Chuyện kinh doanh của 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản

Khởi đầu từ xây dựng hạ tầng rồi đến khách sạn đầu tiên ở Điện Biên, "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản đã xây dựng cơ ngơi bất động sản với chuỗi khách sạn Mường Thanh trải dài khắp đất nước cùng hàng loạt dự án bất động sản khác.

Triết lý kinh doanh của "đại gia điếu cày"

Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Mường hay còn được gọi là "đại gia điếu cày" bởi ông có sở thích hút thuốc lào. Ông xuất phát từ vùng quê xứ Nghệ và từng là người lính thời kỳ đất nước chiến tranh.

Khi hòa bình lập lại, ông tham gia sản xuất và lập nghiệp ở miền núi Lai Châu. Doanh nghiệp đầu tiên của ông được thành lập vào năm 1993 với tên gọi Xí nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, nay là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.

Từ công trình sửa chữa đường bộ đầu tiên, ông Lê Thanh Thản đã xây dựng chuỗi khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh trải dài khắp đất nước, rồi đến cơ ngơi bất động sản với loạt dự án chung cư giá rẻ, đầu tư du lịch, y tế, giáo dục,...

Chuyện kinh doanh của 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản - Ảnh 1.

(Đồ họa: Alex Chu).

Ông Lê Thanh Thản từng nói rằng, "khách sạn chỉ là nghề tay trái để tạo công ăn việc làm cho xã hội và lấy chỗ dựa để thúc đẩy thêm ngành bất động sản. Khi nào bất động sản kém rồi thì lấy khách sạn làm chính".

Trong đầu tư bất động sản, "đại gia điếu cày" quan niệm không vay vốn ngân hàng bởi ông cho rằng chi phí lãi vay chiếm đến 20% giá thành sản phẩm, còn lại có thể huy động vốn từ nhiều nguồn khác.

"Quan điểm của tôi là hết sức cân nhắc khi vay. Thực tế có nhiều chủ đầu tư chết vì vay vốn ngân hàng quá nhiều, dự án thì bán chậm, thậm chí không bán được nên không có tiền trả nợ", ông Lê Thanh Thản từng chia sẻ với báo chí.

Nói về nguyên nhân chọn phân khúc nhà ở giá rẻ, ông Lê Thanh Thản cho rằng "làm kinh tế không ai muốn bán rẻ sản phẩm của mình. Tôi chỉ muốn làm những căn nhà giá rẻ vì tôi nghĩ nếu muốn thành công phải làm ra sản phẩm được nhiều người sử dụng, những người có nhu cầu ở thực sự.

Nước mình người nghèo là phần đông. Vậy tôi xây nhà phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và người nghèo, bán với giá phải chăng.

Tuy nhiên, nhà giá rẻ cũng có nhiều loại. Ai ở thực mới thấy được chất lượng của nhà tôi xây dựng, tất nhiên phải so với căn hộ khác có giá tương ứng".

Khối tài sản hàng chục nghìn tỷ từ chuỗi khách sạn... 

Ban đầu, khách sạn Mường Thanh được sở hữu bởi Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên. Năm 2012, ông Lê Thanh Thản thành lập CTCP Tập đoàn Mường Thanh nhằm quản lý và sở hữu hệ thống khách sạn này một cách chuyên biệt.

Từ khách sạn đầu tiên ở Điện Biên, Mường Thanh đã phát triển chuỗi khách sạn cao cấp với gần 60 khách sạn, phủ khắp Việt Nam và các nước Đông Nam Á, theo giới thiệu tại website doanh nghiệp.

Cuối tháng 7/2016, Mường Thanh đã khai trương khách sạn 5 sao Mường Thanh Luxury Vientiane tại Lào, mở đầu cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn ở thị trường nước ngoài.

Khách sạn của Mường Thanh Khánh Hòa (trái) và Mường Thanh Viễn Triều (phải). (Ảnh: Khải An).

Hệ thống khách sạn Mường Thanh có 4 phân khúc gồm Mường Thanh Luxury, Mường Thanh Grand, Mường Thanh Holiday và Mường Thanh, tập trung nhiều nhất tại Nghệ An - quê hương của "đại gia điếu cày".

Trong đó, Mường Thanh Hospitality còn sở hữu một số trung tâm giải trí (Vinh Recreation Center), Khu sinh thái (Mường Thanh Safari Diễn Lâm), trung tâm thể hình,...

Ngoài ông Lê Thanh Thản với vai trò Chủ tịch HĐQT, tham gia điều hành Mường Thanh còn có ái nữ Lê Thị Hoàng Yến. Năm 2013, bà Yến chính thức giữ vai trò Tổng Giám đốc tập đoàn.

Chuyện kinh doanh của 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản - Ảnh 3.

(Đồ họa: Alex Chu).

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của tập đoàn Mường Thanh (công ty mẹ) trên 15.000 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với cuối năm 2016. 

2019 cũng là năm đầu tiên Mường Thanh ghi nhận lãi 33 tỷ đồng sau ba năm thua lỗ trước đó, dù doanh thu mỗi năm đều đạt vài trăm tỷ đồng và tăng trưởng liên tục.

Chuyện kinh doanh của 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản - Ảnh 4.

(Đồ họa: Alex Chu).

Bên cạnh thương hiệu khách sạn Mường Thanh, năm 2015, ông Lê Thanh Thản đã mua lại cổ phần của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông (Mã: PDC) từ CTCP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup, Mã: OGC). Theo tính toán của "đại gia điếu cày", thương vụ này trị giá 70 tỷ đồng.

