CEO Trường Thành Group: Đưa cổ phiếu lên sàn để tìm đối tác cho loạt dự án năng lượng tái tạo

Theo chia sẻ từ Tổng Giám đốc của Trường Thành Group (Mã: TTA), từ năm 2022, mỗi năm Trường Thành Group phát triển 200 MW, việc niêm yết cổ phiếu sẽ giúp công ty kết nối với các nhà đầu tư, quĩ đầu tư và phát hành trái phiếu để đa dạng nguồn vốn, giảm chi phí đầu tư dự án.
CEO Trường Thành Group (TTA): Đưa cổ phiếu lên sàn để tìm đối tác tốt đồng hành cùng các dự án rất lớn sắp tới - Ảnh 1.

Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu TTA của Trường Thành Group. (Ảnh: HL)

Lên sàn và tìm đối tác chiến lược đồng hành trong phát triển năng lượng tái tạo

Chiều qua (11/9), CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group, Mã: TTA) tổ chức roadshow giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu TTA.

Theo kế hoạch, ngày 18/9 tới đây, 135 triệu cổ phiếu của Trường Thành Group sẽ chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với giá tham chiếu 18.000 đồng/cp.

Chia sẻ tại roadshow, ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc của Trường Thành Group cho biết việc lên sàn giúp công ty tìm kiếm những đối tác tốt và thật sự quan tâm đến mảng năng lượng tái tạo để đồng hành trong những dự án rất lớn trong tương lai.

"Chúng tôi hiện nay giới hạn khoảng hơn 200 MW (công suất dự án điện – PV), trong vòng 5 năm tới chúng tôi dự định phát triển khoảng 800 MW nữa thì thực sự chúng tôi cần những nhà đầu tư thực sự chất lượng quan tâm đến mảng năng lượng tái tạo", ông Hưng cho biết.

Cụ thể, từ năm 2022, mỗi năm Trường Thành Group phát triển 200 MW, việc niêm yết cổ phiếu sẽ giúp công ty kết nối với các nhà đầu tư, quĩ đầu tư và phát hành trái phiếu để đa dạng nguồn vốn, giảm chi phí đầu tư dự án.

Theo kế hoạch, Trường Thành Group sẽ phát hành tăng vốn lên 1.600 tỉ đồng trong năm 2020 thông qua chào bán 25 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

"Việc phát hành 25 triệu cổ phiếu này là dùng cho các dự án sắp triển khai, chứ không dùng để đầu tư sang lĩnh vực khác. Việc phát hành hiện tại chưa triển khai và trong năm 2020 sẽ thực hiện. Chúng tôi mong muốn 25 triệu cổ phiếu sẽ được chuyển giao cho 1 -2 nhà đầu tư thực sự quan tâm đến năng lượng tái tạo, và kì vọng giá sẽ cao hơn mức giá tham chiếu nhận được từ HOSE", Tổng Giám đốc Trường Thành Group trả lời.

Tham vọng lợi nhuận nghìn tỉ đồng, tiếp tục phát triển thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo

Trở lại thông tin về hoạt động, Trường Thành Group được thành lập năm 2008, là đơn vị về đầu tư và xây dựng các công trình năng lượng như thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Hiện doanh nghiệp đang có 6 nhà máy điện, trong đó 3 nhà máy đang vận hành và 3 nhà máy dự kiến vận hành trong năm 2020, 2021.

3 nhà máy đang phát điện thương mại của Trường Thành bao gồm Thủy điện Ngòi Hút 2 (công suất 48 MW, tổng mức đầu tư là 1.501 tỉ đồng), Thủy điện Ngòi Hút 2A (công suất 8,4 MW, tổng mức đầu tư là 292 tỉ đồng), Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ (công suất là 62 MWp, tổng vốn đầu tư 1.457 tỉ đồng).

CEO Trường Thành Group (TTA): Đưa cổ phiếu lên sàn để tìm đối tác tốt đồng hành cùng các dự án rất lớn sắp tới - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng Giám đốc của Trường Thành Group. (Ảnh: HL)

Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo công ty, Nhà máy Thủy điện Pá Hu với công suất 26 MW dự kiến vận hành tháng 9/2020. Nhà máy điện mặt trời Hồ Núi Một 1 với công suất 50 MWp dự kiến vận hành tháng 10/2020. Nhà máy phong điện Phương Mai 1 với công suất 30MW dự kiến đến quý III/2021 sẽ đi vào hoạt động.

Công ty đặt kế hoạch đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió, thủy điện đạt trên 1000 MW, trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành về năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

CEO Trường Thành Group (TTA): Đưa cổ phiếu lên sàn để tìm đối tác tốt đồng hành cùng các dự án rất lớn sắp tới - Ảnh 3.

(Nguồn: LH tổng hợp từ TTA)

Thời gian qua, công ty đã đạt được thoả thuận chiến lược với các đơn vị có uy tín trong các lĩnh vực về cung cấp trang thiết bị. Đơn cử, General Electrics (GE) là các nhà cung cấp thiết bị cho các dự án điện Suối Sập 2, Ngòi Hút 2, Ngòi Hút 2A, Phương Mai 1, Hồ Bầu Ngứ, hồ Núi Một 1.

Nói thêm về định hướng phát triển, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết: "Thuỷ điện là lĩnh vực chúng tôi có kinh nghiệm nhất tuy nhiên khả năng phát triển thuỷ điện không còn nhiều do những yếu tố khách quan. 

Định hướng của chúng tôi tập trung vào điện mặt trời và điện gió, trong đó điện gió là định hướng chính bởi xu thế và định hướng phát triển của chính phủ tập trung vào điện gió. Trong 4 - 5 năm tới sẽ tiếp tục phát triển thêm 300 - 400 MW điện mặt trời và 600 MW điện gió". 

Khi được đại điện công ty chứng khoán hỏi về định hướng mở rộng kinh doanh, Tổng Giám đốc Trường Thành Group cho hay: "Chúng tôi trung thành với lĩnh vực điện gió và mặt trời. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của công ty và nhu cầu của đất nước, chúng tôi có định hướng tìm kiếm các mảng đầu tư khác và đặt tiêu chí đầu tiên là đảm bảo rủi ro ít hoặc các mảng phát triển hạ tầng khu công nghiệp".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.