Những ngày gần đây, thời tiết nồm ẩm, mưa phùn dài ngày khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Nguyên nhân là do độ ẩm trong không khí luôn ở mức cao, khoảng 96 - 98%, thậm chí có những ngày độ ẩm đo được lên tới 100%. Điều này gây ra nhiều bệnh về hệ hô hấp, dị ứng thời tiết.
(Ảnh minh họa: Freepik/ tzido) |
Độ ẩm cao chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, phát triển gây bệnh về hệ hô hấp như nhiễm khuẩn, viêm phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm phổi... do bị kích thích tình trạng bệnh vốn đang được ủ trong cơ thể.
Độ ẩm kích thích trực tiếp vào niêm mạc đường thở dẫn đến viêm, tăng tiết và co thắt phế quản dẫn đến có các triệu chứng ho, hắt hơi, khó thở… Thời điểm này, nhiều người cũng sẽ bị mắc các bệnh ngoài da và bệnh về đường tiêu hóa.
Đặc biệt đối với sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu, bố mẹ cần chú ý đến các biểu hiện của con để phòng bệnh và có cách xử lí kịp thời nếu trẻ mắc bệnh.
(Ảnh minh họa: thegreenage.co.uk) |
Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết nồm ẩm do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát. Để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất, cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Vì vậy, để phòng chống các loại bệnh trong thời tiết nồm ẩm, các gia đình cần giữ vệ sinh môi trường sống bằng cách giữ không gian khô thoáng, đóng cửa kính, dùng máy hút ẩm, điều hòa 2 chiều chế độ khô nếu cần.
Ngoài ra, cần thường xuyên làm sạch sàn nhà, tường nhà, cửa kính bằng khăn khô, không phơi quần áo, đồ ẩm ướt trong nhà; sấy khô quần áo trước khi mặc để tránh các bệnh ngoài da, đặc biệt với đồ dùng của con cần sạch sẽ, khô ráo để hạn chế tối thiểu các tác nhân gây bệnh, thay chăn ga thường xuyên để phòng ẩm, nấm mốc; để thông thoáng gầm giường, tủ.
(Ảnh minh họa: Elextrolux) |
Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng cho mỗi thành viên trong gia đình bằng cách ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thể thao trong nhà để tránh bị nhiễm các vi khuẩn từ bên ngoài. Đối với trẻ em, bố mẹ nên cho con tiêm phòng theo lịch và chú ý quan sát các phản ứng cơ thể của trẻ. Trong chế độ ăn uống, cần cho trẻ uống đủ nước và ăn nhiều hoa quả, nhất là các loại trái cây có khả năng tăng sức đề kháng.
Đối với những người có bệnh mãn tính, cần thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân và thực hiện theo những hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ và thực hiện các biện pháp kiểm soát phòng bệnh và đi thăm khác bác sĩ khi có các biểu hiện bất thường.
XEM THÊM
Làm gì để nhà khô ráo khi trời nồm?
Thời tiết mùa Xuân khiến nhà của bạn luôn trong tình trạng bị nồm ẩm, nếu không biết cách xử lý thì đây sẽ là ... |
Thời tiết nồm ẩm dễ khiến cơ thể mắc bệnh gì?
Độ ẩm tăng cao, thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh nguy hiểm bùng phát và đe dọa đến ... |
Cẩn trọng kẻo mắc bệnh da liễu do thời tiết nồm ẩm
Thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi, gây ra nhiều loại bệnh, ... |