Tại buổi gặp gỡ của lãnh đạo UBND TP HCM với doanh nghiệp BĐS trên địa bàn, nhiều doanh nhân chia sẻ rất trông đợi vào buổi làm việc này, vì thị trường BĐS năm qua rất khó khăn nhưng dự báo năm 2020 cũng không khả quan.
Ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh phải 2 lần giơ tay mới đến lượt mình phát biểu. Sau lời cảm ơn, ông đi thẳng vào vấn đề, rằng công tác giải quyết thủ tục của các cơ quan ban ngành ở TP HCM còn nhiều bất cập, dẫn đến doanh nghiệp lao đao vì không thể triển khai dự án.
Ông dẫn chứng, Công ty Địa ốc Xanh có một dự án nhỏ, chỉ 3.700 m, diện tích đóng tiền sử dụng đất là 2.050 m2 nhưng phần đã đóng chỉ là phần "lòng đỏ" (của quả trứng gà) chứ chưa được đóng hết cho cả dự án.
Sở TN&MT đề nghị công ty ông Đực phải đóng luôn phần "lòng trắng" (tức là 1.650 m2 còn lại - PV) nhưng việc đóng tiền không hề dễ dàng, khiến công ty phải mất rất nhiều thời gian đi lại.
Từ ngày có hồ sơ tại Chi cục thuế Quận 8, sau đó chuyển đến Cục thuế TP HCM rồi gửi lên Sở TN&MT suốt 24 tháng, công ty của ông Đực mới được đóng phần "lòng trắng" này.
Tưởng đã hoàn tất việc đóng tiền, nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại. Sau đó, phần lộ giới trước đây từ 40 m2 nay giảm còn 30 m2 , tức là phần diện tích sử dụng đất của doanh nghiệp được tăng lên 125 m2.
Đúng ra, doanh nghiệp phải mừng, vì dự án có thêm đất, nhưng hồ sơ xin nộp tiền của công ty bị chuyển đi lòng vòng, khiến mọi hoạt động của dự án đều không thể triển khai.
Đây chỉ là chuyện đóng thêm cho "phần vỏ" của một dự án nhỏ nhưng quá trình chuyển đi chuyển lại giữa UBND TP và Sở TN&MT thì mất đến 2 năm. Tôi đã 4 lần gửi đơn cầu cứu lên UBND TP, 4 lần UBND TP chuyển hồ sơ về lại Sở TN&MT nhưng quá trình giải quyết vẫn rất chậm chạp".
Ông Nguyễn Văn Đực
Theo ông Đực, đáng lí để tạo điều kiện, nên gom lại phần "lòng trắng" và "phần vỏ" (1.650 m2 còn lại và 125 m2 đất lộ giới - PV) để doanh nghiệp đóng tiền một lần, nhưng Sở TN&MT nhất quyết không cho gom, mà bắt chia làm hai lần đóng.
Bây giờ "lòng đỏ", "lòng trắng" đã đóng xong rồi, còn "phần vỏ" thì Địa ốc Xanh phải tiếp tục xách hồ sơ đi xin, để được đóng tiền.
"Tôi đã gặp anh Lê Hòa Bình (Giám đốc Sở Xây dựng), anh tuy rất hăng hái nhưng cũng nói không đóng được, vì đây chưa phải là đất sạch. Hồ sơ chuyển tiếp qua Sở Kế hoạch & Đầu tư nằm đó để chờ được chấp nhận chủ trương đầu tư", ông Đực kể.
Sau khi được chấp nhận chủ trương đầu tư, ông Đực phải chờ chuyển lại Sở TN&MT, rồi Sở này mới trình cho qua UBND TP HCM.
"Khi đó, tôi mới được sử dụng phần diện tích 125 m2 đã đóng", ông Đực trình bày
Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh khẳng định đây không phải là vấn đề quá khó để hồ sơ bị "ngâm" lâu như vậy. Và cũng đã có hàng trăm dự án giảm lộ giới đều đã gặp phải hoàn cảnh tương tự như công ty ông.
Ông nói thẳng thắn giữa hội nghị: "Tôi xin lỗi khi nói thẳng thế này: hiện nay, làm chậm nhất là Văn phòng UBND TP HCM và Sở TN&MT; làm rất chậm, còn các sở khác tương đối tốt.
Đây chỉ là chuyện đóng thêm cho "phần vỏ" của một dự án nhỏ, nhưng quá trình chuyển đi chuyển lại giữa UBND TP và Sở TN&MT thì mất đến hai năm. Tôi đã 4 lần gửi đơn cầu cứu lên UBND TP HCM. 4 lần UBND TP HCM chuyển hồ sơ về lại Sở TN&MT, nhưng quá trình giải quyết vẫn rất chậm chạp".
Do vậy, ông đề xuất các sở ngành TP HCM nên phát triển phong trào "3G" gồm: Giảm luật lệ - Gom thủ tục - Gấp. Trong đó, UBND TP và ban, ngành có thể gom các thủ tục làm một, để rút ngắn qui trình; thủ tục, hồ sơ phê duyệt dự án cần đẩy nhanh tiến độ hơn.
Không chỉ riêng ông Nguyễn Văn Đực, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp BĐS có mặt tại hội nghị đều trình bày khó khăn của mình.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho hay: "Hiệp hội nhận thấy thị trường BĐS TP hiện nay rơi vào tình thế khó khăn chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số qui phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật".
Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan chia sẻ, TP nhận thấy khó khăn của các doanh nghiệp nên đã bàn họp với các sở ngành và nhận thấy ba vướng mắc chính. Một là vướng về luật, hai là vướng về nhận thức, ba là vướng về vận hành.
