Vì sao hàng triệu đàn ông Trung Quốc ế vợ? | |
30 triệu đàn ông Trung Quốc sẽ ế vợ trong 30 năm tới |
Người độc thân tham gia một sự kiện hẹn hò ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
"Phiên chợ mai mối" ở thị trấn Jiaocun, thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, năm nay đóng cửa ngày 29 Tết âm lịch. Chàng trai Lyu Feifei thẫn thờ khi được thông báo phải đợi một cơ hội hẹn hò khác. Hơn ai hết, Lyu hiểu rõ điều đó có nghĩa nỗ lực tìm kiếm bạn gái năm thứ 7 liên tiếp của anh lại thất bại.
Sau khi kỳ nghỉ kết thúc, Lyu quay lại phòng trọ của mình ở Kim Sơn, một quận ngoại thành của thành phố Thượng Hải, tiếp tục công việc đầu bếp trong một cửa hàng mì và vòng quay làm việc từ sáng đến tối, mỗi tháng chỉ hai ngày nghỉ.
"Tôi đã cố gắng hẹn hò với các cô gái 7, 8 lần, nhưng đều thất bại. Điều đó khiến tôi rất nản", Lyu nói.
Tại những khu vực nông thôn như Jiaocun, tỷ lệ mất cân bằng giới tính kéo dài trong nhiều năm đã khiến nhiều nam thanh niên đến tuổi lập gia đình khó tìm vợ và rơi vào cảnh ế. Trong những năm gần đây, ngày càng ít phụ nữ trẻ xuất hiện tại chợ mai mối. Thay vào đó, họ có thể chờ đợi bà mối đến giới thiệu đối tượng phù hợp.
Những buổi hẹn hò cũng dần mất đi sự lãng mạn, khi mối quan tâm của nhiều cô gái đối với vấn đề hôn nhân không còn là tình yêu, mà là những món quà đính hôn. Theo China Daily, hồi môn hay quà đính hôn thường dao động từ 170.000-180.000 nhân dân tệ.
"Làm sao tôi có thể vờ như không hối tiếc được", Lyu ngán ngẩm. Cách đây 6 năm, anh từng được nhiều cô gái trẻ để ý. Vào thời điểm đó, quà hứa hôn cũng không quá 80.000 nhân dân tệ. Lyu bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì nghĩ mình vẫn còn thời gian tìm một người xinh đẹp hơn. Nhưng giờ đây, thậm chí các cô gái có ngoại hình bình thường cũng từ chối khi anh theo đuổi.
Năm ngoái, quà đính hôn chỉ dạo động khoảng 150.000 nhân dân tệ, nay tăng lên hơn 20.000, tương đương thu nhập cả năm của Lyu.
"Công sức lao động cả năm của tôi dường như chỉ để chi trả cho yêu cầu của mẹ vợ tương lai", Lyu giãi bày.
Không chỉ mình Lyu trải qua cảm giác này. Yang Ruiqing, người con trai thứ ba trong gia đình, hiện vẫn độc thân dù đã ở tuổi 42. Yang nhớ thời người anh trai kết hôn, quà đính hôn ước tính chỉ khoảng 3.000 nhân dân tệ. Nhưng hiện nay, toàn bộ tiết kiệm của anh cũng không đủ để đáp ứng các chi phí cho cưới xin. Thậm chí, một người phụ nữ đã ly hôn và có con cũng yêu cầu không dưới 200.000 nhân dân tệ.
Phong tục thách thức và quà cưới cho nhà gái trở thành mối lo lớn với nhiều chàng trai ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: Getty |
Sau nhiều lần tìm vợ nhưng không thành công, Yang quyết định dùng số tiền mình có để mua một căn nhà nhỏ trong làng, sẵn sàng cho cuộc sống độc thân khi về già. Mặc dù vậy, người đàn ông vẫn khao khát có một tổ ấm gia đình. Năm nay, ông cũng tìm đến các bà mối và được giới thiệu hai đám nhưng đến nay vẫn chưa phản hồi.
Tình trạng của Lyo càng khiến gia đình anh đau đầu hơn, khi người em trai cũng đến tuổi lập gia đình. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương Trung Quốc, người con trai thứ chỉ được phép kết hôn khi anh chị đã xây dựng gia đình. Gia đình Lyo năm nay dự tính bằng giá nào cũng để anh lấy vợ, dù phải vay nợ để mua quà đính hôn.
"Tôi sẽ về quê vào khoảng tháng 11 âm lịch, khi kỳ nghỉ mùa xuân bắt đầu. Lyo tiết lộ. "Tôi dự định dành 1-2 tháng để hẹn hò và duy trì mối quan hệ đó cho đến khi kết hôn".
Đến năm 2050, khoảng 30 triệu đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi kết hôn sẽ ế vợ. Ở một đất nước có tỷ lệ chênh lệnh giới tính ngày càng cao như Trung Quốc, tình trạng nam giới độc thân quá nhiều được coi là một vấn đề lớn.
Tại Trung Quốc, ở những vùng nông thôn nghèo, tiền hồi môn càng cao, theo kết quả khảo sát gần đây của People’s Daily. Số tiền hồi môn ở một số tỉnh như Thiểm Tây, Cam Túc, Tân Cương, khu tự trị Nội Mông thường là 200.000 nhân dân tệ. Ngoài tiền mặt, một số cô dâu tương lai còn yêu cầu các món quà tặng khác như vòng tay vàng, nhẫn kim cương hay vòng cổ.