Trong đó, Du lịch Dầu khí Phương Đông được biết đến là đơn vị sở hữu hai khách sạn lớn ở Nghệ An, gồm Khu phức hợp chung cư - khách sạn Cửa Đông (Mường Thanh Grand Cửa Đông) và Trung tâm hội nghị khách sạn Phương Đông (Mường Thanh Grand Phương Đông).

Năm 2019, ông Lê Thanh Thản được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Du lịch Dầu khí Phương Đông. Gia đình ông nắm gần 48,4% vốn tại đơn vị này, tính đến ngày 29/1/2021.

Những năm gần đây, kết quả kinh doanh của Du lịch Dầu khí Phương Đông đã cải thiện so với giai đoạn trước và xóa bớt lỗ lũy kế. Tính đến cuối năm 2020, doanh nghiệp còn lỗ lũy kế hơn 31 tỷ đồng.

Chuyện kinh doanh của 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản - Ảnh 5.

(Đồ họa: Alex Chu).

 ... đến nhà giá rẻ bậc nhất Hà Nội và nhiều BĐS khác 

Sau ba năm xây dựng tại Điện Biên, năm 2003, "đại gia điếu cày" về thủ đô phát triển BĐS. Trong khi phân khúc cao cấp bùng nổ trong giai đoạn này và có nguy cơ dư cung, doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đã theo đuổi nhà chung cư giá rẻ với hàng loạt dự án đã ra đời sau đó như Tổ hợp 12 tòa nhà HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, Thanh Hà Cienco 5, chung cư Đại Thanh, chung cư Xa La,...

Đơn cử như tại dự án Thanh Hà Cienco 5, sau khi chi 3.500 tỷ đồng mua lại từ CTCP Địa ốc Cienco 5 Land, Mường Thanh đã làm dự án thương mại và bán với giá dưới 10 triệu đồng/m2 - mức giá rẻ nhất tại Hà Nội, theo giới thiệu từ chủ đầu tư.

Không chỉ tại Hà Nội, những dự án của Mường Thanh nhanh chóng có mặt tại các thủ phủ du lịch miền Trung như Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang,... với những dự án Mường Thanh Cửa Đông Vinh - Nghệ An, chung cư Sơn Trà - Đà Nẵng,...

Ngoài ra, Mường Thanh còn có Công viên nước Thanh Hà được xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông. Công viên này từng được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ là công viên nước lớn nhất Hà Nội.

Công viên nước Thanh Hà thuộc Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, do CTCP Phát triển Địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư. (Ảnh: Zing News).

Các dự án BĐS gắn với Mường Thanh phần nhiều do Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên, CTCP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes, CTCP Phát triển Địa ốc Cienco 5 làm chủ đầu tư. Tính đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của các doanh nghiệp lần lượt ghi nhận 27.616 tỷ đồng, 5.390 tỷ đồng và 20.212 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2019, Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên đạt doanh thu 800-1.200 tỷ đồng mỗi năm. Song, doanh nghiệp liên tục lỗ sau thuế từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.

Thậm chí, Bemes không phát sinh doanh thu trong giai đoạn này, tuy nhiên con số lỗ của doanh nghiệp giảm qua từng năm, từ lỗ hơn 5 tỷ đồng ở năm 2016 còn lỗ gần 1,5 tỷ đồng vào năm 2019. Tương tự ở Cienco 5, doanh nghiệp do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch HĐQT, cũng liên tục thua lỗ.

Chuyện kinh doanh của 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản - Ảnh 7.

(Đồ họa: Alex Chu).

Chuyện kinh doanh của 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản - Ảnh 8.

(Đồ họa: Alex Chu).

Ngoài những doanh nghiệp nói trên, ông Lê Thanh Thản còn tham gia sáng lập, điều hành tại một số doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế như: CTCP Thương mại và Du lịch Thanh niên Quảng Ninh; CTCP Du lịch Nghệ An; CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Du lịch Lạng Sơn; Trường THPT Xa La; Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hà Nội - Thăng Long; Bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn,…

Sự nghiệp của "đại gia điếu cày" bắt đầu trắc trở khi hàng loạt dự án của Mường Thanh hay các doanh nghiệp do ông làm Chủ tịch liên tục vướng nhiều sai phạm. 

Cuối tháng 9 năm ngoái, Thanh tra TP Hà Nội kết luận Công viên nước Thanh Hà không có giấy phép xây dựng, xây dựng trên đất không quy hoạch công viên nước. Sau khi cơ quan nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng công trình không phép và yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công, chủ đầu tư vẫn thi công và hoàn thiện công viên.

Gần đây nhất, ông Lê Thanh Thản bị đề nghị truy tố về tội Lừa dối khách hàng, quy định tại khoản 2, Điều 198 Bộ luật hình sự do Bemes vi phạm pháp luật khi thực hiện dự án CT6 Bemes ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội.

Chuyện kinh doanh của 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản - Ảnh 3.

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ Sơn Trà (đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) tự ý xây dựng sai với giấy phép được cấp. Giữa tháng 3/2020, UBND TP Đà Nẵng ra thông báo mời thầu gói thầu phá dỡ các hạng mục vi phạm trật tự xây dựng tại dự án. (Ảnh: Chu Lai).

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.