ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Cầu Vàm Cống vừa khánh thành nhưng đã mất ý nghĩa

ĐBQH cho rằng cầu Vàm Cống vừa khánh thành nhưng đã mất ý nghĩa nhân văn chỉ vì những sai lầm tắc trách của một bộ phận.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Cầu Vàm Cống vừa khánh thành nhưng đã mất ý nghĩa - Ảnh 1.

(Nguồn ảnh: VnExpress - Zing.vn).

Cầu Vàm Cống vừa khánh thành nhưng đã mất ý nghĩa

Ngày 30/5, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XHNSNN năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XHNSNN những tháng đầu năm 2019. Quyết toán NSNN năm 2017.

Mở đầu phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết tuyến tránh TP Long Xuyên được triển khai xây dựng rất chậm.

Theo vị này, nếu tuyến tránh TP Long Xuyên được xây dựng thì "sẽ không có chuyện mới cách đây vài ngày, người dân kéo đến trạm BOT T2 (Cần Thơ) phản ứng dữ dội".

"Hậu quả là một công trình to lớn cho đồng bằng sông Cửu Long là cây cầu Vàm Cống vừa khánh thành nhưng đã mất đi những ý nghĩa nhân văn chỉ vì những sai lầm tắc trách của một bộ phận.

Khởi công đường tránh Long Xuyên và có giải pháp tháo gỡ công bằng cho người dân khi đi qua trạm thu phí BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của cử tri An Giang chúng tôi lúc này", ông Hiếu nói.

Liên quan đến vấn đề giao thông, ĐBQH Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho biết hệ thống giao thông đi đến đâu là KT-XH phát triển đến đó.

"Thế nhưng việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông còn nhiều bế tắc vì hiện nay vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư cũng cực kì khó khăn vì qui trình thủ tục.

Trong khi đó cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực này còn chưa thông thoáng, đầu tư trong các hình thức BOT, BT... chưa được công khai, minh bạch", ông Tuân cho hay.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): Cầu Vàm Cống vừa khánh thành nhưng đã mất ý nghĩa - Ảnh 2.

(Ảnh: Ban QLDA Thăng Long).

Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ có hoàn thành như Bộ trưởng GTVT hứa?

Cũng liên quan đến vấn đề giao thông, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho biết tại kì họp trước đã đề cập đến các dự án giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long.

"Tại các kì họp trước, tôi đã đề cập đến vấn đề này và đã được Bộ trưởng Bộ GTVT lúc ấy với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng xác nhận lưu lượng xe lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận là cao nhất nước, cần phải được sớm đầu tư khắc phục.

Tôi và nhân dân rất vui mừng vì sau đó lãnh đạo Đảng, Quốc hội cho đến Chính phủ đã vào cuộc. Theo đó, có nhiều công trình, dự án có chủ trương đầu tư", ông Hận nói.

Tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Cà Mau cho biết đã qua hơn 2 năm, cử tri mòn mỏi đợi chờ thì các công trình này vẫn đang trong triển khai một cách ì ạch, chậm chạp, thậm chí có công trình chưa được triển khai.

"Cụ thể là tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ không biết bao giờ hoàn thành, có đảm bảo được tiến độ như là Bộ trưởng Bộ GTVT đã hứa sẽ hoàn thành trong năm 2020?

Một công trình khác là duy tu nâng cấp đường quản lộ Phụng Hiệp đã ghi vốn và theo kế hoạch sẽ được hoàn thành trong năm 2019.

Tuy nhiên, đến nay đã gần nửa năm nhưng chưa thấy động tĩnh gì", ông Hận thông tin.

Từ những thực tế nêu trên, ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo tiến độ các dự án, hạng mục công trình mà Quốc hội đã thông qua.

Bên cạnh đó, ông Hận cũng cho biết TP Cà Mau đang diễn ra tình trạng kẹt xe do Quốc lộ 1A xuyên qua thành phố quá nhỏ.

"Hiện nay, theo tôi biết trên toàn tuyến Quốc lộ 1A thì duy nhất TP Cà Mau là chưa có tuyến tránh. Do đó, tôi kiến nghị Quốc hội đưa 2 hạng mục công trình đó là tuyến tránh Quốc lộ 1A và mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020", vị này nói thêm.

Trong một diễn biến liên quan, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết từ khi có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, hệ thống giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long được các cấp các ngành tập trung đầu tư xây dựng.

"Tuy nhiên, nhiều dự án giao thông quan trọng được đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả như kì vọng vì thiếu sự kết nối liên vùng.

Sau khi cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống thông xe, không còn cảnh lụy đò nhưng rơi vào cảnh lụy đường do tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa thực hiện xong.

Tuyến đường hiện hữu là QL30 nối QL 1 đến Cao Lãnh rất hẹp, xuống cấp tạo thành nút thắt cổ chai nên chưa thể phát huy hiệu quả toàn tuyến, giao thông liên vùng từ Đồng Tháp đi An Giang, Kiên Giang thường xuyên bị ách tắc", ông Hòa nói.

Vị này cũng đề nghị Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, các bên liên quan tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, ngã ba An Hữu - Tiền Giang đến Cao Lãnh - Đồng Tháp.

Bên cạnh đó là nâng cấp Quốc lộ N2 tuyến cao tốc thứ hai từ Thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây, từ Đức Hòa Long An đến Cao Lãnh - Đồng Tháp... nhằm kết nối giao thông liên vùng.

Tag:
chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.