Chủ tịch Hà Nội cam kết ga ngầm C9 đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích hồ Hoàn Kiếm

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cam kết với Thủ tướng việc làm ga ngầm C9 đường sắt đô thị số 2 đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích bên hồ Hoàn Kiếm, trong đó có Tháp Bút, đền Bà Kiệu...

Trong báo cáo gửi Thủ tướng về đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo), UBND TP Hà Nội cho biết, hiện các hạng mục đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng. Nhưng riêng ga ngầm C9 chưa được phê duyệt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thống nhất nội dung liên quan đến khu vực bảo vệ hai của di tích hồ Hoàn Kiếm.

Đỉnh hầm cách mặt đất 12,3 m

UBND TP Hà Nội cho biết, thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm, không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Chủ tịch Hà Nội cam kết ga ngầm C9 đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích hồ Hoàn Kiếm - Ảnh 1.

Hà Nội cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối di tích bên cạnh hồ Hoàn Kiếm khi làm ga C9

Theo thiết kế, tuyến hầm sẽ đi bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân Tháp 1 m, đỉnh hầm cách mặt đất 12,3 m, đáy hầm cách mặt đất 18,8 m. Tuyến hầm hoàn toàn không xâm phạm vùng bảo vệ 1, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích, TP Hà Nội lựa chọn phương án thi công tuyến hầm bằng máy khiên đào TBM cân bằng áp lực đất, triệt tiêu toàn bộ rung lắc, độ lún bề mặt rất nhỏ khoảng 8,8 mm. Theo TP Hà Nội, tại vị trí Tháp Bút khả năng lún bề mặt còn thấp hơn, không ảnh hưởng đến an toàn của tháp.

TP Hà Nội sẽ yêu cầu nhà thầu thi công cam kết đảm bảo an toàn cho Tháp Bút và phải áp dụng các biện pháp quan trắc, gia cố đặc biệt. Kết cấu vỏ hầm bê tông cốt thép dầy 0,3 m, chống thấm, chịu lực cường độ cao sẽ không gây ra biến động, thay đổi cấu trúc địa chất, đảm bảo an toàn của các công trình trong khi vận hành, khai thác.

Với ga ngầm C9, TP Hà Nội đưa ra giải pháp thi công bằng phương pháp đào từ trên xuống, kết hợp tường vây chống thấm nước (tường bê tông cốt thép dầy 1,2m). Quá trình thi công ga sẽ không có sự giảm sút mực nước ngầm để không ảnh hưởng đến hồ Hoàn Kiếm.

Vùng ảnh hưởng lún khi thi công ga C9 giới hạn trong khoảng 34 m với độ lún, độ nghiêng bề mặt rất nhỏ nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép không ảnh hưởng đến các công trình di tích hồ Hoàn Kiếm.

Đối với các công trình quan trọng như Tháp Bút, đền Bà Kiệu,... đơn vị tư vấn chung đã đưa ra các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo ổn định tuyệt đối cho kết cấu. Cụ thể, Hà Nội cho lắp đặt các thiết bị quan trắc sụt lún đất nền. Trong trường hợp nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, các biện pháp ứng phó sẽ được nhanh chóng áp dụng…

Với những giải pháp kể trên, UBND TP Hà Nội cam kết đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử; bảo toàn giá trị vật thể, cảnh quan, môi trường của phố cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn.

Dự án kéo dài sẽ tăng tổng mức đầu tư

Báo cáo gửi Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn đưa ra những tác động tiêu cực nên chậm triển khai dự án. TP Hà Nội cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đến nay đã kéo dài gần 11 năm, chủ yếu do vướng mắc liên quan đến quy hoạch của ga ngầm C9.

Chủ tịch Hà Nội cam kết ga ngầm C9 đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích hồ Hoàn Kiếm - Ảnh 2.

Phối cảnh ga ngầm C9 bên cạnh hồ Hoàn Kiếm

Tác động tiêu cực cụ thể dự án càng kéo dài là việc tăng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án do các yếu tố trượt giá, chi phí nhân công, vật tư, máy móc thay đổi, tăng chi phí lãi vay, vốn đối ứng của TP Hà Nội sử dụng không hiệu quả... Điều đó dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến Hiệp định vay ODA và cam kết vốn của nhà tài trợ.

“Nếu thay đổi vị trí ga, tuyến so với đề xuất sẽ phải điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt dẫn đến nguy cơ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện và dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực liên quan”, UBND TP Hà Nội lo ngại.

Theo UBND TP Hà Nội, việc phê duyệt kéo dài, chậm triển khai thi công và đưa vào khai thác sẽ không giải quyết được bài toán ách tắc giao thông đang là vấn nạn hiện nay của Thủ đô. Ngoài ra, việc dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước, quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản và uy tín của nhà tài trợ.

Vì vậy, TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng chấp thuận nội dung báo cáo và thống nhất về vị trí, quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

UBND TP Hà Nội cam kết với Thủ tướng Chính phủ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thuộc di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm khi thi công ga C9.

Ngày 12/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP Hà Nội và các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Theo đó, TP Hà Nội được giao phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất phương án thiết kế, thi công nhà ga C9 đảm bảo đúng quy định pháp luật về di sản văn hoá.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp có ý kiến chính thức bằng văn bản về phương án xây dựng nhà ga hồ Hoàn Kiếm do TP Hà Nội đề xuất để sớm hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.