Phần lớn ca mắc bệnh sởi là do không tiêm chủng
Mới đây, trong buổi Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về công tác, giải pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các vấn đề sức khỏe, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã chia sẻ một số thắc mắc xoay quanh bệnh sởi.
Bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoạc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chia sẻ về cách phòng tránh bệnh sởi. |
Ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho biết trong năm 2018, cả nước có 9.741 trường hợp phát ban nghi sởi, trong đó có 1.963 trường hợp dương tính với bệnh sởi. Số ca mắc bệnh sởi năm 2018 cao gấp 13 lần so với năm 2017. Theo số liệu thống kê do Cục Y tế dự phòng cung cấp, 51% số ca mắc bệnh sởi trong năm 2018 là do không được tiêm chủng, khoảng 40% số ca mắc là tiêm không đầy đủ.
Ông Trần Đắc Phu cho biết: “Nếu tiêm vắc xin phòng bệnh và tiêm tốt, sẽ có khả năng miễn dịch với bệnh đến suốt đời”. Nhưng nếu không tốt, tiêm không đủ liều hoặc tiêm trong tình trạng cơ thể không đáp ứng miễn dịch thì vẫn có thể mắc bệnh.
Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi cho những vùng có nguy cơ cao. Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, lịch tiêm chủng vắc xin là: với trẻ 9 tháng tuổi, tiêm một mũi sởi và với trẻ 18 tháng tuổi, tiêm một mũi sởi – rubella.
Ông Phu cũng cho biết thêm, đối với người lớn mà không rõ mình đã tiêm vắc xin chưa hoặc với phụ nữ trước khi mang thai thì nên tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella.
Bộ Y tế khuyến cáo phòng tránh bệnh sởi như sau:
- Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sỏi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc xin sởi – rubella đầy đủ và đúng lịch.
- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
- Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
- Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách li và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Xem thêm: Bộ Y tế hướng dẫn cách để tránh bị bệnh dịp Tết Nguyên đán 2019
Chuyên gia y tế cảnh báo bệnh sởi bùng phát và cách phòng ngừa
Bệnh sởi thường gặp ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng do chưa đến tuổi tiêm hoặc mắc bệnh khác phải hoãn tiêm hoặc những ... |
Từ 26/11, đồng loạt tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi tại Hà Nội
Ngày 26/11 tới đây, 584 xã/phường trên địa bàn Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi - rubella ... |
'Lệch' thời gian chích vắc xin sởi đang tạo lỗ hổng miễn dịch
Thời gian chích ngừa của chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc xin dịch vụ có sự khác nhau. Sự lệch lạc trong việc ... |