Xuân này con không về…
Nhìn những cánh hoa mai vàng rực trước cổng ngôi biệt thự sang trọng, Thanh Trúc thở dài. Đây đã là cái tết thứ hai cô không thể về nhà. Tết năm ngoái, khi vừa “chân ướt chân ráo” vào học đại học ở TPHCM, cô cũng quyết định nhận việc làm thêm từ Trung tâm hỗ trợ sinh viên – giúp việc nhà “có thời hạn” cho một gia đình ở khu Thảo Điền, quận 2 để nhận gần 4 triệu đồng thù lao.
Năm nay, số tiền được hứa hẹn còn nhiều hơn, nên cô không thể từ chối.
Bởi, gia đình cô ở quê nhà Quảng Ngãi rất nghèo, khoản tiền 5 triệu đồng đủ cho em cô đi học cả một học kỳ. “Em về Tết thì gia đình rất vui vẻ vì được sum họp, nhưng để về đến nhà rồi trở vô lại để đi học sau Tết, thì cha mẹ em phải tốn ít nhất khoảng 3 triệu đồng. Thôi thì, “hy sinh” cái Tết để “tiết kiệm” cho gia đình được… 8 triệu vẫn hơn. Có gì để đến Hè tranh thủ về ít bữa cũng chẳng sao”, cô gượng cười.
Tết Sài Gòn ai cũng kêu… buồn. Vì vắng vẻ quá. Hàng triệu người đổ về quê quán, hoặc đi du lịch xa. Nhiều căn nhà giao hẳn cho… người giúp việc hoặc bảo vệ. Nhưng gia đình mà Trúc làm việc thì ngược lại, rất đông đúc, vì họ đón gần chục người bà con định cư nước ngoài về. Để phục vụ hết chừng đó người, cô phải làm việc luôn chân luôn tay. “Nhưng có nhiều việc để làm cũng đỡ buồn, chứ ngồi không, lại nhớ nhà, lại khóc, thì chán lắm!”, cô tâm sự.
Nhớ những ngày giáp Tết, khi nhiều bạn bè trong trường tất bật chuẩn bị cho hành trình về với gia đình đón Tết, thì Trúc cùng gần 10 người bạn lại ngược xuôi kiếm chỗ làm thêm. “Mấy bạn trai thì nhận làm bảo vệ, phục vụ quán ăn, quán cà phê, còn con gái như em thì hầu hết làm giúp việc. Thật ra, tìm việc ngày Tết không khó, vì nhu cầu lớn, nhưng mình phải lựa chọn chủ nhà nào đàng hoàng, dễ chịu. Chứ ngày Tết mà gặp chủ nhà khó tính, suốt ngày bị nghe mắng chửi, thì có mà xui cả năm”, cô chia sẻ.
Trúc khá may mắn khi có một gia đình ở khu An Phú An Khánh nhận vào làm, được đối xử tử tế. “Bữa đầu mới tới, cô chủ nhà biểu vô ngồi ăn cơm chung với gia đình, em ngại quá cứ lắc đầu từ chối. Cô ấy làm mặt giận, em buộc phải vô ngồi, nhưng chẳng dám ăn uống gì. Đến hôm sau, có mấy người từ nước ngoài về, cô ấy giới thiệu em là “cháu dưới quê lên học”, em mới đỡ ngại. Nhưng dẫu sao, thấy nhà người ta ăn Tết linh đình, nghĩ cảnh nhà mình nghèo nàn mà thấy tủi thân lắm. Chỉ đến khi nhận được điện thoại của mấy đứa bạn cũng đi làm như mình, nghe tụi nó kể đủ thứ chuyện buồn vui, rồi gọi điện cho cha mẹ ngoài quê, nghe mọi người động viên, an ủi, mới cảm thấy nhẹ lòng được phần nào”, Thanh Trúc tâm sự.
