Sau khi bán 3 công ty cao su, bất động sản tại Myanmar, bầu Đức bán luôn công ty thủy điện cuối cùng

Hoàng Anh Gia Lai cho biết mục đích của quyết định chuyển nhượng này nhằm đẩy mạnh công tác tái cấu trúc tập đoàn, theo hướng mạnh dạn thoái vốn khỏi những lĩnh vực không hiệu quả, tăng cường tập trung vào nông nghiệp.

HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã thông qua Nghị quyết về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu của công ty tại Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.

Số cổ phần chuyển nhượng là 248,5 triệu cổ phần, chiếm 99,4% vốn điều lệ của Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.

anh-3

Bầu Đức bán đứt công ty thủy điện cuối cùng. (Ảnh: HAGL).

HĐQT công ty đã thống nhất ủy quyền cho ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc công ty, kí kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại công ty thủy điện.

Phía Hoàng Anh Gia Lai cho biết mục đích của quyết định chuyển nhượng này nhằm đẩy mạnh công tác tái cấu trúc tập đoàn, theo hướng mạnh dạn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả và tăng cường tập trung vào nông nghiệp.

Bầu Đức đầu tư vào thủy điện từ năm 2008. Trong lĩnh vực này, bầu Đức có 3 công ty là Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai vừa chuyển nhượng, có trụ sở tại tỉnh Gia Lai. 2 công ty còn lại là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Vienchan, Lào) và Công ty TNHH Điện Nậm Koong 3 (Attapeu, Lào), Hoàng Anh Gia Lai cũng giữ 99,4% vốn điều lệ tại 2 công ty này.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 công bố mới đây, Công ty CP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai là công ty con duy nhất của Hoàng Anh Gia Lai ở mảng thủy điện, với giá trị đầu tư hơn là hơn 2.500 tỉ đồng.

Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng cho biết 2 công ty thủy điện còn lại của Hoàng Anh Gia Lai đang trong tình trạng thanh lí.

Như vậy, Hoàng Anh Gia Lai sẽ chính thức thoái vốn hoàn toàn ở mảng thủy điện, nhằm tập trung tối đa nguồn lực vào nông nghiệp.

Với mục tiêu tập trung nông nghiệp, hồi đầu tháng 10/2019, bầu Đức cũng chính thức bán toàn bộ cổ phần tại Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh - doanh nghiệp thực hiện dự án phức hợp tại Myanmar.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-11 lúc 12

HAGL không còn doanh thu từ bất động sản trong năm nay. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Bất động sản chính là lĩnh vực làm nên tên tuổi cho bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai vào thập kỉ trước. Tuy nhiên, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai đã quyết định chia tay mảng này. Báo cáo tài chính hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai cũng không còn bất kì khoản thu nào từ bất động sản. 

Như vậy, cơ cấu các lĩnh vực kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai hiện chỉ còn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp như định hướng đưa công ty thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á.

Nhiều thông tin cho biết mới đây, bầu Đức vừa sắm chiếc máy bay Thrush 510P với giá hơn 1,3 triệu USD, để sử dụng trong nông nghiệp tại Việt Nam, Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, trước mắt, tình hình kinh doanh mảng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai lại không mấy thuận lợi. Riêng quý III/2019, công ty lỗ 546 tỉ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp của bầu Đức lỗ đến 1.230 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái lãi gần 400 tỉ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-12-11 lúc 12

Doanh thu các mảng của HAGL sụt giảm nghiêm trọng trong 9 tháng đầu năm nay. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Hoàng Anh Gia Lai cho biết một trong những lí do khiến lỗ nặng là tập đoàn thực hiện đánh giá các tài sản không hiệu quả, và điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cọ dầu, cao su vào chi phí chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái. 

Ngoài ra, với việc bán đứt 3 công ty cao su khiến doanh thu 3 công ty này cũng không còn hợp nhất vào doanh thu của tập đoàn, cùng sự cố lũ lụt, vườn chuối bị ngập nặng tại Lào cũng khiến công ty của bầu Đức gặp nhiều khó khăn trong năm nay. 

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.