Trái ngược với cảnh lãi giảm sâu hay phải nhờ “nghề tay trái” để thoát lỗ của nhóm địa ốc, xây dựng, nhóm bất động sản công nghiệp vẫn liên tục ghi nhận những kết quả khả quan trong bối cảnh “sương mù” do dịch Covid-19.
Thống kê gần 170 doanh nghiệp bất động sản - xây dựng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính năm 2021, 25 doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đều có lãi sau thuế, 64% trong số đó vượt chỉ tiêu lãi mà doanh nghiệp đặt ra và chiếm hơn 50% trong số các doanh nghiệp “cán đích” toàn ngành.
Doanh nghiệp có mức lãi tăng trưởng mạnh nhất là Tổng Công ty Tín Nghĩa (TID) với lãi sau thuế 382 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước và tiệm cận chỉ tiêu 390 tỷ đồng nhờ kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và đầu tư tài chính dài hạn. Ngoài các khu công nghiệp, TID cũng đang đầu tư dự án dân dụng như Khu dân cư Núi Dòng Dài, Khu dân cư Phú Thạnh - Long Tân,...
Một ông lớn khu công nghiệp báo lãi tăng mạnh tiếp theo là Kinh Bắc (KBC) với 955 tỷ đồng, tăng 198% so với năm 2020. Doanh thu thuần của công ty cũng cao gấp đôi so với năm trước, đạt 4.309 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Kinh Bắc có kế hoạch đầu tư cho loạt dự án khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp Tràng Duệ mở rộng tại Hải Phòng. Theo nhận định của Chứng khoán VNDirect, trong giai đoạn năm 2022-2024, Kinh Bắc sẽ được bổ sung hơn 2.000 ha đất khu công nghiệp. Cuối tháng 12/2021, tỉnh Hưng Yên đã chấp thuận cho Kinh Bắc đầu tư hơn 200 ha đất công nghiệp với ba cụm công nghiệp có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1 tỷ USD.
Louis Land (BII) ghi nhận mức lãi tăng 120% so với cùng kỳ, ghi nhận 33 tỷ đồng. Doanh thu thuần trong năm của công ty cũng đạt mức tăng khủng khi ghi nhận 493 tỷ đồng trong khi cùng kỳ thu 69 tỷ đồng. Hiện công ty đang đầu tư vào các dự án tại tỉnh Bình Thuận như Cụm công nghiệp Thắng Hải I, II hay Cụm công nghiệp Tân Bình.
Dù lợi nhuận tăng mạnh nhất, ba doanh nghiệp kể trên cũng đều là những doanh nghiệp duy nhất trong nhóm bất động sản công nghiệp ghi nhận lãi tăng nhưng không đạt chỉ tiêu năm.
Tổng Công ty Viglacera (VGC) lãi sau thuế 1.290 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ nhờ hiệu quả kinh doanh của các khu công nghiệp và công ty con Kính nổi Siêu trắng Phú Mỹ. Đây cũng là mức lãi cao nhất từ trước đến nay của công ty. Hiện công ty đã sở hữu các dự án Khu công nghiệp Yên Phong II C, Yên Mỹ, Phú Hà, Viglacera Tiên Sơn…
Báo lãi sau thuế cao nhất trong top là Tổng Công ty Sonadezi (SNZ) với 1.501 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, vượt 48% so với kế hoạch đề ra và là mức lãi cao kỷ lục của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, hệ thống Sonadezi có 9/16 công ty đã đạt và vượt kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận sau thuế. Trong đó, Sonadezi Châu Đức (SZC) báo lãi sau thuế 324 tỷ đồng, mức lãi cao nhất kể từ trước đến nay và vượt 84% kế hoạch đặt ra.
Ngoài ra, các thành viên khác như Cảng Đồng Nai (PDN), Dịch vụ Sonadezi (SDV), Sonadezi An Bình (SZA), Cấp nước Đồng Nai (DNW),... đều có kết quả kinh doanh vượt kế hoạch.
Nhóm Sonadezi hiện đang triển khai các dự án như KCN Châu Đức, sân golf Châu Đức, Cảng Đồng Nai giai đoạn 2, Cụm công nghiệp Long Phước, dự án cấp nước Nhơn Trạch…
Thành viên nhóm Becamex, Becamex IJC (IJC) cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp báo lãi cao nhất với 621 tỷ đồng. Mặc dù quý IV/2021, lãi sau thuế của công ty giảm hơn phân nửa, song nhờ các quý trước kinh doanh thuận lợi, lãi năm 2021 của công ty vẫn tăng 68% so với năm 2020.
