Chuyện khó tin tại công ty con của PVC thời ông Trịnh Xuân Thanh

Phóng viên xin cung cấp thêm “một góc” khó tin trong chuyện sử dụng ô tô của công ty thành viên thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thời ông Thanh làm Chủ tịch HĐQT.
chuyen kho tin tai cong ty con cua pvc thoi ong trinh xuan thanh CSĐT vào cuộc vụ thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng ở PVC: Ông Trịnh Xuân Thanh chịu trách nhiệm gì?
chuyen kho tin tai cong ty con cua pvc thoi ong trinh xuan thanh Ông Trịnh Xuân Thanh đang nghỉ phép

Chuyện ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - sử dụng xe tư nhân lắp biển số xanh đã “nổi tiếng” trong dư luận cả nước suốt thời gian qua. Dân trí xin cung cấp thêm “một góc” khó tin trong chuyện sử dụng ô tô của công ty thành viên thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thời ông Thanh làm Chủ tịch HĐQT.

Như Dân trí đã phản ánh trong bài viết “Quỹ đen khó tin thời ông Trịnh Xuân Thanh”, Công ty cổ phần Thi công cơ giới và Lắp máy dầu khí (PVC-ME) được ông Trịnh Xuân Thanh và các thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) chủ trương thành lập năm 2009 với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 40%.

Ông Trịnh Văn Thảo được giao nhiệm vụ làm Giám đốc PVC-ME. Ngày 31/7/2012, ông Trịnh Văn Thảo đã bất ngờ xuất cảnh đi Mỹ mà không báo cáo cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như PVC-ME, và đến nay đang bị công an truy nã quốc tế.

Đến giữa năm 2012, tình hình tài chính PVC-ME mất cân đối vốn nghiêm trọng, có nguy cơ phá sản vì hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nhiều công trình thi công thua lỗ dẫn đến mất cân đối vốn. Tổng số lỗ theo báo cáo tài chính đến tháng 6/2012 là trên 438 tỷ đồng.

Ngoài ra một số khoản lỗ còn tiềm ẩn chưa xác định vào báo cáo tài chính gần 138 tỷ đồng. Chính vì thế, nếu tính cả các khoản lỗ tiềm ẩn thì tổng số lỗ của PVC-ME là trên 576 tỷ đồng.

PVC dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT đã để cho một số đơn vị thành viên, trong đó có PVC-ME, buông lỏng quản lý, thua lỗ và tham nhũng, lập “quỹ đen” lên tới trên 80,7 tỷ đồng, có rất nhiều khoản chi tiêu khó có thể tin nổi.

chuyen kho tin tai cong ty con cua pvc thoi ong trinh xuan thanh

Từ câu chuyện sử dụng xe tư gắn biển số xanh trái quy định, hàng loạt bê bối liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh đã bị cơ quan chức năng phát giác và vào cuộc điều tra, xác minh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Không những vậy, tài liệu mà PV Dân trí thu thập được còn cho thấy từ năm 2012 cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều vấn đề trong việc sử dụng xe ô tô ở PVC-ME.

Tiến hành kiểm tra một số xe, đoàn kiểm tra phát hiện xe ô tô Honda CRV BKS 30S-8388 có hợp đồng thuê xe số 01/HĐTX-2009 ký ngày 2/7/2009 giữa Chi nhánh thi công cơ giới Dầu khí (bên B) và bà Trần Thị Thức (bên A), đơn giá thuê xe 15 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2009 đến ngày 31/12/2009.

Thời điểm kiểm tra năm 2012 thì hợp đồng đã thanh lý nhưng bên B đã thanh toán tiền chi phí xăng xe, cầu phà, sửa chữa, bảo dưỡng cho chiếc xe này trong năm 2009 trên 98 triệu đồng và từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2010 là gần 124 triệu đồng, không đúng với thời gian thuê xe.

Đáng chú ý, đây lại là xe ô tô của gia đình ông Vũ Duy Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC-ME được công ty này thuê lại để sử dụng (?!).

Kiểm tra hợp đồng thuê xe Huyndai Santafe BKS 30M-4676 giữa Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Hải Anh (bên A) và PVC-ME (bên B), đơn giá thuê 24 triệu đồng/tháng cũng phát hiện bên B đã trả cho bên A gần 101 triệu đồng tiền thuê xe từ 4/12/2009 đến 18/3/2010 (trong thời gian hơn 3 tháng).

Ngoài ra, bên B đã thanh toán cho bên A trên 29 triệu đồng tiền chi phí xăng xe, cầu phà, sửa chữa, bảo dưỡng cho xe từ tháng 1 tới tháng 2/2010 không phù hợp với thời gian thuê xe.

