Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Hà Nội, TP HCM chưa bao giờ nghẽn như vậy

Theo TS Võ Trí Thành, chưa bao giờ Hà Nội và TP HCM lại nghẽn về vấn đề lựa chọn chiến lược, kết nối sự tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bền vững về môi trường như hiện nay.

Hà Nội, TP HCM chưa bao giờ nghẽn như vậy

Với những tồn tại mà kinh tế Việt Nam gặp phải trong năm 2020, tại Diễn đàn Đầu tư và phát triển kinh doanh Việt Nam 2020 với chủ đề: "Cơ hội tăng tốc và bứt phá", diễn ra tại TP HCM sáng 6/1, TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương, nói năm 2020, Việt Nam có nhiều vấn đề phải trực tiếp đối mặt sau những kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2019.

Theo ông, một trong những tồn tại đặc biệt đầu tiên cần nhắc đến chính là vấn đề lựa chọn chiến lược, kết nối sự tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bền vững về môi trường.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Hà Nội, TP HCM chưa bao giờ nghẽn như vậy - Ảnh 1.

Theo TS Võ Trí Thành, chưa bao giờ Hà Nội và TP HCM lại nghẽn về vấn đề lựa chọn chiến lược, kết nối sự tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bền vững về môi trường như hiện nay. (Ảnh: BTC).

Ông Thành dẫn chứng về tình hình hiện nay tại 2 thành phố lớn nhất cả nước, là Hà Nội và TP HCM. Theo ông, chưa bao giờ Hà Nội và TP HCM lại nghẽn như vậy, nhất là trước những vấn đề liên quan chất lượng không khí và môi trường liên tục được cập nhật gần đây.

Theo ông, đằng sau đó là lúng túng về thể chế, chính sách và chiến lược của các địa phương. TS Võ Trí Thành kì vọng vấn đề lựa chọn chiến lược cho việc phát triển kinh tế của từng địa phương sẽ được giải quyết trong năm 2020.

Song song đó, TS Võ Trí Thành cũng chỉ ra phía sau những kết quả tăng trưởng ấn tượng của năm 2019 thì kết cấu hạ tầng lại không đạt như kì vọng. Theo đó, nếu như các năm trước, cơ sở hạ tầng chiếm đến 11-12% GDP thì năm 2019 chỉ còn trên 6% GDP. 

"Nếu không đẩy được thì sẽ ảnh hưởng vấn đề đầu tư trung dài hạn. Đây là vấn đề rất nền tảng", TS Võ Trí Thành lưu ý.

Dẫn chứng thêm về những thách thức năm 2020, ông Thành nói năm 2019, kinh tế Mỹ, châu Âu đi xuống nhưng chứng khoán vẫn tốt. Trong khi đó, Việt Nam ngược lại. Một thị trường rất quan trọng bất động sản nhưng năm qua, thị trường có vấn đề về pháp lí, một số dự án phải tạm dừng. 

"Giảm tốc, bất định, xu hướng tiêu dùng, công nghệ số là chắc chắn. Năm 2020 áp lực lạm phát cao, tháng 12/2019 đã trên 5%, tăng trưởng công nghiệp quý IV/2019 bắt đầu giảm, đơn hàng ít hơn. Trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng Việt Nam cần tăng cường khả năng chống chịu, phải có nhiều kịch bản để điều hành kinh tế năm 2020", TS Võ Trí Thành nhận định.

TS Trần Du Lịch: Phấn đấu đạt tăng trưởng 6,8% năm 2020 là không đơn giản

TS Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết thêm, về xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu gia công, không khác được. Tuy nhiên, nếu tiếp tục xuất khẩu và thu hút đầu tư kiểu này có thể dẫn đến hậu quả đổ vỡ.

Theo chuyên gia, tiểm ẩn của việc đổ dồn xuất khấu sang Mỹ hay xuất siêu, nhập siêu vào một quốc gia là một điều không ổn định với nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Hà Nội, TP HCM chưa bao giờ nghẽn như vậy - Ảnh 2.

Các diễn giả tại Diễn đàn Đầu tư và phát triển kinh doanh Việt Nam 2020. (Ảnh: Phúc Minh).

"Tồn tại lâu nay là một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào nợ, đe dọa cả nền kinh tế. Tôi e ngại nợ quốc gia, tức là nợ ngoại tệ phải trả hàng năm. 5 năm trước gặp nhiều doanh nghiệp kêu thiếu vốn, và hiện nay họ vẫn kêu thiếu vốn. Nền kinh tế không thiếu vốn nhưng nghẽn ở việc không tiếp cận vốn", TS Trần Du Lịch nói.

Ông cũng cho biết thêm năm 2020, nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, và những điểm nghẽn càng để lâu càng khó gỡ. Ông kì vọng Việt Nam trong 10 năm tới phát triển cao hơn nhưng với điều kiện phải khơi thông được thể chế và nguồn lực.

"Chúng ta đứng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam từng có chu kì cứ 5 năm sau tăng trưởng thì sẽ 5 năm chậm lại, nhưng hiện nay vẫn nhiều kì vọng giai đoạn tiếp theo 2020 sẽ đổi chiều tăng trưởng, tức là kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh", TS Trần Du Lịch nói.

Nói về mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2020 do Quốc hội đặt ra, ông Trần Du Lịch cho rằng mục tiêu này là thận trọng cần thiết.

"Quốc hội quyết đặt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thận trọng, nhưng việc phấn đấu để đạt được không phải là đơn giản. Nếu năm tới mà đạt được mục tiêu thì đó là một thành công lớn. Trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, đạt tăng trưởng bình quân 6,8% cũng đã là thành công", ông Lịch đánh giá.

Theo chuyên gia này, kinh tế Việt Nam phấn đấu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, 5 năm sau bình quân phải cao hơn bình quân 5 năm trước, cố gắng chấm dứt chu kì cứ 5 năm sau tăng trưởng thì sẽ 5 năm chậm lại.

Trong khi đó, theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho rằng kinh tế tư nhân sẽ có ý nghĩa lớn với Việt Nam, để vượt qua các thách thức, thích ứng với các chuẩn mực quốc tế.

Đại diện Eurocham khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.