Hàng ngàn người chen kín ở số 109, đường Phan Đình Phùng đến giáp đường Lý Thường Kiệt phía trước khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên-Huế (P.Phú Nhuận, TP.Huế) để đăng kí tiêm vắc xin 6 trong 1
Cán bộ y tế đang thực hiện việc đăng kí thủ công cho người dân. Vắc xin 6 trong 1 dịch vụ có giá 800 -900 ngàn đồng/liều tùy loại, phòng các loại bệnh cho trẻ gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib (các bệnh do Haemophilus influenzae type b gây ra như viêm màng não, viêm phổi) và bại liệt)
Để được có 1 suất tiêm dịch vụ vắc xin 6 trong 1, hay 5 trong 1 trong tuần tới tại 3 điểm tiêm trong TP.Huế, rất nhiều người đã có mặt từ trước Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế từ 1 giờ sáng 8.5 để đăng kí, lấy số. "Tôi đến đây từ 1 giờ sáng để đăng kí tiêm cho cháu, nhưng lại lấy và đăng kí được số thứ tự còn sau mấy chục người, tức nhiều người còn đến trước cả tôi", ông Nguyễn Văn Dũng, 55 tuổi, ở P.Phước Vĩnh, TP.Huế, cho biết.
Một tai nạn khiến người mẹ trẻ này (đeo kính) bị thương phải đi viện cấp cứu khi bị một ô tô đi ngang cán lên phần bàn chân trong khi xếp hàng chờ đăng kí tiêm vắc xin
Giám đốc Sở Y Tế tỉnh Nguyễn Nam Hùng (phải) có mặt từ sớm để chỉ đạo, điều hành. Theo thông báo của ngành y tế tỉnh, đợt tiêm phòng này Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhập về 1100 liều vắc xin, trong đó 1000 liều 6 trong 1 (Infanrix Hexa, Hexaxim), 100 liều loại 5 trong 1 (Pentaxim). Do số lượng có hạn nên nhiều người dân tranh thủ đi đăng kí để tiêm cho con em mình.
Niềm vui của một người bán bánh mì khi bán chỉ 10 phút hết 1 thúng bánh mì.
Một số người mẹ trẻ tỏ vẻ lạc quan, họ cho biết đã đến số 109 Phan Đình Phùng đăng kí, nhưng vẫn sau cả ngàn người.
CSGT chốt chặn, tạm ngăn các phương tiện đoạn ngã 3 đường Nguyễn Khuyến - Phan Đình Phùng đến đường Lý Thường Kiệt.
Nước suối 10 ngàn đồng/chai nhỏ vẫn bán sạch.
Niềm vui của nhiều người khi được gọi vào bên trong Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe để thực hiện thủ tục đăng kí tiêm phòng.
Bảo vệ, công an phường được huy động để đảm bảo trật tự. Theo PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế Thừa Thiên-Huế, trước đây chỉ có 5% người tiêm dịch vụ loại vắc xin này, tại vì người ta tiêm loại vắc xin quốc gia (chương trình tiêm chủng mở rộng). Nhưng khi đầu năm chuyển đổi loại vắc xin, người dân thấy các tai biến xảy ra nên họ sợ, 50% người dân dồn vào tiêm dịch vụ mà chưa nhập chưa kịp nên tạo ra khan hiếm về vắc xin.
Từ tinh mơ nhiều người đã đi đăng kí tiêm vắc xin nên phải ăn bánh mì.
Đến khoảng 7 giờ 30 ngày 8.5, sau khi cơ quan y tế thông báo đã hết 1.100 liều vắc xin cho số người đăng kí, hơn 1000 người còn lại đoàn người tự giải tán, thất thểu ra về sau nhiều giờ đi đăng kí. Họ phải chờ đến tháng 6 tới mới được đăng kí lại.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Thừa Thiên-Huế, nói rằng ngành y tế đã tính toán, làm rất nhiều phương án.
“Hôm nay tổ chức thế này là đúng bài nhất, tức là đăng kí, tổ chức tiêm vào 1 tuần sau, mời lực lượng công an tham gia, thông báo công khai trên mạng. Đây là phương án tổ chức tối đa, tuyệt đối nhất”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, anh Vi Văn Thảo (ở P.Trường An, TP.Huế), người đi đăng kí tiêm phòng cho con từ 5h30 sáng nhưng vẫn công cốc ra về vì hết thuốc, cho rằng ngành y tế nên áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng đăng ký online cho việc tiêm chủng như Đà Nẵng, TP HCM, hay Hà Nội đã làm. Không thể làm khổ người dân bằng biện pháp thủ công lạc hậu như vậy.
Còn anh Nguyễn Tấn Tôn Thất Đỗ Vũ, chuyên gia công nghệ thông tin và là ông bố trẻ đi đăng kí tiêm vắc xin cho con, nói rằng anh cũng không hiểu sao ngành y tế tỉnh không áp dụng cho bố mẹ các trẻ đăng kí online, khi mà việc này hết sức đơn giản, ngành y tế cũng có đủ hạ tầng để làm việc ấy?
Xem thêm: Lịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ sơ sinh đến dưới 1 tuổi