Chiều nay 22/2, tuyên án vụ tham nhũng tại Vinashinlines

Chiều nay 22/2, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án vụ tham nhũng tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).

Đây là một trong sáu đại án tham nhũng, kinh tế được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương yêu cầu đưa ra sớm xét xử.Trong vụ án, các bị cáo Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinline, Giang Kim Đạt – nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines, Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines bị đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản.

Bố đẻ của Đạt là Giang Văn Hiển (SN 1950, ở Quận 2, TP HCM) bị xét xử về tội rửa tiền.

Trong vụ án này, ba bị cáo bị truy tố tội Tham ô tài sản bị bắt tạm giam, riêng bị cáo Giang Văn Hiển được tại ngoại. Tổng cộng có 8 luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Trước đó, trong phiên xét xử ngày 18/2, công tố viên cũng nhận định: Đây là vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tiền thuộc sở hữu của Nhà nước.... theo VKS cầm phải có mức án nghiêm khắc đối với các bị cáo.

Trong vụ án này bị cáo Liêm giữ vai trò chính. Bị cáo chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng. Giang Kim Đạt giữ vai trò đồng phạm tích cực, chiếm đoạt số tiền gần 250 tỷ đồng. Bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho Vinashinlines.

Bị cáo Khương chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, thực hiện để tiền ngoài sổ sách. Bị cáo thể hiện vai trò tích cực trong tội tham ô tài sản. Bị cáo Giang Văn Hiển nhận thức được việc nhận tiền bất chính của con trai nhưng vẫn thực hiện.

Trên cơ sở đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Trần Văn Liêm chung thân, Giang Kim Đạt tử hình, Trần Văn Khương 20 năm tù về tội Tham ô tài sản; bị cáo Giang Văn Hiển bị đề nghị phạt 8-9 năm tù về tội Rửa tiền.

Bị cáo Giang Kim Đạt được dẫn giải đến tòa ngày 16/2 (Ảnh: Nhật Anh)

Diễn biến 4 ngày xét xử cho thấy, hầu hết các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội. Trong phiên xử ngày 20/2, khi được HĐXX cho phép các bị cáo nói lời sau cùng, Giang Kim Đạt không chối tội, không kêu oan nhưng tha thiết đề nghị HĐXX xem xét thận trọng khách quan. Việc Đạt gửi tiền vào các tài khoản đứng tên bị cáo Hiển do ý thức của bị cáo là cho bố của mình. Bị cáo mong HĐXX xem xét cho bố của bị cáo và ghi nhận những lời bào chữa của các luật sư (LS).

Đạt nói khoảng 260 tỷ đồng bị cáo buộc tham ô không phải là tiền bất chính. Bởi nếu muốn che giấu, anh ta đã không chuyển vào tài khoản của bố để khiến ông này liên lụy mà chuyển vào tài khoản ở nước ngoài. Bị cáo mong HĐXX xem xét lại tội danh Rửa tiền do VKS cáo buộc ông Hiển.

Trong khi đó, bị cáo Giang Văn Hiển (bố của bị cáo Giang Kim Đạt) lại khẳng định số tiền này là của mình. Bị cáo Giang Văn Hiển gửi lời cảm ơn tới HĐXX khi cho mình được ra tòa, đồng thời bị cáo cũng giữ quan điểm cho rằng cả hai bố con không chiếm đoạt tiền của Nhà nước. "Cảm ơn HĐXX đã cho ra tòa, và tòa cũng là nơi lắng nghe. Cuộc đời của gia đình tôi không bao giờ giáo dục con lấy tiền của nhà nước. Tôi từng giáo dục con không lấy một cây kim sợi chỉ của nhân dân".

Đến lượt Trần Văn Liêm, bị cáo này cho rằng lời luận tội của VKS đối với hành vi chủ mưu của mình là oan sai: "Tôi tha thiết cần xin quý tòa anh minh soi xét. Gia đình bị cáo đã nộp số tiền vào tài khoản tạm giữ. Việc liên quan đến nhà đất và xe vẫn giữ nguyên quan điểm của LS bào chữa. Kính mong tòa xem xét để gia đình sớm giải quyết việc nợ gia đình Giang Văn Hiển. Đề nghị xem xét được hưởng sự khoan hồng của pháp luật".

Bị cáo Trần Văn Khương nói lời sau cùng: "Bị cáo xin tòa công tâm phán xét hành vi bị quy kết tham ô là oan cho tôi".

Các LS bào chữa cho các bị cáo đưa ra luận cứ cho rằng, các bị cáo không phạm tội tham ô tài sản. Các bị cáo có dấu hiệu của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trên cơ sở đó các LS đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung và xem xét lại tội danh của các bị cáo.

Theo cáo trạng, năm 2006, Vinashinlines được thành lập theo quyết định của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Ngày 18/4/2006, Trần Văn Liêm được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Vinashinlines, Trần Văn Khương là Kế toán trưởng. Một tháng sau khi lên chức, Liêm quyết định tiếp nhận Giang Kim Đạt vào công tác tại Phòng Khai thác 2.

Thời gian rất ngắn sau, Đạt được giao chức Quyền Trưởng phòng Kinh doanh và Quan hệ quốc tế, sau đó là Quyền Trưởng phòng Kinh doanh. Nhưng công tác được 1 năm, Đạt bị Vinashinlines chấm dứt hợp đồng lao động.

Đến năm 2008, Trần Văn Liêm gọi Giang Kim Đạt quay lại làm việc với vị trí cố vấn cao cấp cho Tổng giám đốc. Không lâu sau, Đạt được bổ nhiệm vị trí Quyền Trưởng phòng Kinh doanh.

Khi nắm được các chức vụ quan trọng, các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Vinashinlines đã lợi dụng quá trình thực hiện dự án mua và khai thác, cho thuê tàu biển để thỏa thuận với đối tác lấy tiền hoa hồng.

Trong vòng 2 năm, từ tháng 5/2006 - tháng 6/2008, Giang Kim Đạt -Trần Văn Liêm đã bòn rút của Vinashinlines gần 260 tỷ đồng rồi che dấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền trên.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển trực tiếp đứng tên mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng trong nước là Eximbank, ACB, Vietcombank, Sacombank nhận và rút tiền “hoa hồng”.

Mỗi lần thông báo có tiền, Đạt chủ động cân đối và cung cấp số tài khoản của Hiển cho các công ty nước ngoài chuyển về. Tổng cộng, các công ty nước ngoài có 92 lần chuyển tiền vào tài khoản của Hiển với số tiền 259,5 tỷ đồng.

Ngoài số tiền trên, nhiều lần các công ty bán tàu chuyển số tiền hơn 1,3 triệu USD vào tài khoản Giang Văn Hiển và số tiền 1 triệu USD vào tài khoản đứng tên Nguyễn Thị Ngân (mẹ đẻ Đạt).

Kết quả điều tra không xác định được nguồn tiền này có liên quan đến việc mua tàu, khai thác, kinh doanh cho thuê tàu của Vinashinlines nên cơ quan điều tra không có căn cứ kết luận.

Ngoài ra, bị cáo Liêm vào tháng 8/2012 đã bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt 19 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện các tàu do Giang Kim Đạt tư vấn mua (gồm New Phoenix; Daimond Way; Hoàng Sơn 28; VNS Summer (Vinashin 5); Sea Eagle; Green Sea và Vinashin Tiger...) đều đã được bán để trả nợ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.