Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C45), Bộ Công an, một trong những người trực tiếp chỉ đạo điều tra chuyên án truy bắt băng nhóm cướp 1000 lượng vàng tại miền Nam nhận định: đây là một trong chuyên án điển hình, thể hiện đầy đủ nhất nghiệp vụ điều tra của Cảnh sát và cũng có thể nói là một vụ việc mà chỉ thể gặp được trong các cuốn tiểu thuyết trinh thám.
Lá thư bí ẩn
Tháng 7 năm 2011, thời điểm này, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, hiện đang giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, kiêm giữ chưc Cục Trưởng Cục C45, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khi đó là Cục phó. Sau buổi giao ban vào sáng thứ 2 của tuần thứ hai trong tháng này, cuộc họp kết thúc, Đại tá Hồ Sỹ Tiến đi xuống phòng Văn thư như mọi khi để xem có công văn nào quan trọng gửi cho mình hay không.
Nhìn tập hồ sơ chồng chất đủ các loại văn kiện từ thư tín, thông báo, chỉ thị của Bộ, các cấp, các ban ngành, Đại tá Tiến chỉ đạo cho đội ngũ Văn thư là tập hợp, phần loại các văn bản của từng người rồi chuyển lên phòng ban cụ thể. Theo quán tình nghề nghiệp, anh nhấc một tập thư lên để xem thì bất ngờ nhìn thấy một lá thư trần, viết vào mảnh giấy thếp, loại giấy dùng ở phòng trực ban, trong đó có viết rõ dòng chứ Đơn Tố cáo.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, Cục trưởng Cục C45-Bộ Công an |
Vì là lá thư không có phong bì bên ngoài, lại ghi gửi lãnh đạo Cục C45 nên Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cầm lên đọc xem nội dung như thế nào. Nội dung lá thư đã khiến cho Thiếu tướng Tiến bất ngờ khi nó đã nói về chi tiết hàng loạt các vụ án cướp tiệm vàng xảy ra ở các tỉnh phía Nam.
Thực ra, trước đó, Cục C45 cũng đã nắm được thông tin về hàng loạt các vụ án cướp tiệm vàng ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh… tuy nhiên, hầu hết những vụ án này đang trong diện điều tra, thậm chí là đang vào giai đoạn ngõ cụt chưa tìm ra hướng điều tra mới.
Những thông tin trong lá thư này không chỉ nói chính xác thời gian, địa điểm, diễn biến của các vụ cướp tiệm vàng mà còn nêu đích danh từng đối tượng gây án. Nhận thấy có điều đặc biệt trong lá thư này, Thiếu tướng Tiến ngay lập tức mang lên phòng Trung tướng Đỗ Kim Tuyến để cùng xem xét. Hai lãnh đạo cao nhất của Cục C45 nhận định, nội dung trong lá thư này là rất có giá trị, cần phải xem xét, điều tra một cách kỹ lưỡng.
Ngay lập tức, lãnh đạo của các phòng ban, các trinh sát điều tra dày dạn kinh nghiệm được tập hợp về phòng họp để cùng nghiên cứu bức thư. Kèm theo đó, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cũng chỉ đạo cấp dưới tập hợp tất cả hồ sơ các vụ án cướp tiệm vàng xảy ra ở các tỉnh trong phía Nam mà chưa rõ đối tượng để xem xét lại.
Cuộc họp hôm đó đưa đến một thống nhất sẽ thành lập ra chuyên án để điều tra làm rõ những thông tin tố cáo trong bức thư. Sự việc sau đó được báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an và chuyên án đã được thông qua, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến làm trưởng ban chuyên án, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến làm phó ban, chỉ đạo trực tiếp công tác điều tra các mũi trinh sát được đưa vào miền Nam.
“Truy tìm” người tố cáo
Một trong những khó khăn lớn nhất mà lực lượng điều tra phải giải quyết đó là tung tích người tố cáo. Trong lá đơn để lại, người viết chỉ ghi Lê Văn Quân, 45 tuổi, quê gốc ở Tây Ninh nhưng hiện đang sống trong một con ngõ nhỏ thuộc quận Bình Thạnh. Từng đó thông tin sẽ rất khó để để các trinh sát tìm được nơi ở của nhân vật này, trong khi đó, cán bộ trực ban hôm người này đến gửi đơn cũng không thể nhận diện hay miêu tả chính xác được.
Nhóm 6 cán bộ chiến sĩ được tung vào miền Nam kết hợp cùng với phía Cục C45 trong thành phố Hồ Chí Minh mở “chiến dịch truy tìm người tố cáo”. Rà soát từng từ thì các trinh sát có được thông tin, người tố cáo đang làm nghề chạy xe ôm ở cổng một khu chợ bán rau rất lớn ở quận Bình Thạnh.
Chợ Bà Chiểu là nơi mà người viết đơn tố cáo chạy xe ôm mưu sinh mỗi ngày |
Lực lượng điều tra tiến hành rà soát xem những người nào nghề xe ôm quê ở Tây Ninh, thứ hai là qua nguồn tin của cánh xe ôm xác định người nào vắng mặt trong gia đoạn 2 tuần đầu tháng 7 vì theo phán đoán, để ra được Cục C45 ở Hà Nội, người này chắc chắn phải mất khoảng 1 tuần hoặc ít nhất cũng phải 4 ngày.
Với hướng điều tra này, cả trăm người làm nghề xe ôm trong khu vực khoanh vùng được rà soát rất kỹ lưỡng. Hơn 1 tuần sau, công tác điều tra đã mang lại kết quả, danh tính người cần tìm đã được xác định cụ thể.
Người này sống trong một con hẻm nhỏ, nơi tập trung rất nhiều người lao động ngoại tỉnh nên kể có biết địa chỉ thì việc tìm kiếm cũng hết sức khó khăn. Tuy nhiên, khi suy tính về tính chất bí mật của vụ và để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tố cáo, các trinh sát đã không đến nhà tìm trước tiếp mà xử dụng biện pháp nghiệp vụ để đưa người này đến một khách sạn ở quận Bình Thạnh để gặp mặt.
Ngay khi người này đến địa điểm mà các trinh sát của Cục C45 đã chờ sẵn, sau khi xác định chính xác đây là nhân vậy cần tìm, các trinh sát đã ngay lập tức gọi điện báo cáo về cho lãnh đạo đơn vị. Tiếp nhận thông tin, ngay trong đêm hôm đó, đích thân Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến đã trực tiếp vào miền Nam để gặp mặt người tố cáo kia.
Trong cuộc nói chuyện với Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, anh Lê Văn Quân đã cung cấp thêm rất nhiều thông tin quan trọng mà chưa kịp viết vào lá thư để lại tại Cục C45 trước đây.
Bài tới: Nhịn đói đi tàu từ Nam ra Bắc để tố cáo băng cướp máu lạnh