Thủ tướng: Làm chính sách tiền tệ mà không giúp đẩy mạnh tăng trưởng thì làm cái gì

Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp, trên tinh thần đây là kênh vốn quan trọng góp phần vào tăng trưởng. Ngành ngân hàng phải tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, phải có tinh thần xốc tới để đưa đất nước phát triển.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 diễn ra ngay ngày làm việc đầu tiên của năm mới, ngày 2/1/2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các kết quả đạt được của ngành ngân hàng năm 2019, và giao nhiều "đề bài" quan trọng góp phần vào tăng trưởng đất nước.

Ngân hàng phải là kênh vốn quan trọng góp phần tăng trưởng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngành ngân hàng có vị trí quan trọng trong sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục duy trì trên 7% và là mức tăng trưởng cao trên thế giới. Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng không thể dừng lại như vậy, mà phải phát triển cao trong những thập niên tới thì đất nước mới thịnh vượng, hùng cường.

Thủ tướng đặt hàng ngành ngân hàng trong năm 2020 - Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu ngân hàng phải là kênh vốn quan trọng góp phần tăng trưởng. (Ảnh: VGP).

"Có người nói bây giờ thế giới biến động bất ổn quá thì phải để an toàn, phát triển thấp xuống, đó là tư duy không thể chấp nhận", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành ngân hàng phải tiếp tục đóng góp, phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Ông cho rằng ngành ngân hàng phải có tinh thần xốc tới, để đưa đất nước tiến lên và phát triển.

"Làm chính sách tiền tệ mà không giúp đẩy mạnh tăng trưởng thì làm cái gì", Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tính toán, đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp trên tinh thần đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng.

Thủ tướng yêu cũng cầu điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường. 

Hiện quy mô tín dụng đạt 8,2 triệu tỉ đồng. Thủ tướng đặt câu hỏi với Ngân hàng Nhà nước, năm 2020 tăng trưởng tín dụng đạt bao nhiêu phần trăm để bảo đảm kênh vốn quan trọng cho tăng trưởng.

Ông cũng nêu ra mục tiêu kép là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh khu vực và quốc tế và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với phương châm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.

Nợ xấu, lừa đảo, công nghệ... là thách thức của ngành ngân hàng 2020

Ngoài việc đặt ra "bài toán khó" cho Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao các kết quả đạt được năm 2019 của ngành ngân hàng.

Trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. 

Thủ tướng đặt hàng ngành ngân hàng trong năm 2020 - Ảnh 2.

Theo Thủ tướng, nợ xấu, lừa đảo, công nghệ... là thách thức của ngành ngân hàng 2020. (Ảnh: Thanh Niên).

Tỉ giá cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận. Tỉ lệ nợ xấu giảm. Dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỉ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kì và gấp gần 6 lần so với 2011. Trong năm qua, Việt Nam cũng đã chi 500.000 tỉ đồng để mua dự trữ ngoại hối, tăng cung tiền lớn nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.

Những tồn đọng của ngành ngân hàng hiện nay là việc xử lí các tổ chức tín dụng yếu kém, cần tiếp tục nỗ lực xử lí nợ xấu và phòng ngừa nguy cơ gia tăng, do một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thị trường tài chính thế giới biến động.

Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý là công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng đang đối mặt nhiều rủi ro ngày càng tinh vi, phức tạp, từ các hành vi gian lận, lừa đảo, tấn công mạng dẫn đến nhiều vụ lộ thông tin cá nhân, mất tiền trên tài khoản... ảnh hưởng uy tín nhiều ngân hàng. 

Việc quản lí các lĩnh vực mới như tiền ảo, tài sản ảo, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, fintech, trí tuệ nhân tạo... đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc của các các cấp, các ngành. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ngân hàng Nhà nước.

Cơ quan này cũng được yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Cần chú ý công tác dự báo, ứng phó chính sách trước biến động quốc tế, khu vực. 

Muốn tăng trưởng tín dụng tốt và có uy tín, cần phải cải cách hành chính và văn minh ngân hàng, đấu tranh chống tham nhũng trong ngành ngân hàng. Thủ tướng mong muốn ngày càng có nhiều ngân hàng thương mại lọt vào tốp ngân hàng đứng đầu khu vực và thế giới. 

Năm 2020: Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên

Năm 2020, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định NHNN bám sát các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối phù hợp.

Lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.

"Dự kiến năm 2020 và thời gian tới, NHNN sẽ điều hành để tín dụng tăng dưới 2 lần GDP. Tăng trưởng cao chúng ta không đi kèm với mở rộng tín dụng, mà cần kiểm soát chặt chẽ, tốc độ, chất lượng và quy mô tín dụng cũng như cơ cấu tín dụng tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế", Thống đốc Lê Minh Hưng lưu ý các TCTD.

Lãnh đạo NHNN cũng khẳng việc tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quyết định số 1058/QĐ-TTg; nghiên cứu đề xuất định hướng, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu các TCTD giai đoạn 2021-2025; phấn đấu đưa tỉ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai phát triển thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam; tăng cường công tác phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử…

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.