Tuyển sinh ĐH-CĐ 2018: Ngành học nào sẽ lên ngôi? | |
Giảng viên thanh nhạc có duyên ẵm giải tuyên dương |
Người đó là thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM. Đã từng trải qua nhiều công việc ở các vị trí khác nhau như giáo viên, trợ lý thanh niên, tổ phó, tổ trưởng, chủ tịch công đoàn, phó bí thư, phó hiệu trưởng cho nên bản thân ông hiểu giáo viên, học sinh cần gì và nên làm gì.
Nhắc đến thầy Phú, cô Nguyễn Thị Hoa Hồng, giáo viên trường, nở nụ cười tươi. Chỉ tay vào khu nhà vệ sinh của trường, cô Hồng nói: “Trước khu nhà này chật hẹp, mất vệ sinh, nam nữ dùng chung nên rất bất tiện khi sử dụng. Vậy nhưng khi thầy Phú về trường, thầy đã quyết định làm lại, dời nhà vệ sinh nam ra hẳn bên ngoài để mở rộng nhà vệ sinh nữ. Ngày 20-11 vừa rồi, công trình đã hoàn thành với tiêu chí rộng rãi, thông thoáng, đẹp, tiện nghi, có phòng tắm, phòng thay đồ, bàn trang điểm và luôn thoang thoảng mùi hương. Đặc biệt, thầy còn đầu tư nước máy cho chị em dùng thay vì nước giếng như trước” - cô Hồng cho hay.
Sau đó, cô Hồng lại phấn khởi đưa khách sang phòng giáo viên của trường. Một căn phòng rộng, được sắp xếp gọn gàng, trang bị đầy đủ từ tivi, máy in, máy vi tính nối mạng, tủ lạnh, lò vi ba, đồ ăn nhanh, đồ uống tự chọn... và có cả hai chậu hoa rất đẹp. “Những chậu hoa này đều do thầy Phú tự tay chọn lựa. Tất cả trang thiết bị đều được mua từ khi thầy về làm hiệu trưởng. Thầy biết giáo viên cần gì và sẵn sàng đáp ứng” - cô Hồng chia sẻ thêm.
Cô Hồng cho biết thầy Phú luôn chăm lo cho đời sống giáo viên. Cụ thể, hằng tháng trường đều tổ chức sinh nhật cho giáo viên có ngày sinh trong tháng. Những ai được nhận huân chương cao quý vì sự nghiệp giáo dục đều được nhà trường tặng thưởng, đặc biệt những thầy cô mới lập gia đình được tặng một chuyến du lịch hưởng tuần trăng mật.
Là người gắn bó với ngôi trường này 25 năm và đã trải qua rất nhiều đời hiệu trưởng, thế nhưng thầy Phú là người để lại ấn tượng nhất đối với cô Hồng.
Chăm lo ‘tận răng’ cho giáo viên, học sinh |
Thầy Phú (giữa) ân cần trò chuyện với học sinh, một hình ảnh quen thuộc với giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Du. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Từ khi về trường, thầy không đưa ra bất cứ quy định hay kỷ luật gì nhưng chính cách thầy đối xử với giáo viên đã khiến họ tự thay đổi. “Mọi kế hoạch thầy đưa ra sau khi thống nhất đều được triển khai ngay ngày hôm sau. Vì thế, trong năm đầu tiên, bản thân tôi và nhiều thầy cô của trường đều phải gồng mình lên để chạy theo thầy. Ai cũng mệt nhưng vui vì thấy trường đang dần đổi thay” - cô Hồng cười bảo.
Thầy còn thường xuyên dành thời gian trò chuyện với giáo viên để lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của họ. “Khi giáo viên cảm thấy được tôn trọng, yêu thương thì bản thân họ sẽ luôn cống hiến hết mình cho ngôi trường mà mình đang giảng dạy” - cô Hồng nói thêm.
Đối với học sinh Trường THPT Nguyễn Du, thầy Phú là thần tượng, là tấm gương các em noi theo.
Em Nguyễn Đức Bình, học sinh lớp 11A4, cho biết đến bây giờ em vẫn còn nhớ mãi hình ảnh thầy đứng vẫy tay chào học sinh vào mỗi buổi sáng với một nụ cười thân thiện và cái nhìn ấm áp.
