Theo ACV, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương dự án công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, đơn vị đã triển khai các quy trình thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án về xây dựng, bao gồm: khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và triển khai thiết kế cơ sở, thiết kế phòng cháy chữa cháy…
Đồng thời, rà soát tính toán tổng mức đầu tư dự án, đảm bảo không vượt vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV.
Quá trình triển khai đến nay, công tác chuẩn bị và phê duyệt dự án đã hoàn thành với các công đoạn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và tổ chức thực hiện các thủ tục rà phá bom mìn.
ACV cũng đã phê duyệt và tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công phần móng trong tháng 3, mở thầu ngày 5/5. Thiết kế kỹ thuật còn lại của dự án cơ bản đã hoàn tất, dự kiến trình thẩm định vào cuối tháng 5.
Riêng đối với công tác bàn giao đất, theo thông tin, nhu cầu sử dụng đất cho nhà ga hành khách T3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 16,37 ha, nằm trong diện tích đất được quy hoạch bổ sung ở phía Nam.
Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng và UBND TP HCM phối hợp điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và UBND TP HCM phối hợp điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất từ đất quốc phòng sang đất giao thông, trình Chính phủ phê duyệt, tổ chức trình tự thủ tục bàn giao đất thực hiện dự án theo đúng quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng có Văn bản số 424/CV-TTg ngày 3/4/2021, cho phép triển khai song song quy hoạch đất quốc phòng và quy trình giao đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (quy trình 167), chỉ đạo UBND TP HCM đẩy nhanh công tác lập và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm TP HCM (2021-2025), kế hoạch sử dụng đất 2021 quận Tân Bình với khu đất xây dựng T3.
Đến nay, phương án sắp xếp tài sản nhà đất theo quy trình 167 đã được Bộ Quốc phòng hoàn tất. TP HCM đã có ý kiến đồng thuận và đang lấy ý kiến Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để giao đất cho TP HCM nhằm tổ chức công tác giải phóng mặt bằng, giao đất cho ACV thực hiện dự án.
Đại diện lãnh đạo ACV khẳng định việc đẩy nhanh công tác bàn giao đất để khởi công dự án trong tháng 5/2022 là rất cấp thiết để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành dự án sau 37 tháng theo Quyết định số 657/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/5/2020.
Đồng thời, để đẩy nhanh tiến độ dự án, song song quá trình hoàn thiện các thủ tục theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ACV cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng cho phép bàn giao khu đất để đơn vị này tiến hành rà phá bom mìn và khởi công dự án trong tháng 5/2022.
Theo quyết định của Thủ tướng, nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Theo ACV, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được lập dựa trên cơ sở tham khảo suất đầu tư của các dự án tương tự về mức độ đầu tư về kỹ thuật…