Yêu 5 do Rhymastic sáng tác và thể hiện là một trong những ca khúc đình đám năm qua. Ca khúc đạt 209 triệu lượt nghe trên Zing MP3 và giúp chủ nhân trở thành một trong những ca sĩ underground góp mặt ở nhiều hạng mục của Zing Music Award 2017 nhất.
Anh xuất hiện trong 6 giải thưởng, bao gồm 3 hạng mục quan trọng là Nghệ sĩ của năm, Nhạc sĩ của năm, Ca khúc của năm.
Chia sẻ về bí quyết tạo nên một sản phẩm thành công, Rhymastic khẳng định không làm nhạc vì sự nổi tiếng. Thay vào đó, mỗi khi sản xuất một ca khúc, anh quan tâm tới chất lượng, chiều sâu với hy vọng nó mang tầm cỡ quốc tế.
- Anh nghĩ yếu tố gì giúp bản thân lọt danh sách đề cử ở 6 hạng mục của Zing Music Awards 2017?
- Thực sự tôi rất bất ngờ. Từ trước đến giờ luôn đứng sau các ca sĩ chứ chưa bao giờ được đề cử. Lần này, khi biết thông tin, tôi rất vui và háo hức khi xuất hiện trong các hạng mục quan trọng.
Hiện tại, thị trường âm nhạc Việt Nam đã đi được một quãng đường rất xa và trở nên chuyên nghiệp hơn. Riêng với ca khúc Yêu 5, tôi nghĩ nó đáp ứng tương đối đầy đủ các tiêu chí đặt ra trên thị trường âm nhạc về cả chất lượng và các yếu tố khác. Đó có lẽ là lý do sản phẩm được hội đồng nghệ thuật đánh giá tốt.
- Nhà sản xuất đóng vai trò quan trọng nhưng thường đứng sau thành công của ca sĩ, anh có chạnh lòng vì điều đó?
- Thực ra là không bởi tôi cũng quen với vai trò sản xuất. Dù đứng đằng sau nhưng từ trước đến giờ, tôi có nhiều sản phẩm ra mắt công chúng và được đón nhận nhiệt tình, chỉ có điều, nó không được hot như Yêu 5.
Hơn nữa, vai trò của nhạc sĩ, nhà sản xuất thực ra vẫn được biết đến, chỉ là không rầm rộ như ca sĩ. Tôi nghĩ, theo thời gian, khán giả họ sẽ càng ngày càng biết tới vai trò của nhà sản xuất hơn. Nhất là gần đây, rất nhiều nhà sản xuất tự sáng tác và thể hiện các sản phẩm của mình.
- Zing Music Awards năm nay bổ sung hạng mục Nhạc sĩ của năm. Đây có phải cột mốc quan trọng để vai trò của nhà sản xuất được công chúng biết tới nhiều hơn?
- Đây là bước đi tất yếu bởi trong mỗi sản phẩm đều có công lao của rất nhiều người, và vai trò quan trọng nhất thuộc về nhạc sĩ. Từ trước đến giờ có thể không có nhưng sớm muộn điều đó cũng xảy ra.
Đây sẽ là cơ hội để ngày càng nhiều nhạc sĩ được công nhận và công chúng quan tâm hơn. Giải thưởng tạo động lực để những người luôn đứng đằng sau tự tin thể hiện tác phẩm một cách tốt nhất.
- Cuộc sống và công việc của anh thay đổi như thế nào sau thành công của ca khúc "Yêu 5"?
- Từ trước đến giờ, tôi chủ yếu diễn ở các đêm nhạc underground hoặc diễn cùng nhóm các anh em thân thiết. Sau thành công của ca khúc, tôi nhận được nhiều lời mời đi diễn ở những sân khấu dành cho ca sĩ chính thống. Đó là thay đổi lớn nhất trong thời gian gần đây.
