Top 20 doanh nghiệp nắm 90% lãi ngành BĐS, nhóm dân dụng chiếm ưu thế nhờ các kỷ lục lợi nhuận

Trong số các doanh nghiệp BĐS niêm yết đã công bố báo cáo tài chính có đến hơn 150 doanh nghiệp công bố có lãi sau thuế. Top 20 doanh nghiệp báo lãi cao nhất, ngoài những cái tên quen thuộc như Vinhomes, Phát Đạt, Đất Xanh,...còn có những doanh nghiệp báo lãi kỷ lục khác như Hà Đô, Viglacera, Licogi 14,...

Thống kê trong hơn 170 doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính năm 2021, hơn 150 doanh nghiệp báo lãi sau thuế với tổng lợi nhuận thu được là hơn 65.000 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với năm 2020.

Trong đó, tổng lợi nhuận của top 20 doanh nghiệp báo lãi cao nhất thị trường là hơn 57.600 tỷ đồng, chiếm đến gần 90% toàn ngành, đa phần đến từ các doanh nghiệp làm bất động sản dân dụng (89%).

Top 20 doanh nghiệp BĐS báo lãi lớn nhất năm 2021, nhóm dân dụng chiếm đến 70% - Ảnh 1.

Tổng hợp: Hiền Minh.

Doanh nghiệp BĐS dân dụng chiếm ưu thế

Trong top 20 công ty nói trên có đến 14 đại diện từ nhóm dân dụng, nhóm này cũng chiếm 7 vị trí trong danh sách 10 doanh nghiệp bất động sản đã báo lãi nghìn tỷ trong năm qua. Tổng lợi nhuận của nhóm này cũng chiếm 89%. 

Dẫn đầu lãi sau thuế toàn ngành là CTCP Vinhomes (VHM) với lãi 39.231 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020. Trong quý IV/2021, hoạt động kinh doanh của Vinhomes đã có sự bứt phá, hàng loạt sự kiện mở bán và hoạt động truyền thông được Vinhomes triển khai kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đứng sau Vinhomes là Phát Đạt (PDR) Đất Xanh (DXG) với lãi sau thuế lần lượt là 1.861 tỷ đồng và 1.565 tỷ đồng, hai doanh nghiệp này đã cùng với Vinhomes báo lãi nghìn tỷ sau ba quý kinh doanh đầu năm.

Bên cạnh ba doanh nghiệp nói trên, trong danh sách lãi nghìn tỷ sau ba quý còn có Novaland (NVL) với 2.550 tỷ đồng, song đến hiện tại, Novaland vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2021.

Một doanh nghiệp địa ốc báo lãi nghìn tỷ khác là Nam Long (NLG) với 1.478 tỷ đồng, tăng 74% so với năm 2020. Nguồn thu từ việc bán các căn hộ đã giúp doanh thu thuần quý IV/2021 của Nam Long bứt tốc, tăng hơn 380% so với cùng kỳ và cao gấp 5,6 lần tổng doanh thu thuần ba quý trước. Điều này đã giúp công ty vượt 5% kế hoạch doanh thu và 8% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Hà Đô (HDG) cũng công bố lãi sau thuế 1.333 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Công ty cho hay, lợi nhuận tăng trưởng đến từ việc bàn giao nhà tại các dự án Hado Centrosa Garden, Hado Charm Villa và đưa vào phát điện 3 dự án thủy điện, đồng thời đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính. Kết năm 2021, Hà Đô đã hoàn thành được 79% chỉ tiêu doanh thu và vượt 1% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Một doanh nghiệp “họ” Vin khác cũng lọt top này là Vincom Retail (VRE) với lãi sau thuế 1.315 tỷ đồng, giảm 45% so với năm 2020. Gói hỗ trợ khách thuê dưới dạng miễn, giảm tiền thuê trong quý IV/2021 có giá trị tổng cộng 766 tỷ đồng và cả năm 2021 là 2.115 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của Vincom Retail thấp hơn kế hoạch đề ra đầu năm – khi chưa có làn sóng Covid-19 lần thứ tư. 

Mặc dù ghi nhận giảm lợi nhuận so với năm trước, song công ty đã cho thấy sự phục hồi khi lãi sau thuế quý IV/2021 tăng 408,3% so với quý III. 

Danh sách lãi nghìn tỷ còn có Khang Điền (KDH) với lãi sau thuế 1.204 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu thuần trong năm 2021 của công ty giảm 18%, lãi sau thuế tăng nhờ phần lãi khác 207 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ khác 16,7 tỷ đồng, chủ yếu nhờ ghi nhận thêm 198 tỷ đồng lãi từ giao dịch mua rẻ. 

Phần lãi này được ghi nhận nhờ thương vụ hoàn tất nhận chuyển nhượng 99,9% lợi ích vốn chủ sở hữu tại CTCP Bất động sản Nguyên Thư trong quý IV/2021. Giá phí nhận chuyển nhượng là 419,6 tỷ đồng. 