Theo ông Hoan, TP có hai việc cần làm ngay. Một là những việc của TP thì sẽ triển khai ngay sau cuộc họp. Hai là việc vượt thẩm quyền thì TP sẽ báo cáo trung ương, xin ý kiến để làm.
Riêng 19 doanh nghiệp cùng những dự án đang bị đình trệ thì TP sẽ giải quyết cụ thể. Những dự án nào không vướng vào việc thanh tra, kiểm tra, điều tra mà vướng về công tác phối hợp, cách hiểu chưa đúng, hoặc trình tự thủ tục chưa xong thì TP sẽ sắp xếp từng ngày một để giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, các sở ngành phải thấy được sự vất vả, khó khăn của doanh nghiệp BĐS là sự vất vả của TP. Doanh nghiệp gặp khó khăn sở, ban, ngành phải chia sẻ, không nên làm mọi việc khó khăn hơn.
"Tôi nói thẳng, nếu ai sợ xin mời đứng qua một bên, vì không theo kịp thì sẽ dẫn đến ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Cần có những câu trả lời chứ không thể kéo dài mãi, không gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Nói về công tác phối hợp giữa các sở ngành khiến nhiều doanh nghiệp phải chờ đợi quá lâu, ông Phong nhắc nhở, để xảy ra nhiều chuyện như vậy, không có đủ thời gian để kể ra thôi chứ đừng nghĩ là ông không biết.
"Tôi đề nghị anh Thắng (ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT) hết sức quan tâm, đừng để anh Đực phê bình nữa", ông Phong vừa nói vui nhưng cũng là lưu ý với sở ngành.
Nói về trách nhiệm của lãnh đạo UBND, ông cũng thẳng thắn: "Phối hợp giữa các sở ngành trong công việc đôi lúc rất lỏng lẻo. Tôi là người đứng đầu, anh Đực phê bình thì tôi xin nhận. Việc này rất ảnh hưởng, mỗi bên cứ nhìn về một hướng như vậy là chết luôn".
Tiếp đến là những vấn đề Hiệp hội kiến nghị. Ông Phong nói với nhóm vấn đề cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, qui hoạch, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Trung ương thì đề nghị Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đăng kí làm việc với Văn phòng Chính phủ, để TP báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo để làm.
Với vấn đề 19 doanh nghiệp kiến nghị vì các dự án bị đình trệ kéo dài, ông Phong tiếp tục đề nghị Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan thành lập tổ công tác, thời hạn đến 30/4 phải xong, để tháng 6 còn xử lí dứt điểm Thủ Thiêm.
Tổ công tác có thành viên sở ngành họp bàn hàng tuần, nếu trong ngày không xong thì họp ngoài giờ, hoặc họp thứ 7, chủ nhật.
Người đứng đầu UBND TP nhắn nhủ cán bộ: "Chịu khó chút đi cho các doanh nghiệp được 'chạy' (tạo điều kiện để làm tiếp - PV). Không phải chỉ 19 doanh nghiệp này mà cộng với các doanh nghiệp được thanh tra, điều tra đã cho 'chạy' rồi".
Để làm rõ, ông Phong ví dụ, năm 2019 - 2020 có 124 dự án "án binh bất động" vì liên quan thanh tra, kiểm tra. TP phân loại ra, dự án nào không thể tiếp tục được vì dính đến cơ quan điều tra thì phải chấp nhận, dự án nào tháo gỡ được thì báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và xin Thanh tra để cho dự án tiếp tục.
Khi nói về độ "vênh" của các điều khoản luật với thực tế, ông Phong khẳng định hiện nay TP đã bước đầu làm rồi, sắp tới làm việc với đoàn Đại biểu Quốc hội, để có báo cáo.
"Thời điểm họp ở Trung ương, không chỉ riêng TP HCM nói về vấn đề này. Bí thư, Chủ tịch các tỉnh cũng nói vì những cái vướng về độ 'vênh' này không chỉ riêng TP HCM gặp phải", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.
Đối với những dự án vượt quá thẩm quyền của TP, có những dự án trong nội dung kết luận thanh tra, kiểm tra, TP đăng kí trực tiếp làm việc với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ, như dự án 30,2 ha của Novaland, dự án của Lotte tại Thủ Thiêm, dự án hơn 1.300 căn của Thuận Việt…
Ghi nhận những vướng mắc của doanh nghiệp xong, ông Phong cũng đề nghị các doanh nghiệp BĐS cũng phải nắm vững luật. Hiệp hội nên có một nơi tư vấn luật cho các thành viên, vì trong thực tế có những doanh nghiệp không nắm được, hoặc không nắm đầy đủ luật.
Ông Phong cũng giao cho ông Võ Văn Hoan và Giám đốc Sở XD Lê Hòa Bình tổ chức định kì cứ ba tháng, không cố định thời gian, lãnh đạo TP sẽ họp bàn với các doanh nghiệp BĐS.
"Bây giờ những kiến nghị doanh nghiệp sau ba tháng thuộc trách nhiệm của sở ngành nào mà không giải quyết được thì sẽ chịu phê bình", ông Phong nói.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện TP HCM có khoảng 15.000 doanh nghiệp lĩnh vực BĐS. Trong năm 2019, tăng trưởng lĩnh vực BĐS chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.
Riêng ngành xây dựng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1%, tỉ trọng đóng góp cho GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 9 nhóm ngành dịch vụ.
Năm 2019, TP HCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm trước đó. 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án.