Giáo viên Trịnh Quỳnh, cựu học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, tốt nghiệp bằng giỏi Sư phạm Ngữ Văn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Thầy giáo trẻ hiện đang là admin của diễn đàn Học Văn – Văn Học với gần 600.000 lượt theo dõi, “cha đẻ” của nhiều phương pháp học Văn sáng tạo, hiệu quả.
Thầy giáo Trịnh Quỳnh chia sẻ về phương pháp ôn luyện môn Văn trong giai đoạn "nước rút" |
Chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa là đến kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nhiều em học sinh cảm thấy rất áp lực vì khối lượng kiến thức cần học quá lớn.
Thay vì học theo khối 3 môn như trước, học sinh ôn tập và thi theo tổ hợp từ 5-6 môn. Giới hạn ôn tập năm 2018 lại bao gồm cả chương trình lớp 11. Mặc dù theo ma trận đề minh họa, kiến thức lớp 11 chỉ chiếm khoảng 30% nhưng học sinh vẫn phải ôn tập đầy đủ 100% kiến thức lớp 11. Đối với môn Văn nếu không nắm vững đầy đủ các tác phẩm khó có thể đạt điểm cao.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố cấu trúc đề thi minh họa môn Văn, trong đó có sự phân hóa rõ rệt. Phần nghị luận văn học, bên cạnh câu hỏi yêu cầu cảm nhận và phân tích thông thường, đề bài còn có câu hỏi nâng cao chiếm từ 1 – 2 điểm yêu cầu liên hệ, so sánh đòi hỏi tổng hợp các thao tác lập luận, hệ thống kiến thức lí luận và văn học mới làm bài hiệu quả.
Giáo viên và học sinh đều lo lắng đề thi có thể rơi vào kiểu ra đề so sánh, liên hệ với một tác phẩm lớp 12 với một tác phẩm lớp 11. Với khoảng 30 tác phẩm trong chương trình 11 và 12 nếu lựa chọn sắp xếp so sánh 2 tác phẩm với nhau thì có khoảng 500 đề có thể được tạo ra.
Mỗi tác phẩm lại phân tách ra các nhân vật, các chi tiết... đều có thể so sánh liên hệ thì có khoảng 2000 đề có thể được tạo ra. Dĩ nhiên không phải tác phẩm nào cũng có thể so sánh với nhau nhưng tính như thế để thấy nếu học sinh luyện tập từng đề cụ thể sẽ là một sự bất khả thi.
Nhiều học sinh luyện đề nào thì chỉ biết làm đề đó, đến khi thi đề bài ra kiểu khác lại gặp khó khăn, không làm được. Đây là cách học chạy theo nội dung rất nặng nề, áp lực mà không hiệu quả.
Trước kỳ thi THPT quốc gia 3 tháng, nhiều học sinh vẫn còn mất căn bản. Hãy bắt đầu học bằng hệ thống sơ đồ với kiến thức tóm tắt nhất chỉ mất 30 phút cho một tác phẩm – nắm trọn nội dung ôn tập trong 1 tuần. Khi nắm vững căn bản học sinh mới ôn luyện chi tiết, trong quá trình ôn tập học sinh cần phân biệt được kiến thức căn bản tái hiện hình tượng với kiến thức nâng cao liên hệ mở rộng.
Đa số học sinh hiện nay đều tìm kiếm các đề bài cụ thể, các chủ đề nghị luận xã hội theo xu hướng mà không tìm hiểu về cách thức làm bài, các bước để đi đến đáp án. Học sinh chỉ học phần ngọn mà không đi sâu vào kiến thức nền tảng.
Cụ thể, với phần Đọc hiểu cần có các thao tác đọc nhận diện, suy nghĩ và tìm kiếm, kết nối người đọc với tác giả, suy nghĩ của riêng tôi – phản hồi thông tin trong văn bản. Các bước để đọc tốt một văn bản với các giai đoạn trước khi đọc hiểu văn bản, trong quá trình đọc hiểu văn bản và sau khi đọc hiểu văn bản.
Với câu Nghị luận xã hội, học sinh phải biết sử dụng các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, bình luận. Học sinh có thể sử dụng cách đặt câu hỏi 5W-1H (Cái gì? Tại sao? Ai? Làm như thế nào?) để lập ý và tìm dẫn chứng. Đặc biệt với đoạn văn 200 chữ đòi hỏi học sinh phải diễn đạt ngắn gọn, tránh cách dẫn dắt dài dòng, những câu văn vô nghĩa.
Học sinh có thể luyện tập bằng việc viết thoải mái 1 đoạn văn với dung lượng lớn, sau đó tóm tắt lại văn bản, loại bỏ các câu thừa thãi, các luận điểm trùng lặp để có đoạn văn 200 chữ hoàn hảo. Học sinh muốn đạt điểm cao cần làm tốt phần đọc hiểu từ 4.5 đến tối đa 5.0 điểm vì đây là phần đánh giá theo ý, ít sự chi phối chủ quan của người chấm.
Với phần Nghị luận văn học, đề thi năm nay có nhiều sự thay đổi về cách hỏi. Theo đó có thêm câu hỏi nâng cao dành cho học sinh giỏi.
Học sinh cần nắm vững các kiến thức về văn học sử (phong cách sáng tác, quan điểm nghệ thuật của tác giả); kiến thức lí luận văn học (không gian, thời gian nghệ thuật; quan điểm về con người; hình thức kết cấu, chi tiết nghệ thuật, giọng điệu...) trong đó chú ý sự khác biệt về các khuynh hướng các giai đoạn văn học.
Học sinh nên ôn luyện theo chuyên đề như văn học hiện thực; văn học lãng mạn; văn học cách mạng; văn học sau 1975 hay các thể loại như kí, kịch, thơ, truyện ngắn... Có kiến thức nền tảng thì việc làm bài liên hệ, so sánh mới có chất, mới thuyết phục người chấm bởi vì nguyên nhân của sự khác biệt giữa các tác phẩm các nhân vật nằm ở sự khác biệt về giai đoạn, quan điểm nghệ thuật và phong cách sáng tác.
Nắm vững những điều này thì dạng bài nào cũng có thể giải quyết được hiệu quả tránh cách trả lời, trình bày máy móc mà không hiểu rõ bản chất của vấn đề. Xác định đúng phương pháp học như thế thì mới giảm được áp lực bởi khối lượng kiến thức, nội dung ôn tập quá lớn. Đây cũng là cách học và cách kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực mà Bộ GD&ĐT đang hướng tới.
Để đạt điểm cao học sinh cần học thêm các chuyên đề lí luận văn học. Cuối cùng mới đến thao tác luyện đề nhằm xem lại các yêu cầu của người chấm nhằm điều chỉnh cách làm bài sao cho hiệu quả.
Trong kỳ thi THPT quốc gia, môn Văn là môn tự luận duy nhất cũng đòi hỏi cách trình bày, phân bố thời gian giữa các phần sao cho hiệu quả. Học sinh nên bắt đầu xây dựng kế hoạch ôn tập ngay từ bây giờ để chuẩn bị tốt cho kỳ thi quan trọng này.
Những lưu ý với thí sinh thi vào các trường quân đội năm 2018
Trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018, các trường thuộc khối ngành quân đội cũng có nhiều điều chỉnh mới trong phương ... |
Danh sách các trường đại học tuyển sinh ngành kế toán, công nghệ thông tin bằng tổ hợp khối C
Bên cạnh những khối xét tuyển truyền thống như A, A1, D1,... cho nhóm ngành kế toán, kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin ... |