- Đi diễn nhiều đồng nghĩa thu nhập sẽ tăng lên. Đứng trước cám dỗ của sự nổi tiếng, cát-xê cao, anh làm thế nào để cân bằng giữa việc chạy show và sản xuất âm nhạc?
- Trong thời gian đầu làm nhạc, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, khi đã có đủ nền tảng kinh tế vững chắc để nuôi dưỡng con đường làm nhà sản xuất thì mọi thứ trở nên dễ dàng và chủ động hơn.
Thực ra, làm nhà sản xuất và hoạt động theo hình thức underground không hề nghèo. Tuy nhiên, không thể kiếm nhiều tiền như ca sĩ thị trường. Do đó, có những trường hợp vì kinh tế mà đánh đổi những yêu cầu khắt khe của giới underground.
Cá nhân tôi quan niệm rằng nên hoạt động ở mức vừa phải để vừa đủ trang trải cho cuộc sống, niềm đam mê âm nhạc mà vẫn đảm bảo những yêu cầu do chính mình đặt ra.
Tôi sẽ chọn lọc cẩn thận, chẳng hạn khi cần tập trung sản xuất một sản phẩm, tôi sẽ hạn chế nhận lời mời biểu diễn. Thực ra, tôi đã xác định ngay từ đầu chuyên môn chính của bản thân là nhạc sĩ chứ không phải ca sĩ.
Do đó, nếu nhận lời mời đi diễn quá nhiều tôi sẽ không có thời gian làm nhạc. Tức ở vai trò nhà sản xuất, tôi đã bị đứng yên một chỗ, đó là điều tôi không mong muốn.
- Dù vậy, khi nhìn vào những ca sĩ có cùng xuất phát điểm nghệ sĩ underground như Soobin Hoàng Sơn, Sơn Tùng M-TP lại đang trở thành gương mặt nổi tiếng của âm nhạc đại chúng, đã khi nào anh muốn đánh đổi?
- Chưa bao giờ tôi muốn như thế bởi mỗi người có con đường âm nhạc riêng. Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn đều là những người nghe nhạc và rất tôn trọng màu sắc âm nhạc của tôi. Bởi vậy, không có lý do gì tôi phải thay đổi bản thân để đi theo con đường mà mình không mong muốn.
Thứ hai, Sơn Tùng, Soobin Hoàng Sơn theo con đường ca sĩ, còn tôi thỉnh thoảng mới thử sức cho vui và thử thách bản thân. Ca sĩ chỉ là một phần rất nhỏ trong tôi, bên cạnh việc sản xuất âm nhạc và rapper. Rap mới chính là con đường tôi muốn đi sâu nhất.
Phần lớn khán giả của tôi đều biết đến Rhymastic qua vai trò rapper, họ yêu mến tôi vì điều đó. Đó cũng là điều tôi muốn giữ gìn thay vì nhắm tới đối tượng khán giả khác, lạ lẫm, chỉ biết đến tôi qua Yêu 5. Lượng khán giả đó không đáng kể.
- Tham gia chương trình Sao đại chiến nhưng có ý kiến đánh giá các tiết mục của đội anh không nổi bật và bứt phá. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
- Khi đến với âm nhạc, tôi không làm các sản phẩm để được nổi tiếng. Bất cứ sản phẩm nào làm ra, tôi đều hướng đến chiều sâu với hy vọng nó đủ chất lượng, mang tầm cỡ quốc tế và đảm bảo những người có chuyên môn cao trong âm nhạc khi nhìn vào sẽ thấy được nét đặc biệt của mỗi ca khúc, tiết mục.
Chính vì thế, việc mỗi sản phẩm khi ra mắt có được công chúng đón nhận hay không chỉ là yếu tố phụ.
Về Sao đại chiến, tôi nghĩ do bản thân cũng hiền lành, không hay tranh cãi, lớn tiếng, do đó sản phẩm của đội tôi không đạt hiệu ứng truyền thông. Chứ về chất lượng, đánh giá của các nhà sản xuất đã cho thấy sản phẩm của chúng tôi như thế nào.
