Sáng 22/11, Hội thảo thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các cơ quan tổ chức diễn ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Mạng lưới hạ tầng giao thông trong vùng Đông Nam Bộ bao gồm đường bộ, đường thủy, đường biển, đường sắt, đường hàng không đã được phê duyệt qui hoạch từ nhiều năm trước, thế nhưng ách tắc lớn nhất vẫn nằm ở giao thông đường bộ. Tính đến năm 2020, toàn vùng mới chỉ có 122 km đường cao tốc, một con số quá khiêm tốn so với qui hoạch.
Về vấn đề này, điều phối viên đặt câu hỏi với ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT).
Lí giải nguyên nhân chính dẫn đến giữa qui hoạch và hiện trạng có khoảng cách khá xa như vậy, ông Nguyễn Danh Huy cho biết qui hoạch ở vùng Đông Nam Bộ đủ 5 phương thức vận tải. Các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đều đã đánh giá là qui hoạch khá hợp lí, nhưng thực hiện thì quá chậm.
"Chúng ta có 11 tuyến cao tốc trong khu vực, với tổng chiều dài 970 km. Theo qui hoạch đến năm 2020 đưa vào khai thác 497 km nhưng hiện tại mới đưa vào khai thác 122 km, đang đầu tư khoảng 278 km", ông Huy nói.
Ông Huy đề cập đến ba vấn đề. Thứ nhất là quyết tâm chính trị từ Trung ương đến địa phương, các tỉnh trong vùng về việc liên kết vùng. Vấn đề thứ hai là nguồn lực bao gồm nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động từ tư nhân. Theo ông Huy, nguồn lực này chưa được khơi thông và chưa phân bổ thích đáng.
Vấn đề thứ ba là khó khăn về khung pháp lí, chẳng hạn như cơ chế phân bổ ngân sách. Cơ chế này phụ thuộc vào Luật Ngân sách, huy động nguồn lực cho các nhà đầu tư tư nhân cũng phụ thuộc vào vấn đề pháp lí.
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết các dự án hạ tầng của khu vực phía Bắc triển khai tốt hơn phía Nam. Theo ông Kiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này.
Thứ nhất, phía Nam thiếu sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện qui hoạch đã được phê duyệt. Thứ hai, cơ chế chỉ huy hiện nay rõ ràng, các chương trình hành động của các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ không kết nối được với nhau, tính kết nối tương đối yếu.
"Một ví dụ ở phía Bắc là cao tốc từ Hạ Long về Hải Phòng qua cầu Bạch Đằng nối vào Quốc lộ 5 thì chúng ta không cần nâng cấp Quốc lộ 18. Hiện nay thời gian vận tải đã giảm xuống còn 1 tiếng 45 phút so với 4 tiếng 30 phút trước đây mà chúng ta chỉ cần đầu tư 30 km cao tốc.
Thủ tướng Chính phủ đã phát hiện ra tính kết nối vùng tương đối lỏng lẻo vì thế trong vòng một năm trở lại đây, Thủ tướng đã ba lần đi vào Đông Nam Bộ. Vấn đề ở đây theo tôi là việc tổ chức thực hiện trên qui hoạch đã có", ông Kiên nhận định.
Tại buổi hội thảo, điều phối viên đặt vấn đề rất nhiều dự án đã được duyệt qui hoạch từ các giai đoạn trước đây nhưng cho đến nay vẫn chưa thể triển khai được. Các dự án này có thể kể đến như Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; dự án đường Vành đai 3 (qua Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM). Dự án đường Vành đai 3 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, có tổng chiều dài 98,5km với yêu cầu triển khai xây dựng trước năm 2020, thế nhưng chỉ trừ một đoạn 16 km được Bình Dương xây dựng xong năm 2011, đến nay vẫn tạm ngưng.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT, có lẽ việc chậm tiến độ Vành đai 3 là một quá trình. Khi Thủ tướng duyệt qui hoạch Vành đai 3, trách nhiệm thuộc các địa phương với kì vọng khai thác quĩ đất đầu tư.
Đến đầu 2020, Bộ GTVT đã rất “sốt ruột” báo cáo Thủ tướng, cho Bộ GTVT lập thành dự án quốc gia để trình Quốc hội thông qua.
"Tôi hi vọng, với ý kiến chuyên gia, học giả và các địa phương tại hội thảo, sau khi lập nghiên cứu dự án tiền khả thi, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua đầu tư cho dự án Vành đai 3, tạo động lực cho vùng kinh tế Đông Nam Bộ phát triển", ông Huy nói.
Vướng mắc lớn nhất khi triển khai các dự án hạ tầng là huy động nguồn vốn đầu tư. Về vấn đề này, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết huy động vốn theo hình thức theo quĩ đầu tư có ba yếu tố: Tiền, đất, ý chí.
"Quốc sách của chúng ta có hạn nên cần tính toán phân bổ cho ba miền bao nhiêu để không phải phàn nàn, bình luận mãi", ông nói.
Theo ông Phước, cơ chế quĩ đầu tư khá hiệu quả. Nhà nước là một nhà đầu tư trong quĩ đầu tư đó. Tư nhân, các nhà đầu tư trong nước, Nhà nước cùng tham gia đầu tư vào quĩ đó. Việc quĩ vận hành như thế nào, công nghệ ra sao, cần có ban điều hành đầu tư chuyên nghiệp, chuyên gia tài chính quyết định.
"Cần có hội đồng quản trị là lãnh đạo các địa phương trong vùng, lựa chọn qui hoạch mà Bộ GTVT đưa ra cho Chính phủ phê duyệt, Quốc hội thông qua, lựa chọn đầu tư con đường nào. Hội đồng đầu tư, ban lãnh đạo trong vùng quyết định, điều hành thật chuyên nghiệp.
Ý kiến của cá nhân tôi là cơ chế hình thành một quĩ đầu tư liên vùng để phát triển hạ tầng giao thông là cách tiếp cận khả thi và có hiệu quả. Quĩ đầu tư này thực hiện theo đúng đặc trưng và tính chất của nó. Ngoài ra nên có thêm một ban quản trị là lãnh đạo của các địa phương:, ông Phước nêu ý kiến.