Chuyển động mới tại khu đô thị Nam sông Mã 4.300 tỷ ở Thanh Hóa

Liên danh Xây dựng Miền Trung - Trung Nam - Hòa Bình vừa có văn bản gửi tỉnh Thanh Hoá về việc thực hiện Khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã.

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa giao Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của liên danh CTCP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - CTCP Xây dựng Phát triển Hòa Bình về việc thực hiện Khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã. Trước đó, vào tháng 10 và tháng 12/2023, liên danh trên đã có các công văn về việc thực hiện dự án này. 

Phối cảnh mặt bằng Khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã (Ảnh: thanhhoa.gov.vn).

Khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 3/2017. Ranh giới phía bắc giáp Đại lộ Lê Lợi kéo dài; phía nam giáp dân cư hiện trạng; phía đông giáp đại lộ Nam sông Mã; phía tây giáp đê sông Mã và khoảng cách ly đê. Diện tích sử dụng đất khoảng 48 ha.

Quy mô dân số khoảng 7.000 người. Số lượng nhà ở khoảng 1.676 căn; trong đó có khoảng 1.300 căn hộ chung cư cap cấp, 77 căn biệt thự cao cấp, 165 nhà vườn, 134 căn nhà ở phục vụ giãn dân và chuyển đổi nghề. Thời điểm này này, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 721,67 tỷ đồng.

Tháng 1/2018, tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng lên mức hơn 4.353 tỷ đồng. Tháng 10 cùng năm, kết quả lựa chọn nhà đầu tư được phê duyệt. Nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Xây dựng Miền Trung - Trung Nam - Hòa Bình. Tổng chi phí thực hiện dự án là 4.193 tỷ đồng. Ngoài ra còn có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng gần 174 tỷ đồng.

Tháng 5/2019, tỉnh Thanh Hóa giao liên danh trên lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án. Đến tháng 12 cùng năm, đơn vị tư vấn đại diện liên doanh đã trình bày ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh.

Cuối tháng 9/2020, quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị chính thức được phê duyệt. Từ đó đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành một số văn bản về việc thực hiện dự án; giao hướng dẫn tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trong số liên danh nói trên có sự xuất hiện của Xây dựng Miền Trung. Doanh nghiệp này tiền thân là Công ty Xây dựng Giao thông thủy lợi Thanh Hóa được thành lập năm 1994, có trụ sở tại TP Thanh Hoá. Những năm qua, doanh nghiệp này đã lần lượt trúng thầu và được lựa chọn làm chủ đầu tư hàng loạt dự án lớn, nhỏ tại Thanh Hoá.

Đơn cử như Khu đô thị mới dọc đại lộ Nam sông Mã nói trên; Khu dân cư phía Tây đường Hải Thượng Lãn Ông, tại TP Thanh Hóa (30 ha, gần 900 tỷ đồng); Khu dân cư phía Tây Nam đường CSEDP thuộc Khu dân cư Tây Nam đường Nguyễn Phục, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa (gần 20 ha, hơn 400 tỷ đồng).

Bên cạnh đó còn có Dự án hạ tầng Khu công nghiệp số 3 - KKT Nghi Sơn (hơn 247 ha, 1.000 tỷ đồng), Dự án đầu tư khai thác hạ tầng Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng (121 ha, hơn 3.200 tỷ đồng),...

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tham gia đầu tư nhiều dự án giao thông như phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn theo hình thức BOT (hơn 4.100 tỷ đồng); đường trong Khu công nghiệp số 3 KKT Nghi Sơn; đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa; gói thầu xây lắp 9 thi công nền, mặt dự án nâng cấp quốc lộ 15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa, đường tránh qua thị trấn Cẩm Thủy,…

Giữa năm 2019, doanh nghiệp có văn bản xin lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch, đô thị ven biển thuộc xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương 1.500 ha.

chọn
Hình hài tuyến Vành đai 3 TP HCM đang xây dựng qua Thủ Đức
Tuyến vành đai 3 đi qua TP Thủ Đức dài khoảng 15 km, đi qua các phường bao gồm Long Trường, Trường Thạnh, Long Thạnh Mỹ và Long Bình. Gói thầu xây dựng tuyến Vành đai 3 qua TP Thủ Đức là gói thầu thứ 3 của dự án vành đai 3 TP HCM.