'Chưa bao giờ tôi buồn với hai chữ thầy giáo như lúc này'

"Khi đọc thông tin về quá ít thí sinh đăng ký ngành sư phạm, điểm chuẩn trên dưới 10, tôi giật mình vì lâu rồi chưa có học trò giỏi chọn nghề giáo viên", thầy Lê Trọng Tâm viết.

Sau loạt bài về chủ đề 3 điểm/môn đỗ ngành sư phạm (hệ cao đẳng), rất nhiều ý kiến phản hồi về tòa soạn, thể hiện sự hoang mang, lo lắng.

Trong đó, thầy Lê Trọng Tâm (Hà Nội) đã gửi bài viết đến Zing.vn, chia sẻ nỗi trăn trở với nghề giáo và câu chuyện 3 điểm/môn đỗ sư phạm. Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả - người công tác lâu năm trong ngành giáo dục.

Những ngày qua, việc nhiều trường cao đẳng lấy điểm chuẩn ở mức 9, 10 cho 3 môn thi khiến dư luận lo lắng. Thậm chí, họ sợ hãi khi nghĩ đến tương lai con em mình phải theo học giáo viên dốt. Là giáo viên, tôi chưa bao giờ thấy buồn với danh thầy giáo như vậy.

Người xưa nói "Có bột mới gột nên hồ". Tôi không biết giờ đây những trường sư phạm sẽ đào tạo ra những thầy cô giáo ra sao từ những học sinh như thế, rồi những giáo viên như thế sẽ dạy dỗ ai?

Có nhiều tiêu chí để đánh giá một giáo viên tốt, nhưng trước tiên vẫn phải là người có chuyên môn sâu khiến học sinh nể phục. Một lời nói sai của thầy cô có thể khiến học sinh không tôn trọng. Kỹ năng đứng lớp có thể rèn luyện, nhưng kiến thức cần có quá trình 12 năm, thậm chí hơn thế.

Có những khái niệm sẽ bị đánh tráo, giáo viên 27 điểm và giáo viên 10 điểm sẽ không có ai phân biệt được sau khi ra trường.

Hối hận từng ngày khi chọn ngành sư phạm

Bản thân tôi đã có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, trải qua nhiều lần đổi mới, tiếp xúc nhiều quan điểm và triết lý giáo dục. Không biết thời thế thay đổi quá nhanh, hay do giáo dục ngày càng xuống cấp, khiến chúng tôi ngày càng mệt mỏi chán nản.

chua bao gio toi buon voi hai chu thay giao nhu luc nay

Trong phòng thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Anh Tuấn.

Ngày đầu đứng lớp, tôi hào hứng nhiệt huyết bao nhiêu, bây giờ theo thời gian tôi thấy buồn khi vào sư phạm. Khi chọn sư phạm làm nghiệp, chúng tôi mang theo niềm yêu nghề, tình yêu với thế hệ học sinh. Điểm đầu vào của chúng tôi đáng ngưỡng mộ, đủ để đỗ trường y hay an ninh, quân đội.

Có thời điểm, tôi tự an ủi mình rằng chiến sĩ công an phải tiếp xúc môi trường tội phạm, đối diện kẻ ác, cái xấu của tâm hồn. Bác sĩ phải tiếp xúc bệnh nhân, những người bị tổn thương, đau đớn về thể xác. Chúng tôi gắn bó với màu trắng của đồng phục học sinh, những tâm hồn trẻ khao khát tri thức.

Nhưng càng ngày, khuôn khổ lớp học, cánh cổng trường đóng chặt ép chúng tôi vào những chuẩn mực. Giáo viên bị gò bó trong những tiết dạy 45 phút, trở thành diễn viên tài ba trong những giờ hội giảng.

Các phương pháp hiện đại được xem là phát huy năng lực của học sinh xuất hiện ít dần vì không có thời gian, không có kinh phí, học sinh không chủ động. Quan trọng hơn, đó còn là nỗi lo nhồi nhét kiến thức cho học sinh.

Học sinh chạy theo cơn lốc điểm số, giáo viên chạy theo cơn lốc thành tích. Những năm đầu, tôi khắt khe trong từng điểm số, đổi mới cách dạy để học sinh dễ tiếp thu. Dần dần, thầy cô cũng phải chọn cách nhàn hơn là quát tháo, dọa nạt học sinh. Dạy học sinh cách học thì vất vả chứ giải hộ, bắt học thuộc, đoán đề, khoanh giới hạn, tìm mẹo giải nhanh đỡ phải tư duy thì lại dễ dàng, điểm cao hơn.

