Chuyên gia Cấn Văn Lực: Nên tạo điều kiện để trái phiếu doanh nghiệp phát triển

Ủng hộ tạo điều kiện phát triển trái phiếu doanh nghiệp năm 2020, tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực khẳng định việc phát triển phải đặt trong môi trường đầu tư lẫn quản lí an toàn, lành mạnh.

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã chỉ ra những điểm đáng lưu ý của bức tranh tài chính Việt Nam năm 2019, và những nút thắt có thể gặp phải trong năm nay, tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 vừa diễn ra tại TP HCM.

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Nên để trái phiếu doanh nghiệp phát triển

"Thị trường tài chính Việt Nam không thể mường tượng được lớn cỡ nào trong năm 2019", TS Cấn Văn Lực nêu tại diễn đàn. Theo ông, thị trường tài chính năm qua đã thể hiện được vai trò, khi là 1 trong 3 thị trường lớn của nền kinh tế, bên cạnh thị trường lao động và thị trường hàng hóa.

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Nên tạo điều kiện để trái phiếu doanh nghiệp phát triển - Ảnh 1.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng nên tạo điều kiện để trái phiếu doanh nghiệp phát triển năm 2020. (Ảnh: BTC).

Chuyên gia cho biết thị trường tài chính tại Việt Nam năm 2019 nếu cộng hết thì chiếm tới 323% GDP năm 2019. Do quy mô gấp 3 lần quy mô nền kinh tế, nên nếu có bất kì trục trặc nào ở thị trường tài chính, thì mức độ ảnh hưởng sẽ rất lớn.

Theo ông, năm 2019, thị trường tài chính phát triển tích cực và lành mạnh hơn, đóng góp quan trọng trong phát triển nền kinh tế. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn, giảm bớt phát hành trái phiếu lãng phí, lượng cung tiền ra nền kinh tế tốt, đảm bảo mức lạm phát 2,73%.

Năm qua, khả năng chống chịu của nền kinh tế tốt hơn, với dự trữ ngoại hối lên tới gần 80 tỉ USD, tương đương với 3,7 tháng nhập khẩu. Tuy là kỉ lục từ trước tới nay, nhưng chuyên gia cho rằng đây chưa phải là một mức cao, năm tới sẽ phấn đấu dự trữ ngoại hối tương đương 6-8 tháng nhập khẩu. 

"Năm qua, huy động vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp khá tốt, với 250.000 tỉ, tăng 7% so với 2018. Dù vậy, tôi cho rằng cần phải tạo điều kiện hơn nữa, để cân bằng cho thị trường, khi nguồn vốn trung và dài hạn còn phụ thuộc vào ngân hàng", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ủng hộ việc phát triển trái phiếu doanh nghiệp năm 2020, tuy nhiên, chuyên gia cũng khẳng định, dĩ nhiên việc phát triển phải đặt trong môi trường đầu tư lẫn quản lí lành mạnh.

Kết thúc năm 2019, nợ xấu nội bảng giảm về 1,89%, gộp cả nợ xấu tiềm ẩn, nợ ở VAMC nữa là khoảng 4,6%. Theo ông, kế hoạch đưa tỉ lệ này về dưới 3% năm 2020 là khả thi.

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Nên tạo điều kiện để trái phiếu doanh nghiệp phát triển - Ảnh 2.

Ngân hàng chiếm nhiều vốn nhất của nền kinh tế Việt Nam năm 2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Về thị trường cổ phiếu, năm vừa rồi, cổ phiếu nhóm công nghệ và viễn thông có diễn biến tốt nhất trên sàn chứng khoán, tăng tới 36,7%; lĩnh cực ngân hàng bảo hiểm tăng 20%. Riêng nhóm công ty chứng khoán thì không thuận lợi.

Về vốn cho nền kinh tế, năm vừa 2019, tăng trưởng dòng vốn đạt 12%. Cấu trúc vốn, hệ thống ngân hàng đóng góp 48%, 23% FDI, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp 10%, 13% ngân sách nhà nước, chứng khoán 6%. 

6 điểm nghẽn của thị trường năm 2020 

Song song những mặt tích cực của bức tranh tài chính năm 2019, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 6 điểm nghẽn của thị trường vào năm 2020.

"Thứ nhất, thể chế cho kinh tế số, ngân hàng số quá chậm, cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như của mỗi doanh nghiệp còn phân tán", ông nói.

Thứ hai, rủi ro bên ngoài ngày càng phức tạp, năm tới sẽ ảnh hưởng bởi giá dầu, giá vàng, tỉ giá… Thứ ba là vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng, áp lực trả nợ công.

"Thứ tư là vấn đề an ninh mạng. Năm 2019, số vụ tấn công mạng đã tăng 104%, trong khi chỉ có 25% tổ chức nói có khả năng nhận biết rủi ro an ninh mạng. Rủi ro tài chính đang đan xen, nhưng chưa có đầu mối chung để phòng ngừa cũng như quản lí, đây là rủi  ro hệ thống", TS Cấn Văn Lực nhận định.

Hai thách thức còn lại mà chuyên gia chỉ ra là những rủi ro khi chưa có hệ thống quản lí chung, đồng thời, thị trường tài chính Việt Nam sẽ quản lí thế nào với nền kinh tế số hiện nay, khi xu hướng đã có nhiều ngân hàng bắt đầu nghiên cứu lập đồng tiền kĩ thuật số của riêng mình.

Ông Cấn Văn Lực cũng chỉ ra việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có điểm sáng, nhưng việc xử lí ngân hàng yếu kém còn rất khó khăn, đặc biệt là "ngân hàng 0 đồng".

Ngân hàng Nhà nước: Hạ lãi suất điều hành là thận trọng, linh hoạt hỗ trợ nền kinh tế 

Thông tin về chính sách điều hành tiền tệ năm 2020, bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cho biết dựa trên đánh giá tổng thể nhiều yếu tố, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tổng phương tiện thanh toán năm 2020 tăng 13%, tăng trưởng tín dụng đạt 14%. Các chỉ tiêu này sẽ linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Nên tạo điều kiện để trái phiếu doanh nghiệp phát triển - Ảnh 3.

Bà Dương Thị Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã, đang và tiếp tục thể hiện sự thận trọng, linh hoạt hỗ trợ nền kinh tế. (Ảnh: BTC).

Bà nhấn mạnh, trong quá trình điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thị trường với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp với chi phí hợp lí.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nói thêm về loạt giảm lãi suất điều hành trong năm 2019 có phải là sự nới lỏng hay không, theo bà Dương Thị Thanh Bình, Ngân hàng Nhà nước điều hành đồng bộ các giải pháp về lãi suất để ổn định, và giảm lãi suất thị trường theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng, gồm cắt giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất huy động, giảm trần lãi suất cho vay.

Bà nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã, đang và tiếp tục thể hiện sự thận trọng, linh hoạt hỗ trợ nền kinh tế, tính đến các tác động từ bên ngoài nhưng vẫn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối trong trung, dài hạn. 

Song song đó, cơ quan điều hành vẫn tiếp tục điều hành cẩn trọng các công cụ để ổn định tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn đối với các tổ chức tín dụng, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.