Phải thanh toán nợ đúng hạn, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia năm 2020

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh mục tiêu năm 2020 phải củng cố kinh tế vĩ mô, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lí nợ công, thanh toán nợ đúng hạn, không để ảnh hưởng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia trong năm 2020.

Phải cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia 

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đang diễn ra hôm nay, 30/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã báo cáo một số nội dung chính về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020. 

Phó Thủ tướng  nhấn mạnh mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Một trong những nhiệm vụ Phó Thủ tướng nêu là nâng cao hiệu quả quản lí nợ công, thanh toán nợ đúng hạn nhằm không để ảnh hưởng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia trong năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng cho biết năm 2020 sẽ kịp tăng vốn cho các ngân hàng có trên 50% vốn Nhà nước, trong đó có Agribank, đáp ứng Basel II.

Theo Phó Thủ tường, mục tiêu xuyên suốt trong điều hành tiền tệ vẫn là chủ động, linh hoạt với chính sách tài khoá, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát. Đến cuối năm 2020, các ngân hàng thương mại phải có mức vốn đáp ứng chuẩn Basel II.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phải thanh toán nợ đúng hạn, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia năm 2020 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải thanh toán nợ đúng hạn, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia năm 2020. (Ảnh: VGP).

Một nhiệm vụ khác cần được đẩy mạnh là cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn. 

Trong đó, hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lí ngân hàng mua bắt buộc. Ban hành khuôn khổ thể chế quản lí thử nghiệm đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đồng thời, có kế hoạch nâng xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 10 bậc, công bố sách trắng doanh nghiệp. Khuyến khích phát triển và tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn. Phấn đấu đến hết năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn, cơ cấu ngành, nghề hợp lí, có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài.

Song song đó, các Bộ, ngành phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí Nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo. Phương châm hành động của năm 2020 là "Kỉ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả", nhằm lan tỏa tinh thần khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ đến các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước.

Cơ đồ đất nước chưa bao giờ có được như hôm nay

Nhận định về các kết quả kinh tế - xã hội đạt được năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, cho rằng Việt Nam vẫn khả quan trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. 

Cụ thể, năm 2019, kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng, nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tài chính, rủi ro trên thị trường quốc tế tăng lên... 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phải thanh toán nợ đúng hạn, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia năm 2020 - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 7,02%. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Trong khu vực, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Trong khi đó, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

Nhưng năm 2019, Việt Nam đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. 

Ông cho rằng "cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay" như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.

Phó Thủ tướng chỉ ra những con số ấn tượng của năm 2019, trong đó kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Tốc độ tăng GDP cả năm đạt 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng, đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Dự trữ ngoại hối cũng đạt cao nhất từ trước đến nay, gần 80 tỉ USD. Tổng thu ngân sách nhà nước ước tính đạt trên 1.400 nghìn tỉ đồng; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).

 Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu vẫn tăng và đạt mức kỷ lục 517 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt 9,9 tỉ USD.

chọn
Chuyên gia: Không thể giải quyết bài toán nhà ở giá rẻ thông qua cơ chế thị trường
Dưới góc nhìn của Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, trong nền kinh tế chung, sẽ có những người không thể giải quyết bài toán nhà ở thông qua cơ chế thị trường, kể cả với phân khúc giá thấp nhất họ cũng không thể mua được.