“Mục đích xây dựng đặc khu là phải được cái gì đó, bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng, chứ không thể nói 10 năm tới đặc khu không được gì.” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp ngày 16/4 |
Hôm nay (16/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, về ưu đãi đối với dự án xây dựng và kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino, trong dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, tại cả ba đặc khu đều xác định xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển, cần thu hút đầu tư.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là các dự án đầu tư phức hợp đa chức năng với vốn đầu tư lớn (tối thiểu là 44.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho dịch vụ kinh doanh casino chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ). Do vậy, việc quy định dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất như các dự án khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển là cần thiết để thu hút đầu tư và bảo đảm cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất cao, có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, do đó, chính sách ưu đãi cũng cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách nhà nước trong dài hạn.
Tại phiên họp, các nội dung liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu; văn phòng giúp việc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đặc khu; cơ chế chính sách liên quan đến đất đai; chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư ở đặc khu… cũng được Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, mục tiêu chính của ba đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực. Do vậy phải thảo luận kỹ lưỡng về khía cạnh tài chính, ngân sách. Qua đó thấy được ba đặc khu này sẽ mang lợi ích gì cho đất nước và chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì, thu lại được gì. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vấn đề kinh tế của ba đặc khu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ ngân sách đầu tư vào đặc khu cụ thể là bao nhiêu để đảm bảo tính khả thi. Đồng thời đề nghị, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cần rà soát lại để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước.
“Vấn đề thu hút đầu tư không có nghĩa là Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn, giảm thuế. Mục đích xây dựng đặc khu là phải được cái gì đó, bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng, chứ không thể nói 10 năm tới đặc khu không được gì" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ trương là ban hành luật này theo nguyên tắc quyết tâm triển khai thực hiện và làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đây là luật khó với nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, đột phá. Các quy định trong luật này có thể khác luật khác nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp và chủ trương của Đảng.
Phát biểu kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đây là dự án Luật khó, phức tạp, có nhiều nội dung nhạy cảm, được cử tri quan tâm. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tên gọi của dự án Luật là Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; thống nhất, chính quyền đặc khu gồm có Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đặc khu và Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu với bộ máy gọn nhẹ, chức năng nhiệm vụ cụ thể. Phân cấp, phân quyền rõ cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đặc khu, nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí không tổ chức cấp phường, xã ở 3 đặc khu này mà chỉ tổ chức Trưởng khu hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu bổ nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất, cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bảo đảm tính khả thi, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế…
Trên cơ sở thảo luận tại Phiên họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự tại Kỳ họp thứ Năm.
Vốn chảy mạnh vào thị trường bất động sản
Theo báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất động sản là ngành có số ... |
Dự án có "vấn đề", doanh nghiệp vẫn lĩnh giải thưởng quốc gia
Một số dự án và chủ đầu tư từng dính tai tiếng khi chủ đầu tư xây sai thiết kế, công trình nhanh xuống cấp, ... |