Chiêu đẩy giá căn hộ khiến người mua nhà tái mặt bị móc túi trăm triệu

Tại TP HCM, căn hộ giá thấp đã bị đẩy giá vượt mức 25 triệu đồng/m2 và trở thành phân khúc trung cấp…

Đây là thực trạng được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra tại báo cáo về tình hình thị trường bất động sản TP HCM quý III/2019.

Theo số liệu từ Hội Mội giới, ở phân khúc căn hộ có hơn 10.700 căn hộ chào bán mới, giao dịch đạt 10.205 căn hộ, tức tỉ lệ hấp thụ đạt xấp xỉ 95%. Đây là tỷ lệ hấp thụ đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Trong đó, căn hộ chung cư giá trung cấp có tỉ lệ hấp thụ cao nhất, hơn 97%.

Chiêu đẩy giá căn hộ khiến người mua nhà tái mặt bị móc túi trăm triệu - Ảnh 1.

Giá bán căn hộ trung cấp tại TP HCM (Nguồn: Hội Môi giới bất động sản Việt Nam).

Về giá bán, căn hộ trung cấp tại TP HCM thời gian qua luôn trong tình trạng leo thang, từ mốc 29,7 triệu đồng/m2 năm 2018 lên đến 33,7 triệu đồng/m2 quý III/ 2019. Riêng trong quý III/2019, giá nhà trung cấp tăng khoảng 5% so với quí II/2019.

Ở phân khúc cao cấp có sự chênh lệch lớn về giá bán. Các dự án tại khu trung tâm có giá bán từ 100 triệu đồng/m2, thậm chí có những dự án lên tới 200-300 triệu đồng/m2. Các dự án tại quận 7, quận 2 có mức giá dao động quanh ngưỡng 60-75 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, căn hộ giá rẻ đang ở trong tình trạng khan hiếm nguồn hàng. Theo đánh giá từ Hội Môi giới, nguyên nhân là do các căn hộ giá thấp đã bị đẩy vượt mức 25 triệu đồng/m2 và trở thành căn hộ trung cấp. " Tại TP HCM, quí III không còn căn hộ giá thấp", báo cáo nêu rõ.

Việc đẩy giá này khiến những người có thu nhập thấp không thể tiếp cận được với phân khúc này. Với tiêu chí đánh giá nhà ở giá bình dân, giá rẻ có giá dưới 25 triệu đồng/m2, các căn hộ giá thấp bị đẩy vượt mức 25 triệu đồng/m2 và trở thành căn hộ trung cấp cũng làm cho người mua nhà bị “móc túi” cả trăm triệu đồng.

Chiêu đẩy giá căn hộ khiến người mua nhà tái mặt bị móc túi trăm triệu - Ảnh 2.

Có hiện tượng căn hộ giá thấp bị đẩy vượt mức 25 triệu đồng/m2 và trở thành căn hộ trung cấp tại TP HCM (Ảnh minh họa).

Thực tế, tại TP HCM hiện nay gần như không có căn hộ nào có giá khoảng 1 tỉ đồng, phải 2 - 3 tỉ đồng trở lên mới mua được căn hộ tầm trung 2 phòng ngủ.

Con số thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng cho thấy cho thấy, hiện căn hộ giá bình dân gần như về con số 0. Năm 2018, thống kê tỉ lệ nhà giá rẻ 400 đến 500 triệu còn 2% nhưng bước sang năm 2019 thì phân khúc này gần như “tuyệt chủng”.

Đánh giá về nguồn cung nhà giá rẻ hiện tại, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nguồn cung nhà ra thị trường sụt giảm, trong đó nhà giá rẻ không có cung ứng ra thị trường. Cung không đủ cầu, mặt bằng giá bị đẩy lên kịch trần, cơ hội tạo lập nhà ở cho người thu nhập thấp ngày càng giảm đi.

Cũng theo vị Chủ tịch HoREA, nguồn cung sụt giảm là do thị trường có nhiều khó khăn, rủi ro. Trong đó, có tình trạng các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp xen cài, khiến cho việc giải quyết thủ tục cấp phép. Cùng với đó là các dự án đang trong diện rà soát. Tại thành phố đang có hơn 150 dự án thuộc diện này.

Từ thực tế trên, HoREA kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Trước mắt, Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.

chọn
Kết luận Thanh tra Chính phủ về các dự án của Trung Thủy, Novaland
Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra các sai phạm tại loạt nhà đất ở TP HCM, Hà Nội, Huế và Nghệ An, trong đó có dự án liên quan đến các chủ đầu tư như Trung Thủy, Novaland...