Chuẩn tiến sĩ ở Việt Nam là chuẩn nào?

So sánh số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới sẽ thấy rõ sự lạc hậu của khoa học VN trong cộng đồng khoa học quốc tế, thậm chí có luận án “giả khoa học”.

Hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tiếp cận với trình độ quốc tế" vừa tổ chức ở TP HCM ngày 21-1 đã đặt ra một vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết. Tuy nhiên, dù đã tranh luận rất gay gắt, hội thảo dường như vẫn chưa tìm được giải pháp nào thực sự khả thi. Theo tôi, nhiều điều phải suy nghĩ trước khi giải quyết vấn đề này:

"Trình độ quốc tế" là một khái niệm trừu tượng khó có thể xác định chuẩn mực để noi theo. Đội ngũ tiến sĩ (TS) mang học vị nước ngoài hiện hành ở Việt Nam (VN) được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau: Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, Pháp và các nước Tây Âu, Mỹ và các nước nói tiếng Anh… Mỗi nguồn đào tạo đó đều có học chế, bản sắc và giá trị riêng; nhưng tất cả đều in dấu ấn trong chương trình đào tạo TS của VN hiện hành.

Điều đáng nói là các dấu ấn này không được áp dụng đúng nguyên bản gốc, mà được chế biến theo tư duy của người VN, nên chương trình đào tạo TS của VN hiện hành trở nên phức tạp với nhiều bất cập và sai lầm. Chẳng hạn, chương trình đào tạo TS của Liên Xô (cũ) gồm 2 bậc gọi theo tiếng Nga là Kandidat Nauk (Phó TS) và Doktor Nauk (TS Khoa học). Khi áp dụng vào VN, Kandidat Nauk mặc nhiên trở thành TS; còn Doktor Nauk được thừa nhận là "cao hơn TS" nhưng lại không tồn tại trong chương trình đào tạo của VN. Vậy, học vị TS này của VN hiện nay đã đạt "trình độ quốc tế" nào?

Trong chương trình đào tạo của Pháp trước đây có 2 bậc TS là Docteur Troisième Cycle (TS bậc 3) và Docteur d’Etat (TS Quốc gia); ngày nay họ đã hợp nhất hai bậc này thành Docteur d’ Université (TS đại học). Tất cả các học vị Pháp này đều có ở VN. Vậy, TS của ta sẽ lấy trình độ nào của Pháp làm chuẩn?

Đặc biệt, chương trình đào tạo bác sĩ y khoa (Docteur d’ Medicine) 6 năm của Pháp, khi áp dụng vào VN đã biến chuyển ngoài sức tưởng tượng! Do không hiểu thuật ngữ "docteur" (hay "doctor"-tiếng Anh) trong y khoa được dịch là "bác sĩ" hoàn toàn đồng nghĩa với "TS" trong các ngành khác, các nhà thiết kế chương trình của VN đã hạ cấp học vị bác sĩ đào tạo 6 năm trong trường y xuống trình độ "cử nhân"(!); rồi đặt thêm học vị "thạc sĩ y khoa" (chỉ có ở VN) và học vị "TS - Bác sĩ" (chưa từng thấy ở nước ngoài).

Chưa dừng lại ở đó, một số trường y ở VN còn đề xuất "sáng kiến" rút ngắn chương trình 6 năm đào tạo bác sĩ xuống còn 4-5 năm (cho phù hợp với trình độ "cử nhân" ở các ngành khác?), rồi lại đề xuất chương trình đào tạo "TS điều dưỡng" (chưa từng thấy ở nước ngoài)!

chuan tien si o viet nam la chuan nao

Trang web của Học viện Khoa học xã hội từng liên tục cập nhật thông tin trao bằng tiến sĩ

Ngoại trừ ngành y, chương trình đào tạo TS của VN hiện có hình thức tương tự như của Mỹ; nhưng cơ chế đào tạo của ta khác biệt rất xa với cơ chế của Mỹ. Hệ thống đại học ở Mỹ có quy chế kiểm định rất chặt chẽ để xác định chất lượng đào tạo của từng loại trường; còn ở ta không có. Mỹ phân tầng đại học để phân biệt các "đại học nghiên cứu" có sứ mệnh chủ yếu là đào tạo TS với các "đại học giảng dạy" chuyên đào tạo cử nhân và thạc sĩ; còn ở ta không có sự phân tầng này.

