TP HCM kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách theo lộ trình đến 2030, thành phố được giữ lại 33%

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ tăng tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố, nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, tạo điều kiện phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra hôm nay (30/12), Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết nhằm đảm bảo thành phố cũng như các địa phương có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, TP HCM chủ động đề xuất thực hiện Đề án xây dựng tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố, cùng các địa phương giai đoạn 2021-2025.

TP HCM kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Theo ông Phong, Chính phủ nên quan tâm ủng hộ, nhằm tạo nguồn lực tương xứng, động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của thành phố, cũng như các địa phương trong cả nước.

Hiện TP HCM đang xây dựng đề cương chi tiết đề xuất tiến độ tăng tỉ lệ để lại tổng ngân sách là 33%, theo lộ trình 10 năm. 

Theo đó, đến năm 2020 vẫn giữ tỉ lệ như hiện nay là 18%, giai đoạn 2021-2025 tăng lên 24%, đến năm 2030 là 33%.

Lãnh đạo TP HCM cũng nói đến định hướng phát triển kinh tế quốc gia, việc xây dựng một trung tâm tài chính mang tầm vóc khu vực và quốc tế là cần thiết, và là xu thế phát triển tất yếu.

Trong điều kiện thực tế TP HCM là trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, đầu tàu kinh tế của cả nước, sẵn sàng tiên phong đi trước thực hiện những nhiệm vụ mới vì cả nước, cùng cả nước.

Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét, đưa nội dung xây dựng trung tâm tài chính quốc gia, xứng tầm khu vực và quốc tế đặt tại TP HCM vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của quốc gia.

Tạo điều kiện cho TP HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị 

Lãnh đạo TP HCM cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho TP HCM xây dựng "Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị".

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2019, kinh tế - xã hội của TP HCM tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt được nhiều kết quả mang tính toàn diện. Hầu hết ngành đều tăng trưởng khá so với năm 2018. 

TP HCM kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách - Ảnh 2.

Kiến nghị tạo điều kiện cho TP HCM thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. (Ảnh: Người lao động).

Tổng sản phẩm (GRDP) đạt hơn 1,34 triệu tỉ đồng, tăng 8,32%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục tăng dần tỉ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. 

Năng suất lao động năm 2019 của TP HCM ước đạt 299,8 triệu đồng/người, tăng 6,82%. Đáng chú ý, TP HCM đạt tổng thu ngân sách 412.474 tỉ đồng, chiếm hơn 27% tổng thu cả nước.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết năm 2020, thành phố sẽ thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế, gắn với tái cấu trúc theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

TP HCM cũng sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học và công nghệ. Cải cách mạnh thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, thực hành tiết kiệm, sử dụng ngân sách hiệu quả.

Từ các kết quả đã đạt được và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho thành phố xây dựng "Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM", cũng như tăng tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, tạo điều kiện địa phương phát triển bền vững.