Chính phủ được tự quyết nhà đầu tư làm sân bay Long Thành

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ không quyết định nhà đầu tư nào làm sân bay Long Thành mà theo Luật, thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Tại kì họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành, trong đó đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, thực hiện dự án.

Chính phủ cho rằng "Quốc hội thông qua sẽ đảm bảo tính minh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian thực hiện dự án". Tuy nhiên, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoàn thành, cơ quan này cho rằng, Luật Đấu thầu quy định rõ việc chọn lựa thuộc thẩm quyền Chính phủ và Thủ tướng.

Ngoài ra, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, nên dự thảo Nghị quyết của Quốc hội chỉ nêu các nguyên tắc về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm quản lí Nhà nước về hàng không dân dụng và giao Chính phủ, Thủ tướng chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lí, vận hành cảng hàng không.

Chính phủ được tự quyết nhà đầu tư làm sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Phối cảnh sân bay Long Thành. (Ảnh: Bộ Giao thông Vận tải).

Ngoài ra, cơ quan thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu dự án này phải sử dụng vốn nhà đầu tư, không bảo lãnh Chính phủ.

Trước đó, nhiều đại biểu Quốc hội nghi ngờ về năng lực của ACV. Giải trình sau đó, Chính phủ thuyết phục các đại biểu Quốc hội, rằng ACV là doanh nghiệp với hơn 95% vốn sở hữu Nhà nước, việc Nhà nước giao doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia chưa được pháp luật quy định rõ.

Ngoài việc chọn nhà đầu tư, Quốc hội cũng giao Chính phủ quyết định tổng mức đầu tư dự án theo quy định Luật: Đầu tư công, xây dựng, quản lí, sử dụng tài sản công... Các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổng mức đầu tư dự án không vượt mức đã được Quốc hội khoá XIII phê duyệt, là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD).

Trước nhiều ý kiến của đại biểu băn khoăn về tính khả thi hoàn thành giai đoạn 1 dự án vào năm 2025, Uỷ ban Thường vụ nhận thấy, tiến độ triển khai giải phóng mặt bằng, bồi thường "còn chậm, tiến độ bàn giao đất vào cuối năm 2020 là thách thức không nhỏ". 

Cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt bảo đảm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công, bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết Quốc hội.

Theo chương trình, chiều 26/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng (tương đương 16 tỉ USD). Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục.

Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lí nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lí nhà nước thuê lại.

Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lí bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.


chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.