Bao gia đình đang tận hưởng niềm vui đoàn tụ sau một năm tha hương làm ăn vất vả |
Tết của những phận đời tha hương
Ở cái “khu nhà giàu” An Phú An Khánh (quận 2) này, cứ đến gần Tết là hầu như nhà nào cũng ơi ới tìm người giúp việc thời vụ. Chỉ có những gia đình thuê được giúp việc người Khmer thì mới “bình chân như vại” (vì dân tộc Khmer ăn Tết vào tháng 4), còn những gia đình khác đều bị “khuyết” chân giúp việc khi công việc ngày Tết luôn vất vả, bận rộn. Thế nhưng, gần nhà Trúc đang làm việc vẫn có một người phụ nữ miền Tây ngày ngày cần mẫn với công việc. Đó là cô Ba – mọi người quen gọi như vậy, vì không biết tên thật của cô là gì. Cô Ba quê Kiên Giang, có con gái lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc), đã từng sang phụ việc cho nhà con gái được 5 năm. Khi trở về thì ông chồng “sinh tật” đã bỏ theo người phụ nữ khác. Buồn chuyện gia đình, cô lên Sài Gòn làm nghề giúp việc, Tết cũng không về quê vì chẳng còn ai thân thích.
Cô Ba cho biết, Tết này con gái và cháu không về. Do đó, cô ở lại làm để “giải khuây”, hơn nữa, vì làm ở đây đã lâu nên nhà chủ cũng coi cô như người trong nhà, dẫu sao cũng có người để chuyện trò, tâm sự. “Sau Tết, gia đình cô chủ nhà đi du lịch xa, tui sẽ vừa làm quản gia, vừa kiêm bảo vệ trong khoảng một tuần. Tôi cũng tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm cho một số gia đình hàng xóm, nên tính từ đầu tới cuối cái Tết, tổng thu nhập của tôi là hơn 10 triệu, để dành đó sang năm qua Đài Loan thăm cháu”, cô chia sẻ.
Ở ngay sát nách khu An Phú An Khánh có một xóm nghèo, với những căn nhà lụp xụp. Vì nằm ở khu “quy hoạch treo” nên không ai xây dựng nhà cửa được, trở thành xóm trọ của những người lao động nhập cư. Ngày Tết, sắc diện của xóm nghèo này tương phản hẳn với sự sang trọng của “khu nhà giàu” gần đó: Ngoài đường chỏng chơ mấy cây mai “lỡ thì” hoa đã bung hết, chỉ còn cành lá xác xơ; trong những phòng trọ chật chội là những chậu cúc mâm xôi vừa được mua vội ở chợ hoa ngoài đường Song hành đêm trước – thứ “đại hạ giá” chỉ 30.000 đồng/chậu.
Vừa sửa soạn mâm cơm cúng cuối năm, chị Nguyễn Thị Thủy, quê Nam Định, vào Sài Gòn dạy học, tâm sự: “Em ở đây cùng 2 người đồng nghiệp cũng quê ngoài Bắc. Chị em cùng cảnh nghèo, phải xa quê vào đây kiếm sống, chiều nay chung nhau làm mâm cơm cúng”.
Chị Thủy cho biết, đồng lương giáo viên “ba cọc ba đồng” không đủ sống, nên phải tranh thủ dạy thêm ngoài giờ. “Vừa dạy vừa sợ, lỡ nhà trường biết thì khổ. Đã vậy, ngày nào cũng 9-10 giờ đêm mới ăn tối, nên sức khỏe giảm sút, đau ốm liên miên. Được nghỉ ngơi mấy ngày Tết, nhưng lại nghĩ đến chuyện nghỉ làm là bị giảm thu nhập, lại không được gặp mặt học sinh, cũng buồn”, chị tâm sự.
Cứ ngỡ, làm những công việc tay chân thì “mồ hôi ráo thì tiền cũng cạn”, nào ngờ có người làm nghề giáo cũng chung cảnh như vậy…
Kế bên phòng trọ chị Thủy là gia đình anh Hùng, quê Phú Yên, làm nghề bán vé số. Anh chị rời quê vào Sài Gòn gần chục năm trước để nuôi 2 đứa con đi học đại học. Đến giờ, cả 2 con đều đã tốt nghiệp, có việc làm. Họ chọn Sài Gòn làm “quê hương thứ hai”, vì nhà cửa ruộng vườn ngoài quê đã bán hết.
“Năm nay việc bán vé số có phần khó khăn hơn, nhưng cô con gái út cũng vừa tốt nghiệp và có việc làm, vậy là gia đình tôi có được một năm thành công”, anh Hùng cười rất tươi, chỉ vô căn phòng đơn sơ, dành làm chỗ tá túc cho gia đình 4 người. Căn phòng như rực sáng với chậu mai lớn đặt ở giữa, cùng những tấm thiệp hồng, những bao lì xì treo xung quanh.
Niềm vui hiếm hoi giữa ngày Xuân, nơi xóm trọ nghèo nàn này mới đáng quý làm sao!…
* Tên nhân vật đã được thay đổi