng theo ông Chuẩn, những người khai thác cát trái phép thường rất tinh vi và liều lĩnh. Trên mỗi tàu khai thác cát trái phép thường có một thiết bị giúp tàu tắt động cơ hút trong “tích tắc” để bỏ chạy.
Người điều khiển tàu “cát tặc” thường không mang theo giấy tờ tùy thân. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, có không ít trường hợp “cãi chày cãi cối”, thậm chí chống đối lại lực lượng chức năng.
Có trường hợp, “cát tặc” còn làm cho tàu bị chết máy để cảnh sát không thể di chuyển tàu, hoặc làm đắm tàu để xóa dấu vết, gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ.
“Việc di chuyển tàu thuyền trên sông vào ban đêm vốn đã nguy hiểm. Trong khi đó, các trường hợp khai thác cát trái phép thường rất tinh vi và liều lĩnh. Chính vì thế, việc bắt giữ các trường hợp này phải rất thận trọng. Chúng tôi thường xuyên phải hóa trang, mật phục ven sông nhiều giờ đồng hồ để phát hiện, bắt giữ các phương tiện khai thác cát trái phép,” ông Chuẩn nói.
Nhờ quyết tâm dẹp yên nạn “cát tặc”, chỉ tính từ ngày 1/4 tới nay, Đội TTKS số 1 đã nhiều lần mật phục và trực tiếp bắt giữ tới 24 phương tiện khai thác cát trái phép. Ngoài ra, đơn vị này còn phối hợp với các lực lượng như Cục Cảnh sát Giao thông, Công an các quận, huyện... bắt giữ rất nhiều phương tiện khác của "cát tặc".
Hiện nay, Đội TTKS số 1 vẫn đang tạm giữ khoảng 60 phương tiện do đơn vị trực tiếp bắt giữ để xử lý theo thẩm quyền.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm nếu phát hiện bất cứ phương tiện nào khai thác cát trái phép trên địa bàn,” Đội trưởng Đội TTKS số 1 khẳng định.
Như chúng tôi đã nói, Hà Nội có tuyến đường sông rất dài. Chính vì thế, ngoài lực lượng Cảnh sát Đường thủy thì các lực lượng liên quan như Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường; UBND, Công an các quận, huyện, xã, phường... cũng cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp kiểm tra, kịp thời xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép, sai phép.
Có như vậy, "cát tặc" mới bị đẩy lùi và các dòng sông trên địa bàn mới có thể "yên bình" lâu dài.
Trước đó, chiều 5/4, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì cuộc họp tại trụ sở UBND huyện Phúc Thọ. Cuộc họp này có sự tham dự của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện UBND TP Hà Nội, các sở, ban, ngành thành phố có liên quan; lãnh đạo UBND các huyện Phúc Thọ và Đan Phượng. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình giám sát chuyên đề về nạn khai thác cát, sỏi không phép, trái phép trên địa bàn toàn quốc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực của UBND TP Hà Nội và các đơn vị trực thuộc trong việc xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, sai phép. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam đề nghị TP Hà Nội phải phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp để khắc phục một số điểm còn tồn tại trong công tác quản lý cát, sỏi. Trong đó, Hà Nội, trực tiếp là Công an thành phố cần có giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm 82 tụ điểm còn phức tạp liên quan đến cát, sỏi. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đại diện UBND TP tiếp thu và hứa sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý khoáng sản (trong đó có cát, sỏi) trên địa bàn. “Hà Nội sẽ cương quyết xử lý theo đúng chỉ đạo của đồng chí. Hà Nội sẽ có báo cáo chuyển biến sau một tháng kể từ buổi giám sát này,” ông Hùng nói. Theo ông Hùng, một trong những việc mà TP Hà Nội sẽ thực hiện trong thời gian tới đó là triển khai kế hoạch khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Hà Nội cũng sẽ lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, tổ chức triển khai thực hiện để không xảy ra tình trạng vi phạm mới và tái vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác cát, hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát, hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố; kịp thời xử lý dứt điểm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật hiện hành. |
Vẫn còn tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hồng
Đó là những ý kiến của các Đại biểu lãnh đọa 3 tỉnh Hà Nam, Hưng yên, Thái bình trong hội nghị sơ kết quy ... |
Chủ tịch MTTQ Việt Nam trực tiếp kiểm tra bãi cát ven sông Hồng
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trực tiếp kiểm ... |