Trong khi đó, em Dương Minh Thành, học sinh lớp 11A9, lại tâm sự thầy là người luôn lắng nghe tâm tư của học trò. “Trong một lần em đang chơi với các bạn ở sân trường, thầy từ từ bước đến với nụ cười ấm áp và ôn tồn bảo: “Các con tham gia trò chơi thể thao có cần thầy hỗ trợ gì không?”. Tại thời điểm đó, cái cột bóng rổ bị hư, khung thành lại không có lưới. Sau khi nghe chúng em tâm sự, thầy đã nhanh chóng mua dụng cụ mới ngay vào hôm sau. Đặc biệt, khi biết chúng em gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, chính thầy đã tới lớp dự giờ và chia sẻ những cách học hay và bổ ích” - Bình nhớ lại.
Không chỉ thế, vào những buổi ăn trưa ở căn tin trường học, thầy thường tới từng bàn hỏi xem học trò ăn ngon không, các em ngủ được không. Thầy quan tâm mọi người từ những việc nhỏ nhất.
Cũng theo em Bình, trước khi về trường, nghe các anh chị khóa trên thường than thở chương trình học quá nhiều lại không có hoạt động giải trí, em đã có phần hụt hẫng. Thế nhưng khi em vào trường, mọi việc đã thay đổi.
Trường đã thành lập nhiều câu lạc bộ như bóng đá, bóng rổ, Judo, flasmob, diễn thuyết, hùng biện tiếng Anh. Và bản thân học sinh có trọn vẹn ba buổi chiều thứ Ba, Năm, Bảy để tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ. Đặc biệt, thầy cùng nhà trường tổ chức ngày hội “Một ngày làm giáo viên” mà ở đó học sinh được nhập vai làm giáo viên để đồng cảm hơn với những thầy cô của mình.
Đối với học sinh khối 12, em Kiệt Hoàn Mỹ, lớp 12A10, cho biết ngoài việc tăng cường việc ôn tập, thầy còn mở chương trình “hướng nghiệp tương lai”, mời đại diện các trường đại học về trường tư vấn cho học sinh những ngành nghề đang khát nhân lực. Qua đó giúp học sinh cuối cấp dễ dàng hơn trong việc chọn lựa trường đại học. “Thầy còn tổ chức các hoạt động xã hội như nấu cơm cho bệnh nhân nghèo, xây nhà tình nghĩa. Những hoạt động nhân văn này giúp em thay đổi nhận thức rất nhiều” - Mỹ chia sẻ.
Nói về công việc của mình, thầy Phú cho hay khi về làm hiệu trưởng từ tháng 9-2016, thầy liên tiếp mở các cuộc đối thoại dân chủ để lắng nghe những ý kiến tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, nhân viên. Ngoài ra, thầy cùng hội đồng nhà trường ngồi lại xây dựng quy chế dân chủ, quy chế công khai chi tiêu nội bộ. Thầy Phú cho biết tất cả hoạt động của trường đều được công khai từ tài chính, cơ sở vật chất, nhân sự, con người. Và khi làm được điều này, thầy nhận được sự ủng hộ của mọi người.
Hỏi vì sao thầy lại có những ý tưởng đổi mới như thế, thầy cười bảo: “Chỉ cần mình muốn và sự thay đổi đó mang tính tích cực. Điều quan trọng là kế hoạch mình đưa ra phải thiết thực, phải tôn trọng ý kiến tập thể và đặt hội đồng trường lên trên hết. Mục tiêu của tôi trong tương lai là xây dựng Trường THPT Nguyễn Du đúng chuẩn mô hình tiên tiến hội nhập, sẽ là nơi để học sinh có cơ hội cọ xát với chương trình quốc tế” - thầy Phú nhấn mạnh.
Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Từ nhiều cố gắng đổi mới môi trường giảng dạy của thầy Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú dẫn đến thành quả của nhà trường. Cụ thể, năm học 2016-2017, Trường THPT Nguyễn Du có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và đỗ đại học, trong đó có 58 em được tuyển thẳng. Về thi học sinh giỏi cấp TP, lần đầu tiên trường đoạt 26 giải, trong đó có chín giải nhất. |
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2018: Ngành học nào sẽ lên ngôi?
Mùa tuyển sinh 2018 báo hiệu sẽ có nhiều thay đổi trong việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh cũng như trong đào tạo ... |
Giảng viên thanh nhạc có duyên ẵm giải tuyên dương
Điểm danh hàng loạt các giải thưởng của nữ giảng viên xinh đẹp là 1 trong 10 công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh ... |
Nữ sinh tốt nghiệp loại giỏi chia sẻ bí quyết học vượt
Lẽ ra vào tháng 6.2018, Nguyễn Thị Quỳnh Như, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, mới tốt nghiệp nhưng nhờ cách học vượt bài ... |