Một doanh nghiệp thu hút sự chú ý gần đây của dư luận là Licogi 14 (L14) cũng xuất hiện trong nhóm lãi lớn này. Năm 2021, Licogi 14 đạt gần 167 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43% và lãi sau thuế 372 tỷ đồng, cao gấp 10,6 lần năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của công ty kể từ khi thành lập.

Phần lãi này chủ yếu đến từ hoạt động tài chính của công ty con là CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 (L14 FI) trong quý IV/2021. Trong quý, doanh thu tài chính mà Licogi 14 ghi nhận được là 379 tỷ đồng, cao gấp 95 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó 376 tỷ đồng là lãi đầu tư cổ phiếu trong quý IV/2021.

Ngoài ra, top 20 doanh nghiệp báo lãi sau thuế lớn còn có sự xuất hiện của DIC Corp (DIG), Vinaconex (VCG), Cenland (CRE), Đạt Phương (DPG), An Gia (AGG), Văn Phú Invest (VPI).

Top 20 doanh nghiệp BĐS báo lãi lớn nhất năm 2021, nhóm dân dụng chiếm đến 70% - Ảnh 2.

Mức độ tăng giảm doanh thu, lợi nhuận của Top 20 doanh nghiệp BĐS có lãi sau thuế cao nhất. (Tổng hợp: Hiền Minh).

Các ông lớn BĐS công nghiệp như Sonadezi, nhóm Becamex, Viglacera... liên tiếp báo lãi lớn

Tổng lợi nhuận của nhóm bất động sản công nghiệp chiếm 11% trong tổng lợi nhuận của top 20 nói trên, trong đó có ba doanh nghiệp thu lãi nghìn tỷ là Sonadezi, Becamex IDC và Viglacera.

Tổng công ty Sonadezi (SNZ) báo lãi sau thuế lớn kỷ lục với hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và vượt 30% chỉ tiêu năm 2021. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm như Sonadezi Châu Đức, Sonadezi Long Bình, Sonadezi Long Thành cũng lần lượt báo lãi cao hàng trăm tỷ đồng. 

Hiện, Sonadezi đang đầu tư cho các dự án Khu công nghiệp Châu Đức, Sân golf Châu Đức, Cảng Đồng Nai giai đoạn 2, Cụm công nghiệp Long Phước, dự án cấp nước Nhơn Trạch,...

Becamex IDC (BCM) xuất hiện trong nhóm nghìn tỷ với lãi sau thuế 1.369 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ so với năm 2020, song giá vốn và chi phí tài chính tăng đã kéo lãi công ty sụt giảm. 

Công ty con của Becamex IDC, Becamex IJC (IJC) cũng nằm trong nhóm top 20 doanh nghiệp báo lãi cao nhất. Lãi sau thuế của Becamex IJC đạt 621 tỷ đồng. Mặc dù quý IV/2021, lãi sau thuế của công ty giảm hơn phân nửa, song nhờ các quý trước kinh doanh thuận lợi, lãi năm 2021 của công ty vẫn tăng 68% so với năm 2020. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp khác trong nhóm Becamex như Becamex TDC (TDC) báo lãi hơn 120 tỷ đồng hay Becamex UDJ (UDJ) cũng công bố vượt 6% kế hoạch lãi của năm nhờ đẩy mạnh tiêu thụ, bàn giao nhà.

Tổng Công ty Viglacera (VGC) lãi sau thuế 1.290 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ nhờ hiệu quả kinh doanh của các khu công nghiệp và công ty con Kính nổi Siêu trắng Phú Mỹ. Đây cũng là mức lãi cao nhất từ trước đến nay của công ty. Hiện công ty đã sở hữu các dự án Khu công nghiệp Yên Phong II C, Yên Mỹ, Phú Hà, Viglacera Tiên Sơn…

Một ông lớn khu công nghiệp báo lãi lớn tiếp theo là Kinh Bắc (KBC) với 955 tỷ đồng, tăng 198% so với năm 2020. Doanh thu thuần của công ty cũng cao gấp đôi so với năm trước, đạt 4.309 tỷ đồng. 

Trong năm 2022, Kinh Bắc có kế hoạch đầu tư cho loạt dự án khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp Tràng Duệ mở rộng tại Hải Phòng. Theo nhận định của Chứng khoán VNDirect, trong giai đoạn năm 2022-2024, Kinh Bắc sẽ được bổ sung hơn 2.000 ha đất khu công nghiệp. Cuối tháng 12/2021, tỉnh Hưng Yên đã chấp thuận cho Kinh Bắc đầu tư hơn 200 ha đất công nghiệp với ba cụm công nghiệp có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 1 tỷ USD.

Ông lớn khu công nghiệp cuối cùng trong top 20 này là Tổng Công ty Tín Nghĩa (TID) với lãi sau thuế 382 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước và tiệm cận chỉ tiêu 390 tỷ đồng nhờ kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và đầu tư tài chính dài hạn. Ngoài các khu công nghiệp, TID cũng đang đầu tư dự án dân dụng như Khu dân cư Núi Dòng Dài, Khu dân cư Phú Thạnh - Long Tân,... 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.