Một thành viên khác trong nhóm là Becamex UDJ (UDJ) cũng công bố vượt 6% kế hoạch lãi của năm nhờ đẩy mạnh tiêu thụ, bàn giao nhà.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác như Long Hậu (LHG), Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC), Cidico (CCI), Khu công nghiệp Dầu khi Long Sơn (PXL) cũng có lãi tăng so với cùng kỳ năm 2020 và vượt kế hoạch.
Trong số 13 doanh nghiệp có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ, 7 doanh nghiệp đã vượt kế hoạch lãi năm, 6 doanh nghiệp còn lại hoàn thành trên 50% chỉ tiêu, trong đó có ba doanh nghiệp tiệm cận kế hoạch với mức độ thực hiện trên 70%.
Doanh nghiệp có mức vượt chỉ tiêu cao nhất là Khu công nghiệp Hiệp Phước (HPI) với 113%, đây đồng thời cũng là doanh nghiệp có mức giảm doanh thu và lợi nhuận sâu nhất nhóm bất động sản công nghiệp. Cuối năm 2021, công ty ghi nhận 158 tỷ đồng doanh thu và 34 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 67% và 86% so với năm 2020.
Hai thành viên nhóm Sonadezi gồm Sonadezi Long Thành (SZL) và Sonadezi Giang Điền (SZG) báo lãi lần lượt vượt chỉ tiêu 16% và 2% với 101 tỷ đồng và 58 tỷ đồng, dù mức lãi này giảm lần lượt 1% và 13% so với cùng kỳ năm trước.
Hai thành viên khác là Sonadezi Long Bình (SZB) và D2D (D2D) đều có mức hoàn thành chỉ tiêu lần lượt 93% và 90%. Lãi sau thuế mà hai doanh nghiệp này thu được là 105 tỷ đồng và 243 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 9% so với năm 2020.
Thành viên cùng nhóm TID, CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (TIP) báo lãi 92 tỷ đồng, giảm 33% do ảnh hưởng của đợt giãn cách xã hội. Song, con số này vẫn giúp TIP vượt 21% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.
“Ông trùm” khu công nghiệp Bình Dương, Becamex IDC (BCM) báo lãi 1.369 tỷ đồng. Trong năm, doanh thu thuần tăng nhẹ, song do chi phí tài chính và chi phí khác tăng cao, lãi sau thuế của công ty “bốc hơi” 37% so với cùng kỳ.
Thành viên Becamex TDC (TDC) cũng báo lãi giảm 40% còn hơn 120 tỷ đồng trong năm 2021. Hai doanh nghiệp này có mức hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận lần lượt là 60% và 71%.
Một doanh nghiệp khác cũng nằm trong nhóm này là Tổng Công ty Idico (IDC) với lãi giảm 56% còn 576 tỷ đồng. Công ty cho biết, trong quý IV/2021, công ty đã áp dụng điều chỉnh hồi tố doanh thu cho thuê nhận trước của dự án Khu công nghiệp Mỹ Xuân A ghi nhận một lần cho quý IV/2020. Điều này góp phần khiến lợi nhuận năm 2021 của công ty giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như Sài Gòn VRG (SIP), Thống Nhất (BAX), Khu công nghiệp Cao su Bình Long (MH3), Khu công nghiệp Hiệp Phước đều báo lãi và vượt kế hoạch kinh doanh.
Từ cuối năm ngoái đến nay, các công ty chứng khoán liên tục đưa ra những nhận định tích cực về tình hình kinh doanh các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp trong năm 2022.
Báo cáo ngành bất động sản khu công nghiệp (KCN) mới đây của CTCP Chứng khoán SSI dự báo, trong năm 2022, phân khúc này có nhiều dư địa để tăng trưởng mạnh, nhu cầu thuê đất tại các KCN sẽ phục hồi khi các hợp đồng ghi nhớ (MOU) đã ký trong 2021 sẽ được hoàn tất trong 2022.
Theo Ban Quản lý các KCN Bình Dương, diện tích đã ký MOU tại Bình Dương đạt 250 ha, trong đó KCN Cây Trường (700 ha) (do Becamex IDC làm chủ đầu tư) và KCN NTU3 (tổng diện tích 346 ha) (của Nam Tân Uyên) sẽ đi vào hoạt động năm nay. Diện tích đã ký MOU tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An đạt lần lượt 200 ha.
Quy hoạch 18:02 | 14/09/2022
Dự án 16:00 | 21/04/2022
Quy hoạch 14:29 | 21/04/2022
Chủ đầu tư 11:22 | 17/02/2022
Chủ đầu tư 11:13 | 15/02/2022
Chủ đầu tư 10:19 | 11/02/2022
Chủ đầu tư 20:49 | 10/02/2022
Chủ đầu tư 06:45 | 10/02/2022