Tọa đàm mở, trực tuyến “CEO du lịch kết bè vượt bão” vừa được các CEO (giám đốc điều hành) doanh nghiệp du lịch tổ chức nhằm chia sẻ những khó khăn, nguyện vọng và giải pháp liên kết, phục hồi du lịch.
Vật lộn để duy trì công ty
Gần 200 giám đốc, thành viên ban giám đốc của các công ty inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) và nội địa đã cùng chia sẻ, thảo luận nhiều vấn đề: Phương thức tồn tại; hợp tác với hàng không hỗ trợ hoàn tiền cho khách, gìn giữ thương hiệu du lịch Việt Nam có trách nhiệm; định vị giá kích cầu cùng nhà cung cấp dịch vụ; marketing điểm đến và chia sẻ chiến lược liên kết…
Chưa bao giờ du lịch Việt Nam và thế giới lại gặp khó khăn như hiện nay. Có tới trên 90% doanh nghiệp du lịch hiện đã tạm thời đóng cửa chuyển trạng thái “ngủ đông”. Hàng triệu lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm hay bị giảm lương. Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel, người khởi xướng tổ chức tọa đàm này chia sẻ: “Đau đầu nhất có lẽ là các CEO du lịch. Việc đột ngột bị “đóng băng” thị trường du lịch, mất doanh số, mất dòng tiền trong khi vẫn phải chi trả các chi phí khiến các CEO như ngồi trên đống lửa. CEO du lịch hiện nay đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi lớn: Làm sao cắt giảm chi phí khi đang không có nguồn thu? Bài toán cắt giảm nhân sự trong du lịch như thế nào? Có nên chuyển đổi tạm thời ngành nghề kinh doanh trong lúc chờ dịch qua? Các khó khăn của doanh nghiệp du lịch hiện nay và cách tháo gỡ? Giải quyết tồn tại với các đối tác của lữ hành: hàng không, khách sạn, khách hàng, vận chuyển, nhà hàng… như thế nào? Các chính sách cứu trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch làm sao để được áp dụng? Kịch bản nào cho du lịch Việt Nam?...”.
Với những tâm sự rút ra từ gan ruột, ông Nguyễn Tùng (Threeland Travel) cho biết, vào khoảng tháng 2- 3/2020, các công ty inbound cũng biết tình cảnh khó khăn và phải cắt giảm dần lương 20-40%, giảm nhân viên 0-20%, có rất hiếm công ty trả đủ lương được tháng 3. Tuy nhiên đến đầu tháng 4, câu chuyện đã trở nên khác hẳn. Các công ty nước ngoài tại VN với quy mô lớn đã đồng loạt giảm nhân viên lên đến 80- 90%, giảm lương và chỉ còn giữ một số người ở vị trí chủ chốt. Các công ty du lịch Việt Nam, tuỳ từng mô hình đã phải giảm nhân sự từ 10-20% đến thậm chí 80-85% cho các mô hình 100 nhân viên trở lên. Lương của các công ty trả đến mức thấp nhất của lương bảo hiểm theo quy định nhà nước xuống khoảng 5 triệu. Có công ty không giảm nhân viên thì đồng loạt giảm lương đến 70%,... Một số công ty không dám chắc sẽ tồn tại được đến năm sau nếu năm nay không có doanh thu.
Gạt đi những “hào quang” trong quá khứ, nhiều giám đốc đã tạm thời đổi nghề như: CEO Hanoitourism Nhữ Thị Ngần chuyển cả văn phòng sang bán cơm văn phòng; CEO AZA Nguyễn Tiến Đạt bán Euro Beer; CEO Bùi Thị Nhàn vừa bán mật ong; CEO Nguyễn Thu Hà mở Viet Vision Travel Market cho các CEO, nhân viên du lịch vào bán hàng tiêu dùng; CEO Nguyễn Thu Thuỷ bán đấu giá tranh do chính mình vẽ để hỗ trợ các em sinh viên nghèo ... Không những phải xoay xở để tạo nguồn vốn, các doanh nghiệp phải lấy toàn bộ tiền có trong ngân hàng, thậm chí có người bán cả nhà cửa, vay mượn vì sự tồn tại của công ty và chính nhân viên của mình. Tiền chỉ có từng ấy, hỗ trợ ai như thế nào, người nào nghỉ việc, người nào ở lại… là những vấn đề mà CEO du lịch phải đối diện, cân nhắc. Có những chuyện tưởng như không bao giờ xảy ra nhưng đã xảy ra: Bốc thăm xem ai ở lại, ai nghỉ việc. Bên cạnh các nhân viên tâm huyết với ngành, với công ty, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với lãnh đạo công ty, tự nguyện không nhận lương vẫn có những nhân viên không hiểu và khi giảm lương hay nghỉ việc lập tức có phản ứng.
