Chuyện lạ: Đào vàng lên bán vẫn lỗ

Năm 2018, doanh thu thuần của Vàng Lào Cai đạt 111 tỉ đồng. Nhưng đến 2019 con số này lao thẳng xuống mốc 11 tỉ đồng. Tổng lỗ lũy kế hơn 57 tỉ đồng tính đến cuối tháng 3/2020. Phải chăng sức hấp dẫn của vàng tăng cao, nhưng sản xuất vàng hết thời?
(Ảnh: Youtube).

(Ảnh: Youtube).

Tại Việt Nam, số công ty khai thác vàng không nhiều. Tính đến nay, Công ty CP Vàng Lào Cai (GLC) là doanh nghiệp duy nhất niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Giá vàng "vượt nóc", công ty "chạm đáy"

Vàng Lào Cai thành lập 2007 với số vốn điều lệ ban đầu 45 tỉ đồng. Sau 5 năm vốn điều lệ tăng lên 105 tỉ đồng. Kể từ khi thành lập đến nay, hoạt động chủ yếu của Vàng Lào Cai là thực hiện khai thác và tuyển quặng vàng gốc tại mỏ vàng Minh Lương, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Sản phẩm của công ty là tinh quặng vàng hàm lượng, qui đổi 82 gam Au/tấn. Sản lượng khoảng 7.450 tấn/năm, tương đương khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Tinh quặng vàng qui đổi ra vàng kim loại (sản lượng cao nhất được phép) là 500 kg vàng kim loại/năm.

Hiện Công ty CP Vàng Lào Cai được mở rộng phạm vi khai thác hơn 120ha với trữ lượng trữ lượng khai thác 92.670 tấn quặng vàng.

Theo Báo cáo tài chính năm 2019 của công ty, doanh thu của Vàng Lào Cai năm 2016 đạt 101 tỉ đồng, tăng lên 111 tỉ đồng vào năm 2018. Nhưng đến 2019, doanh thu thuần công ty lao thẳng xuống vực khi chỉ đạt 11 tỷ đồng, giảm 90% so với năm 2018, lỗ ròng gần 16 tỉ đồng. Quí II/2020, công ty tiếp tục không có doanh thu nhưng các chi phí hoạt động vẫn phát sinh, từ đó ghi lỗ hơn 4 tỉ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến cuối tháng 3 là hơn 57 tỉ đồng.

Việc tụt dốc kinh doanh là do giấy phép khai thác vàng đã hết hạn từ tháng 4/2019 nên công ty đã tạm dừng khai thác. Giấy phép khai thác mỏ vàng Minh Lương của GLC có thời hạn đến 26/4/2019. Công suất khai thác được cấp phép cho năm 2016 là 22.000 tấn quặng vàng, năm 2017 – 2018 là 28.000 tấn quặng vàng/năm, năm 2019 chỉ cấp phép khai thác 11.702 tấn quặng vàng.

Vàng Lào Cai đã thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, để đi vào ổn định sản xuất. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc gia hạn giấy phép vẫn chưa hoàn thành. Rủi ro giấy phép chỉ là một trong những rủi ro lớn mà doanh nghiệp khai thác vàng phải đối mặt.

Cũng theo Báo cáo tài chính năm 2019 của công ty, hầu hết các thân quặng tại mỏ vàng Minh Lương đều mỏng, teo thắt, đứt quãng, chiều dày chỉ đạt 0,2 - 0,4 m, trữ lượng không lớn và nằm phân tán ở bốn khu vực đồi cách xa nhau từ 1 - 5 km. Vì vậy, công ty phải tổ chức khai thác theo hình thức cuốn chiếu từng khu vực mà không thể triển khai khai thác ồ ạt đồng loạt toàn bộ các thân quặng trong mỏ. Các đặc điểm nêu trên đã gây khó rất lớn cho việc duy trì ổn định và gia tăng sản lượng cũng như chất lượng quặng nguyên khai. 

Sức hấp dẫn của vàng tăng cao, nhưng doanh nghiệp sản xuất vàng có được hưởng lợi?

Trích số liệu của NHNN, Việt Nam có hơn 2.200 doanh nghiệp và cửa hàng kinh doanh vàng. Trong 8 năm qua, số lượng giấy phép cấp cho doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là 555 đơn vị, trong quý 1/2020 có 4 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận, theo Báo Thanh Niên. Đây là số lượng khá khiêm tốn so với số lượng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

(Ảnh: Miningreview).

(Ảnh: Miningreview).

Đại dịch Covid-19 khiến lĩnh vực sản xuất vàng không còn hấp dẫn. Đợt dịch đầu tiên tại Việt Nam hồi tháng 3, 4 đã khiến nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh nói chung và vàng nói riêng phải ngưng hoạt động. Covid-19 dần được kiểm soát vào tháng 5, 6 nhờ những nỗ lực của Chính phủ giúp các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Nhưng ngay lập tức các doanh nghiệp phải dối diện với nguy cơ của một làn sóng dịch thứ 2 bùng phát khiến việc sản xuất, buôn bán trở nên khó khăn. 