Một xe Huyndai Santafe khác được thuê đơn giá 30 triệu đồng/tháng, đoàn thanh tra phát hiện chỉ trong thời gian từ 1/11/2010 đến 30/9/2011 (chưa đầy 1 năm), PVC-ME đã trả cho Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Hải Anh gần 415 triệu đồng; thanh toán chi phí xăng xe, cầu phà, sửa chữa, bảo dưỡng cho chiếc xe này từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2011 trên 116 triệu đồng - không phù hợp với thời gian thuê xe.

Kiểm tra cụ thể chứng từ thanh toán tiền thuê xe từ tháng 11 và 12/2010, đoàn thanh tra phát hiện hồ sơ thanh toán chỉ có hóa đơn, giấy đề nghị thanh toán và bảng kê chi phí hoạt động của xe của bên bán, không có xác nhận của bộ phận theo dõi hoạt động xe, không có lịch trình kèm theo, không có xác nhận chỉ số đầu cuối công-tơ-mét của đơn vị trong khi thanh toán phụ trội tiền thuê xe 2 tháng này là 32,7 triệu đồng (?!).

Đối với hợp đồng thuê xe Toyota Fortune và Ford Everest, đơn giá 30,5 triệu/xe/tháng, thời gian thuê từ 1/2/2011 đến 31/8/2011, đoàn thanh tra cũng phát hiện giá trị thanh toán mà PVC-ME đã trả cho Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Hải Anh lên tới 427 triệu đồng nhưng toàn bộ hồ sơ thanh toán chỉ dựa trên hợp đồng và hóa đơn của bên bán, không có lịch trình hoạt động của xe kèm theo.

PVC-ME cũng thuê một xe minibus 16 chỗ của Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ Hải Anh với đơn giá 33,5 triệu đồng/tháng và đã thanh toán 8 tháng với tổng số tiền 268 triệu đồng nhưng toàn bộ hồ sơ thanh toán chỉ dựa trên hợp đồng và hóa đơn của bên bán, không có lịch trình hoạt đồng của xe kèm theo.

Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện xe Toyota Prado BKS 30X-4488 có hồ sơ thuê mua tài chính không có bản gốc tại đơn vị. Đơn vị thực hiện mua xe này không phù hợp với nhu cầu phục vụ công tác của đơn vị. Công tác chào giá mang tính hình thức, không có bản yêu cầu chào giá gửi đơn vị cung cấp.

Trong khi tổ xét duyệt giá làm việc chiếu lệ, mang tính hình thức, không đưa các tiêu chuẩn về cùng một mặt bằng để xét duyệt dẫn tới việc khi thực hiện ký kết hợp đồng mua xe lại ký bổ sung hợp đồng mua phụ kiện cho xe ô tô với giá trị trên 344 triệu đồng mà không rõ đây là phụ kiện gì (?!).

Thậm chí, dù không ký hợp đồng thuê xe ô tô Toyota Prado nhưng vẫn thanh toán chi phí hoạt động của chiếc xe này từ tháng 3/2010 đến tháng 4/2012 trên 729 triệu đồng.

Cơ quan chức năng đã đề nghị làm rõ thực tế xe ô tô nào được sử dụng phục vụ cho công việc của ông Trịnh Văn Thảo - Giám đốc PVC-ME tại đơn vị và thu hồi lại toàn bộ các khoản chi phí không hợp lý khác.

Một mình ông Thảo không thể sử dụng 2 xe ô tô trong cùng một khoảng thời gian từ tháng 11/2009 đến tháng 9/2011. Theo xác minh, riêng ông Thảo sử dụng 2 xe Huyndai Santafe và Toyota Prado với tổng số tiền thuê và chi phí xăng xe được duyệt chi trả lên tới gần 1,4 tỷ đồng.

Đoàn thanh tra tại PVC-ME cho rằng công ty này thuê rất nhiều ô tô con phục vụ cho các công trình nhưng không có bộ phận nào chịu trách nhiệm quản lý dẫn đến việc không tổng hợp được lượng xe thuê cũng như chi phí cho các hợp đồng thuê xe một cách chính xác.

PVC-ME lập biểu thống kê chính xác toàn bộ chi phí thuê, mua, chi phí hoạt động (bao gồm tiền xăng xe, sửa chữa, bảo dưỡng, chi phí cầu đường, bảo hiểm,...) của tất cả các xe mà PVC-ME đã mua hoặc thuê từ năm 2008-2012.

Trên cơ sở đó PVC-ME phải họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, có hình thức xử lý phù hợp và thực hiện việc thu hồi số tiền đã chi sai nguyên tắc.

Cơ quan chức năng đã phát hiện giai đoạn 2008-2012, PVC-ME đã bỏ trên 5 tỷ đồng để mua 7 xe ô tô và trên 6,8 tỷ đồng để thuê 12 xe ô tô các loại.

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...