Hệ thống học vị ở Mỹ phân biệt rõ về quy trình đào tạo và giá trị văn bằng giữa các TS khoa học (Philosophy Doctor - Ph.D.) với các TS chuyên ngành như TS y khoa (tức bác sĩ - Medical Doctor - M.D.), TS giáo dục (Educational Doctor - Ed.D.)…; còn hệ thống học vị VN chỉ theo một quy chế đào tạo chung cho tất cả các ngành. Tất cả những sự khác biệt đó khiến cho giá trị của TS ở VN trở nên thấp kém so với trình độ quốc tế.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất khiến cho TS ở VN xa cách với trình độ quốc tế chính là nền tảng khoa học của ta còn rất lạc hậu so với các nước tiên tiến. Chỉ một thiểu số các môn khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ của ta tiến kịp với trình độ quốc tế; còn lại đa số các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học về tư duy, khoa học giáo dục… vẫn lạc hậu xa với khoa học hiện đại.

Chỉ cần so sánh số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới, sẽ thấy rõ sự lạc hậu của khoa học VN trong cộng đồng khoa học quốc tế. Nảy sinh từ một nền tảng khoa học như vậy, các luận án TS của VN có rất ít giá trị khoa học, thậm chí có những loại luận án "giả khoa học".

- Đáng quan ngại hơn cả là động cơ đào tạo TS của VN. Trong khi các đại học quốc tế đào tạo TS là để làm khoa học, xu hướng chung của các cơ sở đào tạo TS của VN lại nhằm đáp ứng động cơ mưu cầu danh lợi cho cả người học lẫn người dạy. Từ đó, một "thị trường học vị" đã hoạt động tấp nập để cung cấp cho xã hội hàng loạt TS "học giả - bằng thật".

Hoạt động đào tạo TS và thạc sĩ của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN trong các năm 2015-2016 đã cho ta một thí dụ điển hình về kiểu đào tạo này (xem bài "Thị trường học vị và hệ lụy của nó" trên Báo Người Lao Động số 3-9-2017).

Trong xã hội VN hiện tại, khi bằng cấp - học vị trở thành phương tiện để "chạy chức - chạy quyền" (đã từng có "chỉ tiêu phấn đấu" 100% cán bộ UBND TP Hà Nội trở thành TS!) thì kiểu đào tạo này không cách gì ngăn chặn được.

Đành rằng ở các nước tiên tiến cũng tồn tại "thị trường học vị" như vậy, nhưng quy chế kiểm định, xếp hạng và phân tầng đại học đã giúp các nước đó phân biệt dễ dàng giữa "TS thật" với "TS giả".

Còn ở VN, kiểu đào tạo "học giả - bằng thật" lại tồn tại ngay trong những cơ sở đào tạo được coi là "có uy tín hàng đầu", khiến cho xã hội rất khó phân biệt thật giả giữa những người có văn bằng TS. Những chuyện lùm xùm về số người được "phong" hay "đạt chuẩn" giáo sư hay phó giáo sư hằng năm là bằng chứng rõ ràng cho sự mù mờ đối với trình độ TS nước ta.

Trước thực trạng như trên, thật khó tìm một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo TS ở VN theo trình độ quốc tế. Có lẽ giải pháp đó phải bắt đầu từ việc sửa chữa động cơ đào tạo: TS được đào tạo để đảm đương sứ mệnh khoa học chứ không phải để mưu cầu danh lợi.

Muốn vậy, nhà nước phải phân biệt rạch ròi giữa các chức danh và học vị khoa học (giáo sư, TS chỉ hoạt động trong các cơ sở khoa học) với các chức vụ của bộ máy công quyền (không cần đến giáo sư, TS…). Trên cơ sở đó sẽ chọn lọc và và tiếp nhận các thể chế và quy trình đào tạo TS theo mô thức quốc tế để áp dụng xác đáng vào hoàn cảnh cụ thể của VN.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.