Sáng 2/6, ông Trần Trí Quang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Tháp cho biết lực lượng chức năng vẫn đang khắc phục sự cố sập cầu Tân Nghĩa ở huyện Cao Lãnh.
“Lực lượng chức năng trục vớt xe tải, thông luồng cho các phương tiện đường thủy, sau đó mới tính đến chuyện bắc cầu qua kênh”, ông Quang nói.
Giao thông đường thủy trên kênh Tháp Mười bị tắc do sập cầu Tân Nghĩa. (Ảnh: Anh Minh).
Theo lãnh đạo Sở GTVT Đồng Tháp, hiện chưa có đánh giá đầy đủ về thiệt hại trong vụ sập cầu Tân Nghĩa.
Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là tạo sự thông suốt cho người dân đi lại và và vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Những vi phạm, trách nhiệm pháp lý trong vụ sập cầu sẽ được cơ quan điều tra truy cứu sau.
"Tải trọng cho phép của cầu Tân Nghĩa, tính luôn cả thân xe và hàng hóa là 8 tấn", ông Quang khẳng định.
Trong khi đó, theo giấy tờ đăng kiểm, thân xe tải trong vụ sập cầu nặng hơn 12 tấn, hàng hóa ước khoảng 17 tấn.
Như vậy, xe tải không chở hàng hóa nếu chạy qua cầu Tân Nghĩa cũng đã vi phạm về tải trọng và an toàn giao thông.
Nguyên nhân chính gây ra vụ sập cầu Tân Nghĩa được cho là do xe quá tải chạy qua. (Ảnh: Anh Minh).
Sau khi xảy ra sự cố, tài xế bỏ trốn nên ngành chức năng chưa xác định trọng lượng chính xác của hàng hóa trên xe. Cảnh sát đang truy xuất nguồn gốc lô hàng để có số liệu chính xác. Trước mắt, nguyên nhân sập cầu được cho là xe quá tải.
“Cầu 8 tấn, xe tải chở hàng hóa khoảng 30 tấn thì không sập mới lạ”, lãnh đạo Sở GTVT Đồng Tháp bức xúc.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo xử lý nghiêm vụ sập cầu Tân Nghĩa, nếu đủ căn cứ thì khởi tố vụ án. Cảnh sát đã liên hệ với chủ xe tải, yêu cầu đến làm việc để phục vụ điều tra.
Tải trọng cho phép qua cầu Tân Nghĩa chỉ 8 tấn. (Ảnh: Anh Minh).
Như Zing.vn đã thông tin, chiều 31/5, ôtô tải biển số Phú Yên (do Hồ Thế Hữu, 32 tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên làm chủ) chạy qua cầu Tân Nghĩa thì đoạn nhịp giữa cầu bị sập. Xe tải cùng với hai người chạy ba gác phía trước rơi xuống sông.
Vị trí sập cầu Tân Nghĩa (chấm đỏ). (Ảnh: Google Maps).