Cao tốc Bạc Liêu - Cà Mau hơn 11.000 tỉ đồng có sự góp vốn của Tập đoàn Đèo Cả

Tập đoàn Đèo Cả chính thức tham gia đầu tư vào dự án cao tốc Bạc Liêu - Cà Mau. Dự án theo hình thức BOT kết hợp với đầu tư công với tổng vốn đầu tư khoảng 11.145 tỉ đồng.

Theo Cổng thông tin điện tử Cà Mau, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi họp với Ban Chỉ đạo dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) để trao đổi kinh nghiệm đầu tư phát triển dự án theo hình thức PPP.

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã nêu định hướng phát triển hạ tầng giao thông, các vấn đề đặt ra hiện nay, phương hướng giải quyết và việc đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. 

Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư cao tốc Bạc Liêu - Cà Mau hơn 11.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Bản đồ hướng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đường đỏ). (Ảnh: Tổng Công ty Cửu Long).

Trong đó, đoạn Bạc Liêu - Cà Mau có sự tham gia của Tập đoàn Đèo Cả theo hình thức BOT kết hợp với đầu tư công. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 46 km với tổng vốn đầu tư khoảng 11.145 tỉ đồng, được chia thành 2 dự án thành phần. 

Cụ thể, dự án thành phần 1 là đầu tư công các cầu lớn và nút giao (tổng mức đầu tư 2.730 tỉ đồng); dự án thành phần 2 là đầu tư PPP khoảng 44 km cao tốc (tổng mức đầu tư 8.730 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% - vốn BOT 50%).

Theo kế hoạch, tuyến cao tốc đoạn Bạc Liêu – Cà Mau sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025.

Trong quá trình thực hiện, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã lấy ý kiến các địa phương trong vùng về phương án đầu tư và đều nhận được sự đồng thuận cao. 

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu để thống nhất về phương án tuyến, thống nhất việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và thống nhất việc ứng trước ngân sách địa phương để thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng.

“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Đèo Cả làm việc với các Bộ, ngành để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư. Đồng thời, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bạc Liêu trong việc xúc tiến triển khai các bước tiếp theo, nhằm mục tiêu sớm triển khai hoàn thành dự án”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lê Quân cho biết.

Trước đó, tháng 8/2020, trả lời kiến nghị của các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, toàn tuyến sẽ được chia làm hai dự án thành phần: Cần Thơ - Bạc Liêu (từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và Bạc Liêu - Cà Mau (đầu tư theo hợp tác công tư – PPP, giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án).

Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tháng 9/2020, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đơn vị tư vấn) đã đưa ra ba phương án:

Phương án thứ nhất, tổng mức đầu tư dự án là 46.200 tỉ đồng, tổng chiều dài 141 km, ưu điểm là tiết kiệm tài nguyên đất do diện tích GPMB là 750 ha, thấp nhất trong 3 phương án.

Phương án hai có tổng mức đầu tư 61.000 tỉ đồng, chiều dài 138 km, diện tích GPMB là 900 ha (lớn nhất); có cự li kết nối khá đồng đều vào các đô thị lớn (TP Sóc Trăng 24 km, TP Bạc Liêu 25 km, TP Vị thanh 35 km…),

Phương án ba có tổng mức đầu tư 57.000 tỉ đồng, dài 124 km, diện tích GPMB là 800 ha; kết nối gần về phía TP Vị Thanh (10 km) nhưng cách TP Sóc Trăng 41km và TP Bạc Liêu 46 km và các đô thị khác.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.