Ông Trần Sỹ Sơn, CEO PYS vô cùng có trách nhiệm với nhân viên khi tìm các công việc về cho nhân viên như dịch thuật và sẵn sàng chia sẻ cho cả các công ty khác. Ngoài ra, ông Sơn cũng còn lập ra ý tưởng toàn bộ các nhân viên ngành du lịch có thể tham gia vào 1 nhóm Facebook để giai đoạn này do nhu cầu của thị trường, họ có thể buộc phải làm ngành khác, nhưng khi du lịch quay trở lại trong 1-3 năm nữa, họ có thể luôn dõi theo và có được công việc qua tuyển dụng trên này.
Chung tay vực dậy ngành Du lịch
Các CEO du lịch cho rằng phần hợp tác, chung tay của cả mảng nội địa và inbound với các phân khúc cùng nhà cung cấp lúc này là vô cùng cần thiết, giúp nhà cung cấp định hình được số lượng và định vị được giá kích cầu. Du lịch chỉ có thể quay trở lại khi các khách hàng đang gặp khó khăn với túi tiền gặp được sản phẩm tuyệt vời, giá lại tốt. Bà Nguyễn Thu Thuỷ, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường ĐH KHXHNV dẫn lại những dự báo mới đây của UNWTO: Khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới sụt giảm 20-30% (cao hơn rất nhiều so với sự kiện 11/9, dịch SARS 2003, khủng hoảng tài chính 2009).
Theo bà Thuỷ, hành vi tiêu dùng du lịch cũng sẽ thay đổi, du lịch nội địa sẽ phục hồi trước tiên, sau đó đến outbound và inbound, muộn nhất là thị trường Âu, Mỹ do khách này thường lập kế hoạch đi du lịch trước 6 tháng đến 1 năm. Du lịch thông minh đã phát triển nhờ công nghệ 4.0 nay sẽ càng phát triển hơn, khách nội địa trước mắt sẽ tự đi, đặt khách sạn, tự lái hoặc mua combo vé máy bay khách sạn do người dân vẫn chưa thực sự an tâm, còn lo lắng về dịch bệnh. Do đó, các hãng lữ hành cần chuyển mình theo hướng số hoá hoặc tạo những sản phẩm đặc thù có sự khác biệt hoá cao, làm nổi bật điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện.
CEO Travelogy Vũ Văn Tuyên lại đưa ra các giải pháp xuất sắc nhất với mô hình công ty nhỏ gọn hơn 10 nhân viên, công việc được chia ra hiệu quả xuất sắc, thay đổi và điều chỉnh theo thời điểm để đón đầu những phân khúc khách hàng phù hợp, điều chỉnh sản phẩm, thời gian của nhân viên được làm việc theo khung thời gian của khách hàng … Bà Nguyễn Thuỳ Dương, CEO Eviva Tour, một trong những người tích cực nhất trong việc tổ chức tọa đàm này cho biết: “Ngay sau khi kết thúc thảo luận, chúng tôi sẽ thành lập các nhóm trên Facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề về xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay…; thống nhất giá và cùng bán sản phẩm.
Những nhóm này sẽ đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để giảm chi phí thấp nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững. Chúng tôi hi vọng Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra nhiều kỳ tích mới trên thế giới về một điểm đến an toàn, thân thiện, trách nhiệm #VIETNAMSTRONG, # V I E T N A M T R A V E L S A F E , #THANKYOUVIETNAM”.
Ngay sau khi kết thúc thảo luận, chúng tôi sẽ thành lập các nhóm trên Facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề về xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay…; thống nhất giá và cùng bán sản phẩm.
(Bà NGuyễn Thùy Dương, CEO Eviva Tour)