Theo Báo cáo của Cục Quản lí đăng kí kinh doanh, do Covid-19, mỗi tháng Việt Nam có hơn 9.000 doanh nghiệp đóng cửa. 

Trong bối cảnh đại dịch, nhiều đơn vị sản xuất và kinh doanh vàng đã "đồng loạt trả lại giấy phép". Bởi một điều dễ hiểu là "không sản xuất được, không có doanh thu thì đồng nghĩa với việc không báo cáo được với cơ quan chức năng cùng Ngân hàng Nhà nước", ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết trong một bài phỏng vấn với Báo Thanh Niên hồi tháng 5/2020.

Ngoài ra, việc giải thể, tạm ngưng hoạt động còn giúp đơn vị không phải đóng thuế. Đơn cử như trong năm 2019, Vàng Lào Cai đã phải nộp sổ hơn 6,8 tỉ tiền thuế, dù lỗ ròng 16 tỉ đồng. Các chi phí khấu hao, chi phí trước hoạt động, lãi vay,... chiếm tỉ trọng lớn dẫn đến kết quả lợi nhuận không đạt được như mong muốn, và làm cho tình hình tài chính của công ty gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, ngành khai thác vàng đối mặt rất nhiều rủi ro, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ nần, phá sản. Trang Người đồng hành đơn cử trường hợp của Công ty Vàng Bồng Miêu và Công ty Vàng Phước Sơn (thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam), từ năm 2008 - 2012, hai doanh nghiệp khai thác được hơn 4.430 tấn vàng, nộp ngân sách hơn 650 tỉ đồng (số liệu của Cục thuế tỉnh Quảng Nam). Nếu trừ tất cả các khoản thuế cần nộp thì Besra vẫn còn nợ thuế 278 tỉ đồng. Tình trạng này kéo dài buộc Cục Thuế Quảng Nam 11 lần ra quyết định xử phạt nộp chậm thuế.

Báo Người Lao Động từng đưa tin hồi tháng 8/2018, Công ty Bồng Miêu đã tuyên bố phá sản. Tính đến ngày 12/11/2017, Vàng Bồng Miêu có 100 chủ nợ với số tiền hơn 943 tỉ đồng, bao gồm cả 108 tỉ đồng tiền nợ thuế nhà nước.

Một nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng trở nên gặp khó khăn, đó là giá vàng tăng giảm thất thường trong những tháng qua và hiện nay đang ở mức cao. Người tiêu dùng không có nhu cầu mua, ngược lại bán vàng ra để trang trải cuộc sống trong mùa dịch khó khăn này.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn hoành hành, nền kinh tế sẽ hạ lãi suất thấp hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, các gói cứu trợ tiếp tục được bơm ra và các khoản đầu tư mạo hiểm khác như chứng khoán có phần chững lại, do đó sức hấp dẫn của vàng tăng cao, Exness nhận định. Ngay từ trước khi đại dịch bùng phát, nguy cơ nguồn cung vàng đã giảm dần. Giờ đây, trong tình hình Covid-19 đang lây lan khắp toàn cầu là một trong những nhân tố khiến nhiều công ty khai thác vàng tạm dừng hoặc sụp đổ, khả năng nguồn cung vàng lao dốc lại khiến mọi người lo lắng. 

Tạp chí Tài chính doanh nghiệp khẳng định, bất ổn kinh tế đang ở mức cao, những dự án "đào vàng" sẽ gặp khó khăn, trừ khi triển vọng kinh tế trở nên rõ ràng hơn và dịch bệnh được kiểm soát. 

Trong nửa đầu tháng 7/2020, giá vàng thế giới vượt qua mức 1.800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ năm 2011. Đến ngày 17/7, giá vàng bán ra tăng 275,6 USD/ounce so với cuối năm 2019.

Tại Việt Nam, thị trường vàng vừa trải qua 3 tuần biến động hiếm có trong lịch sử, với việc giá vàng tăng sốc rồi quay đầu giảm sâu. Vàng tăng vọt thêm hơn 12 triệu đồng/lượng trong hơn 2 tuần, từ quanh mốc 50 triệu đồng/lượng hôm 20/7 lên đỉnh cao lịch sử 62,3 triệu đồng lượng hôm 7/8.

Tuy nhiên sau đó là chuỗi giảm liên tiếp đến 12/8. Ngày 12/8, chỉ trong vòng buổi sáng, giá vàng tụt hơn 4 triệu đồng/lượng, xuống vùng 51 triệu đồng/lượng, giảm hơn 11 triệu đồng/lượng so với đỉnh cao kỉ lục.

Đến 18/8, giá vàng SJC, 9999, vàng nữ trang 24k, vàng nhẫn 18k đảo chiều tăng trở lại, chớp thời cơ khi đồng USD đang có dấu hiệu suy giảm cùng môi trường lãi suất cực thấp.

“Khi các nhà đầu tư đổ xô tìm nơi an toàn để giữ tiền trước những lo ngại về bệnh dịch và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, vàng đã tăng gần 35% giá trị từ đầu năm đến nay, vượt xa mức tăng của một số cổ phiếu bluechip công nghệ”, theo Nasdaq.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.