Sáng 22/5, trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm một chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5-25,8%). Đáng lưu ý là cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng. Thêm vào đó, thu ngân sách vượt 28,6% so với dự toán, phản ánh dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa, là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.
Bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn.
Cùng với đó, tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như Quy hoạch năng lượng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương,… chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt. Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các TCTD yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn rất chậm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.
Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức cao, khoảng 9,3%/ năm. Tín dụng tăng trưởng đến cuối tháng 4 tăng thấp, tăng 2,75% so với đầu năm cho thấy những khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngoài ra, nợ xấu có xu hướng tăng. Kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trong quý I, tổng giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp lần lượt giảm 92% và 87,9% so với cùng kỳ.
Thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả lãi trái phiếu doanh nghiệp 2023 rất lớn, nhất là quý III dự kiến có khoảng 104.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn với thị trường trong thời gian tới.
Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số vụ việc xảy ra thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới niềm tin của ngời dân với hệ thống tài chính ngân hàng, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là những bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới tư vấn phát hành, hỗ trợ cam kết mua lại trái phiếu và định hướng người gửi tiền mua lại trái phiếu doanh nghiệp, bán chéo bảo hiểm khi xét duyệt hồ sơ vay vốn.
Báo cáo cũng đề cập đến một số doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy chữa cháy được ban hành và có hiệu lực.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế bày tỏ lo ngại tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch..., ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội trong thời điểm cuối năm.
Số liệu về lao động, việc làm thu nhập của người lao động trong báo cáo của Chính phủ còn mâu thuẫn với tình hình kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp, tình hình của người lao động trong một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Ủy ban Kinh tế cho rằng nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại trên do tác động nặng nề của các yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế bất cập của nền kinh tế tích tụ trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm.
Ủy ban Kinh tế đưa ra nhiều đề xuất, một trong số đó là đề nghị hạ lãi suất điều hành hỗ trợ tăng trưởng, tăng cường giám sát các thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.