Dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Thống kê trong các doanh nghiệp bất động sản - xây dựng đại chúng đã công bố báo cáo tài chính có gần 30 doanh nghiệp báo lãi nhờ doanh thu hoạt động tài chính thay vì hoạt động kinh doanh chính, trong đó có nhiều ông lớn như Novaland, FLC, Sunshine Homes, Licogi 14,...
Doanh thu thuần năm 2021 của Novaland (NVL) đạt hơn 14.900 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với năm 2020 nhờ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Doanh thu tài chính trong năm của công ty cũng ghi nhận hơn 3.645 tỷ đồng, phần lớn là lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư và lãi từ thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên.
Phần doanh thu tài chính này đã giúp Novaland báo lãi 3.460 tỷ đồng (giảm 11% so với năm trước) khi giá vốn, chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng phi mã trong năm 2021.
Tập đoàn FLC (FLC) có doanh thu thuần hơn 6.770 tỷ đồng, giảm phân nửa so với năm trước. Bên cạnh các khoản chi như giá vốn, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, FLC còn phải gánh thêm khoản lỗ 502 tỷ đồng từ công ty liên kết. Phần doanh thu 1.463 tỷ đồng từ hoạt động tài chính đã giúp công ty có lãi sau thuế 84 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính 362 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần cùng kỳ và vượt 20% kế hoạch cũng giúp SAM Holdings (SAM) thoát lỗ năm 2021 dù doanh thu thuần đạt gần 1.890 tỷ đồng. Kết năm, công ty báo lãi sau thuế 160 tỷ đồng, tăng 58%.
Trong năm, SAM Holdings đã rót gần 300 tỷ đồng vào chứng khoán kinh doanh, tăng gấp 3 lần so với đầu năm với 12 mã cổ phiếu, bao gồm HPG (Tập đoàn Hòa Phát), KBC (Kinh Bắc), DNP (Nhựa Đồng Nai),... Lãnh đạo công ty từng cho biết thị trường chứng khoán sẽ là kênh để công ty tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngắn hạn.
Doanh thu thuần của CEO Group (CEO) năm 2021 là 902 tỷ đồng, giảm 32% và lợi nhuận gộp giảm 67% so với năm trước. Song, doanh thu từ hoạt động tài chính 330 tỷ đồng, phần lớn là lãi từ các khoản đầu tư trong quý IV đã giúp doanh nghiệp lãi sau thuế gần 306 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ thua lỗ 103 tỷ đồng.
Trái ngược với các doanh nghiệp trên, Tasco (HUT) báo lãi sau 6 quý lỗ liên tiếp nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh trong quý IV/2021. Quý IV, công ty tiến hành thay máu loạt nhân sự cấp cao và thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm. Lũy kế cả năm, doanh thu tài chính tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước, kéo lợi nhuận sau thuế cả năm lên 47,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 243 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp gây chú ý trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây là Năm Bảy Bảy (NBB) cũng thoát lỗ nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính. Trong năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu thuần của Năm Bảy Bảy giảm 84% so với năm trước đó. Song, nhờ khoản thu từ hoạt động tài chính tăng gần 21 lần so với cùng kỳ, công ty thoát lỗ, đồng thời báo lãi sau thuế tăng 3%.
Bên cạnh đó, nhóm này còn có sự xuất hiện của các doanh nghiệp địa ốc khác như An Gia (AGG), TTC Land (SCR), Sunshine Homes (SSH), Hải Phát Invest (HPX)...
Ngoài ra, năm 2021, kết quả kinh doanh nhóm xây dựng tụt dốc do chi phí nguyên vật liệu cùng chi phí nhân công sau giãn cách tăng nóng, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này cũng chiếm phần lớn trong top các doanh nghiệp có lãi giảm sâu.
Nhiều "ông lớn" ngành xây dựng như Hòa Bình (HBC), Coteccons (CTD), Xây dựng SCG (SCG)... có mặt trong nhóm doanh nghiệp thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính.
Điển hình nhất phải kể đến Licogi 14 (L14) với doanh thu tài chính 398 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần doanh thu thuần (167 tỷ đồng). Phần doanh thu tài chính này chủ yếu đến từ lãi đầu tư cổ phiếu trong quý IV/2021 với 376 tỷ đồng.
Nhờ đó, công ty ghi nhận lãi sau thuế 372 tỷ đồng, cao gấp 10,6 lần năm 2020 và gấp 12,5 lần kế hoạch đã đề ra. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của công ty kể từ khi thành lập.
Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn - LSG) báo lãi sau thuế 12 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh nghiệp này không ghi nhận doanh thu thuần mà chỉ có nguồn thu từ hoạt động tài chính.
Đầu tư PV2 (PV2) có doanh thu tài chính 15 tỷ đồng, cao gấp 3 lần doanh thu thuần năm 2021. Đáng chú ý, trong quý IV, công ty này không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính cũng như các doanh thu khác, chỉ có doanh thu tài chính hơn 12 tỷ đồng, cao gấp 8 lần cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lãi sau thuế quý IV đạt 8,7 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, lãi sau thuế của PV2 là 4 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác không có doanh thu từ hoạt động chính năm nay là CTCP Sông Đà 19 (SJM). Doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu tài chính 1,9 tỷ đồng và thu nhập khác 4,9 tỷ đồng, đồng thời ghi nhận chi phí tài chính âm 2,3 tỷ đồng, nhờ đó báo lãi sau thuế 7 tỷ đồng trong khi năm 2020 báo lỗ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp như Bất động sản Exim (EXIMLAND), Xây dựng Sông Hồng (ICG), Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (PXL),... cũng nằm trong nhóm có nguồn thu chính từ hoạt động tài chính trong năm.
Quy hoạch 18:02 | 14/09/2022
Dự án 16:00 | 21/04/2022
Quy hoạch 14:29 | 21/04/2022
Chủ đầu tư 11:22 | 17/02/2022
Chủ đầu tư 11:13 | 15/02/2022
Chủ đầu tư 10:19 | 11/02/2022
Chủ đầu tư 20:49 | 10/02/2022
Chủ đầu tư 06:45 | 10/02/2022