Chủ tịch UBND TP HCM chính thức lên tiếng về tỉ lệ điều tiết ngân sách

"Mặc dù số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP tăng cao qua các năm và chiếm tỉ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỉ lệ điều tiết chỉ chiếm tỉ trọng hơn 4% tổng chi cả nước" – Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trăn trở.

Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại họp thứ 17 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm 2016-2021 vào sáng 9/12, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có bài phát biểu trước nghị trường về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội năm 2019.

Tỉ lệ ngân sách để lại cho TP thấp nhất

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch UBND TP đã dành thời gian chính thức nói về việc xây dựng đề án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm (%) các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Chủ tịch UBND TP cho rằng việc đề xuất này rất quan trọng. Bởi TP HCM là địa phương tự đảm bảo cân đối ngân sách và tỉ lệ số thu nộp về ngân sách Trung ương cao nhất trong 63 tỉnh, thành.

Chủ tịch UBND TP HCM chính thức lên tiếng về tỉ lệ điều tiết ngân sách - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại họp thứ 17 HĐND TP khóa IX. (Ảnh: Hoàng Triều).

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP, số thu ngân sách thực tế TP được hưởng ngày càng giảm do tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP có xu hướng giảm qua từng thời ổn định ngân sách: năm 2003 tỉ lệ điều tiết là 33% và đến thời ổn định ngân sách 2017-2020 tỉ lệ điều tiết của TP chỉ còn được hưởng 18%. "Đây là thời ổn định ngân sách có tỉ lệ điều tiết giảm mạnh so với các giai đoạn trước (5%)" – ông Nguyễn Thành Phong nói.

Do đó, mặc dù số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP tăng cao qua các năm và chiếm tỉ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, nhưng ngân sách TP được hưởng không tăng tương ứng. Tổng chi ngân sách địa phương được hưởng theo tỉ lệ điều tiết chỉ chiếm tỉ trọng hơn 4% tổng chi cả nước.

Qua nghiên cứu sự phát triển của nhiều quốc gia và các TP lớn trên thế giới, tỉ lệ ngân sách được giữ lại của các địa phương trên 10 triệu dân bình quân là 46,43%, thấp nhất là 33,09%.

"Vì vậy, TP đề nghị nghiên cứu tỉ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương của TP cũng như các tỉnh, thành phố khác; trong đó tăng tỉ lệ điều tiết đối với TP từng bước trong 10 năm 2020 – 2030 từ 18% lên 33% nhằm đảm bảo TP có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và tiếp tục đóng góp lớn nhất cho cả nước" – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói.

Cử tri, đại biểu đồng hành cùng chính quyền TP

Ngoài câu chuyện ngân sách, Chủ tịch UBND TP đã cung cấp cho đại biểu cái nhìn toàn diện về nền kinh tế, vấn đề văn hóa – xã hội của TP, những thành tựu đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế.

Theo Chủ tịch UBND TP, việc thực hiện chủ đề "Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội" đạt nhiều kết quả tích cực.

Việc thực hiện Nghị quyết 54 tiếp tục được tập trung, với đề án ủy quyền, các sở - ngành, quận - huyện đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nội dung được ủy quyền bằng nhiều giải pháp có hiệu quả, phát huy vai trò của thủ trưởng các cơ quan và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; rút ngắn thời gian xử lý giải quyết hồ sơ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Việc triển khai thực hiện chi thu nhập tăng thêm góp phần động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng suất phục vụ và hiệu quả công việc; tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha được đẩy nhanh hơn khá nhiều.

Đánh giá tổng quan nền kinh tế - xã hội TP, Chủ tịch UBND TP đã đạt nhiều kết quả khả quan. Hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá so với năm 2018. Tổng sản phẩm (GRDP) đạt hơn 1,34 triệu tỉ đồng, ước tăng 8,32% (cùng tăng 8,3%). Kinh tế tăng trưởng là cơ sở để hoạt động thu ngân sách TP đạt hiệu quả, năm 2019, thu đạt 412.474 tỉ đồng,tăng 3,34% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 và tăng khoảng 9% so với thực thu năm 2018; bình quân thu 1.620 tỉ đồng/ngàylàm việc.

Theo Chủ tịch UBND TP, với tinh thần trách nhiệm cao, các vị đại biểu HĐND TP đã tập trung trí tuệ, thảo luận, tranh luận, chất vấn, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng với UBND TPt rong công tác triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND TP về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; các báo cáo và tờ trình của TP, các định hướng để TP phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP đặc biệt cảm ơn sự quan tâm chia sẻ và đóng góp đầy trách nhiệm và tâm huyết của cử tri TP, nhân dân TP thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại công dân, các thư tay, tin nhắn, điện thoại... "Các nội dung góp ý phản ánh một cách chân thực, sinh động, bám sát tình hình thực tế, kể cả những vấn đề thực tiễn mới phát sinh, thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và TP nói riêng. Tôi xem đó là những tình cảm đáng trân trọng, những lời động viên quý báu đối với chính quyền TP" – Chủ tịch UBND TP bày tỏ.

Tiếp tục Đề án Chính quyền đô thị

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trên cơ sở đánh giá kết quả năm 2019 và dự báo tình hình năm 2020, TP xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với 20 chỉ tiêu.

Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể trong năm 2020 UBNDTP sẽ tập trung thực hiện:Tập trung triển khai thực hiện chủ đề năm 2020 với 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp đã đề ra; chủ động chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các nội dung, tài liệu, văn kiện, tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI; đồng thời phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chỉ tiêu cả nhiệm kì 2016-2020; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhà, đất của các cơ quan trung ương trên địa bàn để tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách; hoàn thành Đề án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm (%) các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP; Đề án phát triển TP trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; Đề án "Xây dựng TP trở thành Đô thị thông minh" - giai đoạn 2; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông…

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.