Dự án đường sắt đô thị kéo dài 11 năm: Tất cả hạng mục được phê duyệt trừ ga ngầm C9

Dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã kéo dài 11 năm. Tất cả các hạng mục tuyến, depot và các ga đã được phê duyệt qui hoạch tổng mặt bằng trừ ga ngầm C9.

IMG_3066

UBND TP Hà Nội cho biết khi xây dựng ga ngầm C9, người dân sẽ được sử dụng phương tiện công cộng, giảm áp lực phương tiện cá nhân khi đến phố đi bộ. (Ảnh: Di Linh).

Ga ngầm giảm áp lực phương tiện cá nhân quanh hồ Hoàn Kiếm

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình nghiên cứu, thiết kế qui hoạch tổng mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Cụ thể, báo cáo nêu rõ việc phương án tổng mặt bằng ga ngầm C9 đề xuất phê duyệt nằm ở vị trí rộng nhất của bờ Hồ Hoàn Kiếm.

Khoảng cách từ kết cấu gần nhất đến hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, khoảng cách đến Tháp Bút và các công trình khác đủ xa (ga C9 cách Tháp Bút khoảng 36m; tuyến hầm cách Tháp Bút 8,2m, cách gò đá chân Tháp 1m).

UBND TP Hà Nội cũng khẳng định phương án tổng mặt bằng, vị trí ga C9 và hướng tuyến hầm đường sắt đô thị đề xuất nêu trên là phương án tối ưu.

Theo UBND TP Hà Nội, trung bình ban ngày có khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối khoảng 15.000 - 20.000 người, ngày cuối tuần và những thời điểm có sự kiện lớn có trên 30.000 khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, tham gia các hoạt động của phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.

"Hiện tại chưa có phương tiện ngầm, người dân, du khách đến khu vực bằng cách đi bộ, xe buýt, các phương tiện cá nhân như taxi, xe máy, ô tô... thường xuyên gây ô nhiễm, lộn xộn, ùn tắc giao thông và tạo áp lực lớn về các điểm đỗ xe khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và lân cận", văn bản của Hà Nội nêu.

UBND TP Hà Nội cho biết khi xây dựng ga ngầm C9, người dân sẽ được sử dụng phương tiện công cộng có khả năng vận chuyển khối lượng lớn thay thế các phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch góp phần giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, cải thiện môi trường.

"Đối với khách nước ngoài việc gắn khu di tích (hồ Hoàn Kiếm) vào bản đồ của một tuyến đường sắt đô thị chạy thông suốt từ sân bay quốc tế Nội Bài sẽ luôn luôn là một sự quảng bá cần thiết, thông dụng tương tự như các khu di tích, di sản nổi tiếng của thế giới", Hà Nội cho biết.

IMG_9472

Du khách đến hồ Gươm thuận tiện hơn khi có đường sắt đô thị. (Ảnh: Di Linh).

Dự án kéo dài 11 năm từ khi phê duyệt

Theo tìm hiểu, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Dự án) là giai đoạn 1 của tuyến đường sắt đô thị số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình.

Tuyến đường sắt này đóng vai trò kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm thành phố và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, được UBND TP Hà Nội phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13/11/2008; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và điều chỉnh Dự án tại công văn số 108/TTg-KTN ngày 12/12/2016. Tính đến nay, dự án đã kéo dài gần 11 năm.

Tuyến đường sắt đô thị có chiều dài 11,5 km trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm, có 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến CIO.

"Hiện tất cả các hạng mục tuyến, depot và các ga đã được phê duyệt qui hoạch tổng mặt bằng", Hà Nội cho biết

Riêng tổng mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh bờ hồ phía trước Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội) chưa được phê duyệt.

Nguyên nhân là do chưa nhận được sự thống nhất của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về nội dung liên quan đến khu vực bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm theo qui định của Luật Di sản Văn hóa.

Hà Nội cũng cho biết việc phê duyệt tổng mặt bằng ga C9 kéo dài dẫn tới thời gian thực hiện dự án kéo dài.

Điều này dẫn tới việc tăng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án do nhiều yếu tố thay đổi bởi thời gian như trượt giá, nhân công, vật tư, lãi vay...

Bên cạnh đó, việc phê duyệt kéo dài, chậm triển khai thi công và đưa vào khai thác sẽ không giải quyết được bài toán ách tắc giao thông ở Thủ đô.

chọn
Giá chung cư Hà Nội tăng 26% sau một năm
Thị trường căn hộ Hà Nội trong quý III tiếp tục ghi nhận nguồn cung lớn. Mặt bằng giá bán chung cư Hà Nội tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng ở cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp, đồng loạt tăng 26% so với cùng kỳ. Các dự án ở khu Đông và khu Tây có tỷ lệ bán ghi nhận trên 90% ngay trong quý đầu mở bán...