Sáng nay (30/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, nhằm đánh giá, tổng kết lại năm 2019 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển mà Quốc hội giao.
Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày với sự tham sự của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bí thư các tỉnh, Thành ủy và Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố...
Hội nghị tập trung thảo luận các hạn chế, vướng mắc để tháo gỡ, những vấn đề liên vùng, liên ngành đòi hỏi sự phối hợp cũng như tiếp tục tìm các giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Từ các ý kiến tại Hội nghị Chính phủ với địa phương năm nay, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện, ban hành Nghị quyết 01, 02 ngay sau hội nghị, để cả hệ thống hành chính, doanh nghiệp và người dân sớm bắt tay vào việc để năm 2020 về đích với thành tích cao nhất, hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Kết quả "về đích" được Chính phủ xác định có ý nghĩa quan trọng, bởi năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, như kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, 75 năm ngày thành lập nước, 45 năm thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chỉ còn 2 ngày nữa là kết thúc năm 2019, các kết quả kinh tế - xã hội năm 2019 của nước theo số liệu của Tổng Cục Thống kê rất ấn tượng.
Năm 2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng trưởng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%, đặc biệt, mức tăng trưởng cao đến trong tình hình thế giới rất phức tạp, xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Cụ thể, quý I tăng trưởng 6,82%, quý II tăng 6,73%, quý III tăng 7,48% và quý IV tăng 6,97%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỉ USD, đạt hơn 517 tỉ USD. Trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu, với tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu gần 10 tỉ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.
Tổng Cục Thống kê cũng nhận định lạm phát năm 2019 được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm chỉ tăng 2,79%, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra và thấp nhất trong 3 năm.
Hết năm 2019, cả nước có 138.000 doanh nghiệp đăng kí thành lập mới với tổng số vốn đăng kí là 1,73 triệu tỉ đồng, tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 38 tỉ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Tỉ lệ giải ngân đạt 20,4 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay.