UBND TP HCM dự kiến trình HĐND TP thông qua Tờ trình về việc kiến nghị Trung ương điều chỉnh lại tỉ lệ điều tiết ngân sách được hưởng tại kì họp HĐND thứ 17, khóa IX.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, kinh tế TP tiếp tục duy trì tăng trưởng khá, duy trì vị trí đầu tàu của nền kinh tế cả nước. Năm 2019, TP HCM thu ngân sách ước đạt hơn 412.000 tỉ đồng, tăng 3,34% so với chỉ tiêu và tăng 9% so với kế hoạch thu năm 2018. Kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào sản xuất. Bình quân mỗi ngày sản xuất TP thu ngân sách hơn 1.600 tỉ đồng.
Bên lề kì họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tỉ lệ ngân sách hiện nay được Trung ương điều tiết cho TP là 18%. Điều này khiến TP HCM trở thành thành phố có tỉ lệ ngân sách được giữ lại thấp nhất thế giới.
Kì họp HĐND TP HCM lần thứ 17. (Ảnh: Bách Hợp).
"Theo khảo sát, tỉ lệ trên thế giới mà một TP được giữ lại thấp nhất là 30%, đó là một TP của Nhật Bản, tỉ lệ cao nhất là 60% thuộc một TP của Na Uy. Việc giữ lại tỉ lệ ngân sách thấp khiến TP HCM gặp khó khăn cho đầu tư phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, hiện tại muốn quay về mức 33% của năm 2003 thì cần có lộ trình", ông Nguyễn Thành Phong nêu.
Lí giải việc 33% ngân sách của năm 2003 và của thời điểm hiện tại hoàn toàn khác nhau, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng do quy mô nền kinh tế của TP HCM đã phát triển mạnh hơn. Việc được tăng phần tỉ lệ ngân sách giữ lại sẽ giúp TP HCM có thêm điều kiện đầu tư, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Trung ương hàng năm.
"Dự kiến cuối năm nay, TP HCM sẽ hoàn thiện đề án xin giữ lại 33% ngân sách và trình các cơ quan Trung ương", ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết.
Tại kì họp lần này, UBND TP HCM đã có Tờ trình 7502 về việc vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên của TP HCM đang gặp nhiều khó khăn về vốn. (Ảnh: tư liệu)
Theo tờ trình, để bảo đảm mức dư nợ giai đoạn 2024-2015 của TP HCM trong hạn mức cho phép đủ điều kiện triển khai dự án này, UBND TP đã đề xuất 3 phương án. Trong đó có phương án kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ điều tiết thu ngân sách TP HCM được hưởng theo phân cấp giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, tỉ lệ điều tiết là 18% (Quốc hội đã quyết định). Giai đoạn 2021-2025: tỉ lệ điều tiết là 24% (tăng 6% trong 5 năm). Giai đoạn 2026-2030: tỉ lệ điều tiết là 33% (tăng 9% trong 5 năm), bằng mức điều tiết của năm 2003.
Trước đó, ngày 26/11, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP triển khai xây dựng đề cương chi tiết đề xuất tiến độ tăng tỉ lệ để lại tổng ngân sách cho TP từ 18% lên 33% theo lộ trình cụ thể trong vòng 10 năm.
Theo đề xuất, TP HCM kiến nghị các cơ quan Trung ương giữ lại tỉ lệ 18% tổng thu ngân sách giai đoạn 2018-2020. Giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ điều tiết là 24%, tăng 6% so với mức hiện nay. Giai đoạn 2026-2030, tỉ lệ điều tiết là 33%, tăng 9% trong 5 năm và bằng mức điều tiết so với năm 2003.
Song, tại các buổi tiếp xúc trước đó, cử tri TP HCM cho rằng tỉ lệ giữ lại 18% hiện nay là quá thấp. Tỉ lệ thấp như vậy thì TP sẽ gặp khó khăn trong việc chăm lo cho đời sống người dân cũng như đầu tư phát triển.