Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Bắc Ninh, chiều 14/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các bị can về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Xây dựng Tây Hồ (Tayho Housing).
Doanh nghiệp này có trụ sở tại số 2, ngõ 9, phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tất cả các quyết định trên đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.
Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc gồm: Tân Tú Hải, 61 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội (thành viên HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Xây dựng Tây Hồ); Đặng Quang Tuấn, 51 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội (nguyên Chủ tịch HĐQT Xây dựng Tây Hồ); Phan Việt Anh, 46 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội (nguyên Phó Tổng Giám đốc Xây dựng Tây Hồ) và Chu Thị Ngọc Ngà, 60 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội (Trưởng Ban Kiểm soát Xây dựng Tây Hồ).
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, sáng 22/3, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Ninh đã thi hành quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Tấn Hoàng, 39 tuổi ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội, Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp.
Trước khi loạt lãnh đạo vướng vòng lao lý, giai đoạn từ tháng 7/2021 - 1/2022, bộ máy lãnh đạo công ty liên tục có biến động.
Cụ thể, ngày 26/7/2021, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật doanh nghiệp được chuyển từ ông Tân Tú Hải (người vừa bị bắt ngày 14/2) sang cho ông Hồ Đình Thịnh. Ông Tân Tú Hải là Thành viên HĐQT của công ty được bổ nhiệm từ tháng 12/2015.
Đến cuộc họp HĐQT ngày 21/10/2021, HĐQT Xây dựng Tây Hồ lại thông qua miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật đối với ông Hồ Đình Thịnh, đồng thời bổ nhiệm ông Phan Quốc Thắng thay thế đảm nhiệm vị trí này.
Ngày 27/1, Xây dựng Tây Hồ cho biết, mặc dù đã miễn nhiệm, song ông Hồ Đình Thịnh đã nhân danh Tổng Giám đốc công ty sử dụng con dấu (đã bị hủy bỏ ngày 21/10/2021) để đóng và phát hành các văn bản gửi đến cơ quan quản lý nhà nước, cổ đông, khách hàng, ngân hàng.
Do đó, công ty cho rằng ông Thịnh đã có hành vi "giả mạo trong công tác", giả mạo chức danh và giả mạo con dấu, vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự. Xây dựng Tây Hồ đã trình báo, tố giác với Cơ quan Cảnh sát Điều tra.
Xây dựng Tây Hồ cũng cho biết, bản thân doanh nghiệp có một phần lỗi trong sự việc của ông Thịnh. Cụ thể, trong hồ sơ xin thay đổi người đại diện pháp luật sang cho ông Phan Quốc thắng (đăng ký thay đổi lần 9), doanh nghiệp đã phạm lỗi soạn thảo, ghi sai ngày tổ chức cuộc họp HĐQT (21/10/2021) thành ngày ban hành Nghị quyết HĐQT (22/10/2021).
Vì hồ sơ sai sót, do đó lần thay đổi kinh doanh thứ 9 không có hiệu lực, lần thay đổi thứ 8 được phục hồi, ông Thịnh cho đến nay vẫn đang đứng tên là người đại diện pháp luật của Xây dựng Tây Hồ.
Theo tìm hiểu của người viết, Xây dựng Tây Hồ tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng 106 được thành lập từ năm 1984. Năm 1993, doanh nghiệp đổi tên là Công ty Xây dựng Tây Hồ.
Đến năm 2004, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình CTCP theo quyết định của Bộ Xây dựng, hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 5/1/2005.
Tại lần đăng ký thay đổi mới nhất ngày 22/1, vốn điều lệ của Xây dựng Tây Hồ là gần 32,5 tỷ đồng. Con số này không thay đổi so với báo cáo tài chính năm 2018 được doanh nghiệp công bố.
Theo báo cáo tài chính năm 2018, nắm 50,09% vốn điều lệ tại Xây dựng Tây Hồ là Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp, mã chứng khoán: HAN); Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) nắm 15% và còn lại là các cổ đông khác.
Cập nhật gần nhất theo BCTC quý III/2021 của Hancorrp cho thấy công ty vẫn đang nắm phần vốn không đổi tại Xây dựng Tây Hồ.
Nói thêm về Hancorp, đây cũng là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1995, cổ phần hóa vào năm 2014, vốn điều lệ tại ngày 30/6/2021 khoảng 1.410 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng nắm 98,83% cổ phần.
Trên thị trường bất động sản, Hancorp được biết đến là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực thi công xây lắp và nhà đầu tư về hạ tầng và khu đô thị mới – nhà ở.
Các dự án có sự tham gia của Hancorp có thể kể đến như Khách sạn quốc tế Hồ Tây, Tháp Hà Nội, Khách sạn Daewoo, Tòa nhà Keangnam, Royal City, Nhà máy điện Phú Mỹ 1-2, Nhà máy điện Hàm Thuận, VinCity Ocean Park (khu biệt thự thấp tầng),...
Hancorp cũng là chủ đầu tư của các hàng loạt dự án bất động sản tại khu Ngoại giao đoàn (Hà Nội); hai dự án gần 28 ha ở Quế Võ (Bắc Ninh) và đầu tư hạ tầng khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh B (Quảng Ninh).
Tại Bắc Ninh, Xây dựng Tây Hồ được biết đến là chủ đầu tư của Khu đô thị mới Quế Võ 1 tại các xã Phượng Mao, Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2015, Xây dựng Tây Hồ từng chuyển nhượng khoảng 29 ha diện tích dự án Quế Võ cho Công ty TNHH Tùng Bách (một doanh nghiệp có trụ sở tại TP Thủ Đức) với giá trị hợp đồng 186 tỷ đồng.
Theo giới thiệu của doanh nghiệp, dự án Quế Võ hiện có diện tích gần 28 ha, trong đó đất dịch vụ công cộng 3 ha; đất hỗn hợp 3,3 ha; đất biệt thự, liền kề 1,4 ha; đất nhà ở xã hội 4,9 ha; đất cây xanh 2,5 ha; đất giao thông 8,7 ha; đất hạ tầng kỹ thuật 0,2 ha.
Báo cáo tài chính năm 2018 cho thấy, Xây dựng Tây Hồ đang hợp tác làm dự án Quế Võ với một doanh nghiệp khác là CTCP Bất động sản Tú Minh với giá trị hợp đồng gần 22 tỷ đồng. Tồn kho tại dự án này là gần 151 tỷ đồng.
Tại Đồng Nai, vào năm 2016, Xây dựng Tây Hồ đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án khu dân cư xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch với Công ty TNHH Phú Thịnh Land. Dự án này có quy mô 199 ha, tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2008 - 2017.
Theo báo cáo tài chính năm 2016, dự án Nhơn Trạch đã mang về doanh thu 15 tỷ đồng cho Xây dựng Tây Hồ. Tuy nhiên, năm 2017 doanh nghiệp không còn ghi nhận doanh thu. Trong báo cáo tài chính năm 2018, dự án này không được đề cập.
Tại Hà Nội, Xây dựng Tây Hồ là chủ đầu tư của tổ hợp nhà ở 28 tầng Làng Quốc tế Thăng Long (Hancorp Plaza) tại quận Cầu Giấy. Dự án này được xây dựng trên khu đất hơn 1,1 ha.