Học sinh bị ép tham gia các cuộc thi để lấy thành tích. Thầy cô thi đua để lấy tấm bằng khen. Những cuộc thi, những sáng kiến chẳng có nghĩa lý gì đối với sự nghiệp giáo dục cứ ngày một nhiều lên, chiếm hết quỹ thời gian đầu tư cho tiết học thực tế của chúng tôi. Tôi nghĩ giáo dục cũng đang tha hóa theo cách đó.

Điểm số lạm phát, các giá trị ảo dần. Trước những áp lực nhiều phía, từ chiều lòng phụ huynh, học sinh, đến việc đảm bảo thành tích cho cấp trên, bất cứ sai sót nào của chúng tôi (sổ sách, giáo án, thi cử, hành xử với học trò...) đều có thể bị kỷ luật.

Đa phần giáo viên chọn nghề còn bởi sự ổn định, nhẹ nhàng, bình yên. Cách tốt nhất để giữ mình là im lặng. Không bao giờ tôi nghĩ mình trở thành cỗ máy ngao ngán và nhàm chán đến thế.

Học sinh giỏi của tôi không chọn sư phạm

Tôi cũng có nhiều thế hệ học sinh ra trường, nhiều em trong đó là học sinh giỏi, đỗ những trường top đầu. Khi đọc thông tin về quá ít thí sinh đăng ký ngành sư phạm, điểm chuẩn trên dưới 10, tôi giật mình vì đã lâu lắm rồi chưa có học trò giỏi của mình chọn ngành sư phạm.

Ngày trước, tôi chọn sư phạm cũng vì thần tượng thầy cô của mình. Phải chăng bây giờ chúng tôi đã trở thành những tấm gương mờ? Một lần, tôi nặng lời với học sinh cá biệt, không chịu học, em đã nói lại với tôi sự thật đau lòng: Chúng em có đi làm công nhân lương cũng cao hơn nhiều so với thầy cô.

Chúng tôi đã cống hiến nhiệt huyết bao năm cho giáo dục nhưng lương chẳng tăng bao nhiêu. Những lúc lo chuyện gia đình, con cái hay bản thân ốm đau, tôi thường phải vay tiền đồng nghiệp.

Chẳng giáo viên nào muốn con nối nghiệp đứng lớp "đen như bảng, bạc như phấn" thì sao có thể nói con người ngoài ngành phải hy sinh tương lai của mình cho những điều chưa chắc chắn.

Giáo viên lao đao trong cơ chế thị trường

Nền kinh tế thị trường đã 30 năm nhưng giáo dục hiện tại mới bắt đầu chuyển mình. Có những thứ không muốn thay đổi vẫn phải thay đổi theo dòng chảy cuộc sống.

Thị trường nghĩa là học theo nhu cầu, học sinh được chọn môn mình thích theo sở trường và năng lực. Các em được chọn thầy cô, nhất là khi khoảng cách đã bị công nghệ xóa nhòa. Học trò cũng được quyền chọn trường theo nhu cầu xã hội và quan trọng là theo thu nhập của công việc, sự ổn định khi ra trường.

Thị trường còn thể hiện ở chỗ người ta tất sẽ tìm đến những điều có giá trị, nếu không thay đổi, không có giá trị sẽ thất bại.

Giáo viên không đổi mới có thể tụt hậu và thất nghiệp trên chính ngôi trường của mình. Các trường sư phạm hiu hắt bóng sinh viên đứng trước nguy cơ đóng cửa là điều có thể nhìn thấy.

Đại học giờ không còn là độc tôn. Nhiều học sinh chọn xuất khẩu lao động, hoặc du học. Giáo dục đơn giản chỉ là một khoản đầu tư, nếu chọn nơi không có giá trị là sự đầu tư mù quáng.

Có những giáo viên đã phải nghỉ việc. Có những giáo viên làm giàu bằng trí tuệ và năng lực của mình. Cũng có những giáo viên vẫn miệt mài chờ cơ hội. Sau nhiều lần thay đổi không thành công, xã hội mới giật mình nhận ra giáo dục đang tụt hậu, mất phương hướng.

Dĩ nhiên, tôi vẫn là một hành khách trên chuyến tàu đó. Có những người dũng cảm muốn thoát thân đã nhảy xuống để tìm hướng đi mới, nhưng cũng có những người vẫn giữ vững niềm tin.

Dù chuyến tàu đó có đi đâu về đâu, những giáo viên như chúng tôi ngày mai vẫn phải lên lớp, truyền dạy những bài giảng tâm huyết tới các thế hệ học trò.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.