- Với anh, những sản phẩm vừa phát hành, đặc biệt là "Yêu 5" đã đủ tầm cỡ quốc tế như anh kỳ vọng?
- Tôi nghĩ, nó đã đạt ngang tầm quốc tế, bởi rất nhiều sản phẩm khi mang ra biểu diễn ở nước ngoài thì được khán giả đón nhận.
- Sao đại chiến ngay từ những tập đầu đã gây tranh cãi. Khán giả cho rằng đây là chiêu trò của chương trình và làm mất đi giá trị âm nhạc. Anh quan điểm như thế nào về điều này?
- Khi tham gia chương trình, tôi rất vui vẻ, thoải mái. Các anh em cũng trao đổi với nhau rất vui vẻ, công bằng, qua đó, chúng tôi học hỏi được nhiều điều từ nhau. Tuy nhiên, có lẽ, khi lên sóng, do không đủ thời lượng để phát hết các tình tiết nên chương trình bị biên tập, cắt bớt dẫn đến hiểu lầm, tranh cãi.
Hơn nữa, tôi nghĩ một phần cũng do khán giả muốn nghiêng vào yếu tố nào. Một chương trình dài khoảng 1 tiếng 30 phút, trong đó có nhiều chia sẻ, phân tích chuyên môn và cả tranh cãi ngoài luồng. Và, muốn tập trung tai nghe, mắt nhìn vào đâu hoàn toàn phụ thuộc vào khán giả.
Trên mạng xã hội hiện nay, mọi người thường thích nhìn vào scandal hay tranh cãi ngoài lề hơn vấn đề chuyên môn.
- Như anh nói, đội anh không gây nhiều chú ý bởi ít tranh cãi. Thực tế, lùm xùm của Sao đại chiến không chỉ làm lu mờ giá trị âm nhạc mà cả các đội thi, trong đó có team anh. Điều đó có khiến anh cảm thấy thiệt thòi?
- Tôi cảm thấy rất thoải mái. Chương trình sinh ra việc tranh cãi để làm nổi bật và lu mờ các sản phẩm của nhau, qua đó, các đội sẽ rút ra bài học cho riêng mình.
Các nhà sản xuất sẽ ngồi phân tích cho khán giả nghe và điều đó không thể làm lu mờ tác phẩm được. Mỗi màn biểu diễn sẽ luôn tồn tại giá trị riêng và lu mờ hay không tùy thuộc vào cách nhìn của mỗi người.
- Không riêng Miu Lê, đội của anh cũng nhận nhiều đánh giá trái chiều từ Dương Cầm. Chẳng hạn trong tập 3, Dương Cầm chê tiết mục của đội anh còn nhạt, chưa thực sự nổi bật. Khi nghe những bình luận đó, anh cảm thấy thế nào?
- Thật ra cũng đúng, ví dụ tập 3, tiết mục đó không phải do tôi thực hiện mà phụ thuộc hoàn toàn vào Hoàng Tôn. Ý đồ trong tập đó của tôi là giao toàn quyền cho người đồng đội của mình, tôi chỉ giúp dàn dựng ban nhạc.
Đó thực sự là sản phẩm chưa được đầu tư chỉn chu nên việc anh Dương Cầm nêu ý kiến như vậy hoàn toàn hợp lý. Ở các vòng thi khác, tôi đều nhận được lời khen ngợi và đánh giá cao.
- Khi Miu Lê, team vướng tranh cãi nhiều nhất dừng cuộc chơi, nhiều khán giả cho rằng chương trình sẽ giảm dần sức hút. Anh có đồng tình với quan điểm này?
- Tôi không nghĩ như vậy bởi mỗi đội tham gia chương trình đều có tên tuổi nhất định. Không chỉ đội Miu Lê mà các đội khác cũng có những màu sắc riêng. Chương trình không chỉ phục vụ khán giả thị trường mà còn nhiều đối tượng, tầng lớp khác.