Bà Trương Tú Phương sinh ngày 4/12/1955 tại Hà Nội. Bà tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng và có 23 năm công tác trong bộ máy Nhà nước trong giai đoạn từ năm 1978 - 2000.
Đến tháng 12/2001, bà Phương thành lập CTCP Đại An và bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp. Thời điểm đó, vốn điều lệ của CTCP Đại An là 3,5 tỷ đồng. Tính tới tháng 8/2020, số vốn điều lệ này đã được nâng lên thành 678 tỷ đồng.
Hiện, bà Phương vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại CTCP Đại An, đơn vị sở hữu Khu công nghiệp (KCN) Đại An, nằm cạnh tuyến đường quốc lộ 5, tỉnh Hải Dương.
KCN Đại An phát triển theo mô hình “đô thị - dịch vụ - công nghiệp”, được thành lập vào tháng 3/2003 và được mở rộng vào tháng 7/2006 với tổng diện tích khoảng 603 ha, tổng mức đầu tư đạt trên 2 tỷ USD, là một trong những KCN đầu tiên tại tỉnh Hải Dương.
Cái tên “KCN không bao giờ đóng cổng” của KCN Đại An xuất phát từ định hướng phát triển “làng trong KCN, KCN trong làng” của bà Phương, là KCN đầu tiên có người dân ở và được sử dụng chung hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các nhà máy như hệ thống giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng,....
Mặt khác, các nhà máy có thể tận dụng nguồn lao động sẵn có cũng như phát triển các xóm dân cư hiện hữu thành nhà trọ cho người lao động nhập cư.
Tính tới tháng 10/2019, KCN này đã thu hút được 93 dự án, trong đó 87 dự án đã đi vào hoạt động, 6 dự án đang xây dựng nhà máy. Đây cũng là nơi “đặt chân” của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới tại Hải Dương như Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc), Tập đoàn Tiffany&Co (Mỹ),...
Ngoài KCN Đại An kể trên, CTCP Đại An cũng sở hữu các KCN khác trên trục quốc lộ 5 là KCN Lai Cách (134,55 ha) tại Hải Dương, KCN Minh Đức (198 ha) tại Hưng Yên. Bên cạnh đó, công ty cũng có các dự án thuộc phân khúc nhà ở, gồm Khu dân cư Đại An I (18,22 ha) và II (37,76 ha), Cao ốc Đại An (TP HCM), Iris Hotel (TP HCM).
Giai đoạn cuối năm 2021 - đầu năm 2022, bà Trương Tú Phương thu hút nhiều sự chú ý của dư luận khi đại diện CTCP Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp – Đô thị Đại An (công ty con của CTCP Đại An) ký biên bản thỏa thuận với Công ty Sri Avantika Contractors Ltd., tại Ấn Độ.
Theo đó, hai bên đã thống nhất những nội dung quan trọng để triển khai dự án trong năm 2022, trong đó có việc hợp tác triển khai hạ tầng dự án Công viên dược phẩm tại Việt Nam (bao gồm dự án KCN công nghệ cao).
Dự án Công viên dược phẩm là dự án KCN chuyên biệt trong lĩnh vực dược phẩm, hướng tới việc thu hút các công ty dược phẩm, sản xuất thuốc, vaccine và hướng ra thị trường quốc tế trong giai đoạn 5-6 năm tới. Dự án này cũng được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển, sản xuất dược phẩm hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Sau khi khảo sát cụ thể một số địa điểm tại Việt Nam, các nhà đầu tư Ấn Độ là Công ty Sri Avantika Contractor Limited đã quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư tại Hải Dương.
Sáng ngày 15/2, dự án này đã được chính thức ký kết đầu tư tại tỉnh Hải Dương. Dự án sẽ sử dụng khoảng 900 ha đất tại 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện, có vị trí đề xuất xây dựng tốt nhất nằm trong Khu kinh tế chuyên biệt hơn 10.000 ha. Đáng chú ý, giá trị kinh phí đầu tư dự án từ 10 đến 12 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ cho áp dụng các chính sách ưu đãi với dự án này tương tự như với Tập đoàn Samsung ở Bắc Ninh. Lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch cho đối tác theo hai đợt, đợt 1 hơn 400 ha thuộc huyện Bình Giang, đợt 2 hơn 500 ha thuộc huyện Thanh Miện.
Trở lại với câu chuyện của vị nữ Chủ tịch Đại An, để đạt được thành công phát triển loạt khu công nghiệp tỷ USD như hiện nay, bà Phương đã vượt qua những khó khăn cả về về vốn đầu tư lẫn kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, là một trong những nữ doanh nhân hiếm hoi làm việc trong lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho những người đàn ông cũng cho thấy hành trình đưa Đại An đi lên của Chủ tịch Trương Tú Phương không dễ dàng.
Chia sẻ trên trang thông tin doanh nghiệp, bà Phương cho hay từng trăn trở với mong muốn chuyển đổi từ một vùng thuần nông tại tỉnh Hải Dương sang làm dịch vụ công nghiệp, để người dân đều có việc làm phù hợp với hoàn cảnh để tự nuôi sống bản thân và gia đình.
"Vậy thì ngành phát triển đầu tư hạ tầng kỹ thuật là ngành đáp ứng điều mong muốn đó. Mà đất nước muốn phát triển, chỉ có một con đường duy nhất phải nhìn ra thế giới, phải rút được ra các bài học cho sự phát triển của họ đã đi trước", bà Phương chia sẻ.
Dưới sự dẫn dắt của bà Trương Tú Phương, CTCP Đại An cũng từ một doanh nghiệp vốn 3,5 tỷ đồng khi mới thành lập, phát triển thành quy mô vốn gần 700 tỷ đồng hiện nay.
Về đơn vị tham gia vào dự án Công viên dược phẩm gây chú ý hồi đầu năm nay - CTCP Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp – Đô thị Đại An vừa được thành lập vào tháng 9/2021 với ngành nghề chính là xây dựng các khu công nghiệp, vốn điều lệ 3.300 tỷ đồng. Bà Phương hiện đang đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.
Các cổ đông sáng lập của đơn vị này bao gồm 5 công ty nằm trong hệ sinh thái Đại An. Cụ thể, CTCP Đại An (nắm 58%), Công ty TNHH MTV Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Đại An (27%); Công ty TNHH Đại Dương (7%); Công ty TNHH Thiên An An (3%); Công ty TNHH VH&DV An Thuận (2%) và một cá nhân là ông Tường Duy Long (nắm 3%).
Đáng chú ý, sự thành công của bà Trương Tú Phương không chỉ thể hiện ở mặt sự nghiệp mà còn nằm ở sự thành công của những người con của bà. Theo tìm hiểu, những người con của bà Phương đều đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong hệ sinh thái Đại An.
Trong đó, người con gái lớn, bà Tường Quỳnh Phương hiện đang đảm nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc tại CTCP Đại An. Người con thứ hai, bà Tường Quỳnh Hương hiện đang đứng tên nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái như Công ty TNHH Thiên An An, CTCP Đại An - Thăng Long,...
Còn con trai út, ông Tường Duy Long hiện đang đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc tại CTCP Đại An. Ông Long cũng đồng thời là một trong những cổ đông sáng lập tại CTCP Tập đoàn Phát triển Khu công nghiệp – Đô thị Đại An đã nêu trên.